Bình Thuận: Đề nghị xử lý công trình xây dựng trái phép trên Khu bảo tồn biển Hòn Cau

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 10/05/2022 11:18 AM (GMT+7)
Ngày 10/5, trao đổi với Dân Việt, ông Trương Ngọc Giao, Giám đốc Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận) cho biết, đã có báo cáo gửi UBND huyện Tuy Phong và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận về một công trình xây dựng trái phép trên Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Bình luận 0

Công trình xây dựng trên Hòn Cau chưa được cấp phép

Theo ông Trương Ngọc Giao, trước đó ngày 4/9/2021, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã tổ chức kiểm tra công trình do Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận làm chủ đầu tư. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ xây dựng đối với công trình để báo cáo và xin chỉ đạo của cơ quan cấp trên. 

Bình Thuận: Chấn chỉnh việc xây dựng tùy tiện trên Khu Bảo tồn biển Hòn Cau - Ảnh 1.

Công trình xây dựng trên Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau chưa được các cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép. Ảnh: BK

Cũng theo ông Trương Ngọc Giao, công trình đang xây dựng này chưa được cấp phép của cơ quan chức năng tại khu vực bãi biển gần cầu cảng quân sự, đảo Hòn Cau, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Và trước đó, doanh nghiệp này có trình một văn bản do ngành quân sự của huyện Tuy Phong đồng ý cho doanh nghiệp xây dựng công trình trên khu đất trên.

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy định, bất cứ công trình xây dựng nào cũng đều phải được các cơ quan thẩm quyền và quản lý nhà nước cấp phép thì chủ đầu tư mới được xây dựng...

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, trước đó ngày 4/9/2021, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra công trình do Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận làm chủ đầu tư. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ xây dựng đối với công trình để báo cáo và xin chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Tại thời điểm kiểm tra, ông Diệp Duy Linh, quản lý công trình là nhân viên của Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận không đồng ý ký tên vào biên bản tạm đình chỉ thi công công trình mà vẫn cho công nhân tiếp tục hoạt động xây dựng.

Theo ông Giao, ông Diệp Duy Linh nêu lý do không ký biên bản là: "Công trình này đang thi công trên đất quốc phòng, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau không có quyền lập bất cứ loại biên bản nào cũng như không có quyền lập biên bản tạm đình chỉ thi công công trình…".

Trong báo cáo, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau dẫn chứng: Tại khoản 1, điều 10, Mục 3, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thủy sản", quy định mọi hoạt động trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển không thuộc các hoạt động sau đây đều bị cấm, cụ thể: Thả phao đánh đánh dấu vùng biển; điều tra nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự giám sát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển; tuyên truyền, giáo dục môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tại khoản a và khoản b, điểm 2, điều 13, Mục 3 (cùng Nghị định số 26/2019/NĐ-CP), quy định đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái liên quan đến Khu bảo tồn biển có nghĩa vụ sau đây: Triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn biển đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý Khu bảo tồn biển, giám sát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển.

Bình Thuận: Đề nghị xử lý công trình xây dựng trái phép trên Khu bảo tồn biển Hòn Cau - Ảnh 3.

Tàu vận chuyển khách của Hoàng Phúc Bình Thuận từ đất liền ra đảo Hòn Cau. Ảnh BK

Còn tại điểm e, khoản 3, điều 5, Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận "về việc ban hành Quy chế quản lý các hoạt động trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận", quy định: Các hoạt động bị cấm trong vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn biển Hòn Cau gồm xây dựng các loại công trình hạ tầng, trừ các công trình phục vụ cho an ninh quốc phòng, công trình phục vụ hoạt động quản lý của Khu bảo tồn được cấp có thẩm quyền cho phép. Tại điểm 1, khoản I, điều 1, Quyết định số 3106/2012/QĐ-UBND ngày 4/12/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận "về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái bền vững có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau" quy định: Phát triển du lịch sinh thái Khu bảo tồn biển Hòn Cau có định hướng, có lựa chọn, không gây các tác động tiêu cực lên hệ sinh thái Khu bảo tồn biển đồng thời gắn chặt với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo.

Từ những quy định trên, Ban quản lý Khu bảo tồn Khu bảo tồn biển Hòn Cau khẳng định: Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận đã xây dựng công trình phục vụ hoạt động du lịch và vận chuyển khách du lịch tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Hòn Cau; đồng thời phá đá, khai thác đá tại đảo phá vỡ cảnh quan thiên nhiên để phục vụ công trình đã làm phá vỡ hệ sinh thái và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau là hành vi vi phạm pháp luật.

Từ đó, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận và UBND huyện Tuy Phong về tình hình vi phạm, xây dựng trái phép tại vùng lõi Khu bảo tồn biển Hòn Cau của Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận để xem xét chỉ đạo và có giải pháp đình chỉ thi công đối với công trình nêu trên.

Sau báo cáo trên, vừa qua đã có một số cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc kiểm tra.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin diễn biến sự việc khi có thông tin mới...

Hòn Cau, nơi rùa biển tìm về sinh đẻ

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (Cù lao Câu) được thành lập ngày 15/11/2010 với tổng diện tích 12.500 ha, bao gồm vùng biển (12.360ha) và đảo Hòn Cau (140 ha), thuộc địa giới hành chính huyện Tuy Phong.

Hòn Cau là một hòn đảo nhỏ nằm ở phía bắc của huyện Tuy Phong, cách bờ 9 km và cách TP. Phan Thiết khoảng 110 km về hướng đông bắc. Trong đó, diện tích phần nổi của đảo Hòn Cau khoảng 1,4 km2, nơi rộng nhất gần 700 m, nơi cao nhất hơn 37 m.

Đây là khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao, hội tụ nhiều loài hải đặc sản quý hiếm (34 loài động thực vật quý hiếm như trai tai tượng, tôm hùm, hải sâm… phân bố khắp khu vực này) và các rạn san hô có độ bao phủ cao, đa sắc màu và hình dáng phong phú. Nơi đây cũng sở hữu rạn san hô nguyên thủy với nhiều chủng loại khác nhau (hơn 234 loài san hô đa sắc màu), trong đó nhiều loài chỉ có ở vùng biển Hòn Cau.

Vùng nước xung quanh khu vực Hòn Cau có sự hiện diện sinh thái biển nhiệt đới điển hình, bao gồm rạn san hô và thảm cỏ biển. Sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật biển cùng cảnh quan độc đáo là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế. Đây được xem là khu bảo tồn loài, sinh cảnh thủy sinh, đáp ứng các tiêu chí là khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh trưởng và phát triển của các loại động thực vật biển có giá trị kinh tế và tầm quan trọng của quốc gia, địa phương.

Bình Thuận: Doanh nghiệp xây công trình trên Khu Bảo tồn biển Hòn Cau chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép  - Ảnh 4.

Du khách trên biển Hòn Cau nhìn về đất liền. Ảnh: BK

Đặc biệt, Hòn Cau là 1 trong 3 địa điểm trong cả nước có rùa biển, loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang sinh sống và lên bờ sinh sản thường xuyên hàng năm. Từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm là mùa rùa biển sinh sản. Điều đáng mừng là số lượng rùa biển trở về sinh sản tại Hòn Cau ngày càng tăng và ổn định.

Trên đảo Hòn Cau còn giữ lại một số di tích như Giếng Tiên (hay giếng Gia Long), theo truyền thuyết đó là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước; Đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông), nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm (Rằm tháng 4 âm lịch);...

Theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện có các phương tiện vận chuyển hành khách từ đất liền ra Hòn Cau của của Công ty TNHH Hoàng Phúc Bình Thuận đang hoạt động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem