Bão từ lòng người

Thứ sáu, ngày 10/02/2012 14:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mìn nổ. Súng bắn đạn hoa cải nổ. 6 cán bộ, chiến sĩ công an và bộ đội bị thương. Hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng bao vây, cưỡng chế một khu đầm. Một sự kiện quá nóng áp Tết Nhâm Thìn...
Bình luận 0

Tôi lập tức lên xe lao vào điểm nóng: Xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

“Thủ phạm vụ án là ai?” - tôi hỏi. “Đoàn Văn Vươn” - một phóng viên có mặt tại hiện trường trả lời. Anh Vươn là người thế nào mà ghê thế? “Cha này hiền như đất. Chỉ biết làm thôi. Dân ở đây nhiều người phải biết ơn anh ta vì từ ngày có cái đầm này, dân không phải chạy bão. Nhưng mà bị đẩy đến cùng đường như thế, vào tôi tôi cũng nổ súng cùng chết”- một thanh niên nói.

img
Một góc khu đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn.

Theo tay chỉ của anh thanh niên thì đầm của nhà anh Vươn là một vùng nuôi trồng thủy sản mênh mông với hàng chục ao đầm lớn nhỏ và rừng cây rộng lớn. Cả một rừng cây thế kia chắn sóng thì đúng là dân ở đây khỏi phải lo bão. Thoáng trong đầu tôi là hình ảnh những cơn bão lớn từng đổ bộ vào Hải Phòng với những trận cuồng phong. Khi đó, khu đầm mấy chục hécta này chắc chắn đã phải hứng trọn những bão tố của đất trời để người dân phía sau đê được sống bình yên.

Còn hôm nay, một ngày điển hình của tiết trời “sóng yên biển lặng” thì nơi đây lại đang cuộn sóng- một cơn sóng phẫn nộ của lòng dân trước một sự việc quá bất công. Ngay lúc này, hãy khoan chưa nói gì đến việc đúng sai, chỉ cần nhìn cơ ngơi hàng chục hécta đầm được be bờ đắp đập bằng hàng nghìn, hàng vạn khối đất đá, trồng hàng nghìn cây chuối, đủ nhận thấy công sức của người chủ đầm đã bỏ ra mấy chục năm qua là lớn đến thế nào.

Vậy mà họ nhận lệnh phải dời bỏ nơi đây, vô điều kiện, không một xu bồi thường. Luật ở đâu mà lại có thứ luật như thế? Chỉ có người thi hành luật hiểu sai, vận dụng sai luật thôi, coi người dân là “con kiến, củ khoai” mới làm bừa như thế, khiến cho người dân bị đẩy vào thế cùng đường quẫn trí mà làm liều.

Thảm cảnh của gia đình anh Vươn lúc này: Người ở trại giam, vợ con chưa biết trông cậy vào đâu, khiến không một ai có lương tri có thể quay lưng, mặc dù họ đang là những người mang trọng tội, được coi là những tội phạm nguy hiểm.

Họ có tội, nhưng vì đâu mà phạm tội? Huyện làm thế là sai rồi. Sai quá rồi... là những câu trả lời của hàng chục cán bộ, đảng viên, người đang giữ chức vụ cũng có, người đang công tác trong ngành tài nguyên - môi trường cũng có, có cả cán bộ đã nghỉ hưu... khi tôi mang câu chuyện của nhà anh Vươn để hỏi xem việc làm của chính quyền là đúng hay sai.

Nhưng thôi, đúng- sai là câu chuyện đã được bàn đến nhiều trên các trang báo thời sự và cũng sắp được kết luận rõ ràng. Đúng- sai thực ra cũng đã rõ như ban ngày, có thể nhìn được ngay ở cấp thành phố chứ chưa cần phải đến cấp bộ, ngành Trung ương kết luận, bởi vì đó là việc thực thi một bộ luật mà hàng ngày các địa phương đều áp dụng, các điều khoản của luật cũng rất rõ ràng, có gì mà phải lúng túng, cũng chẳng cần phải tranh cãi nhiều.

Ở đây tôi muốn chia sẻ với độc giả về nỗi gian truân vất vả của những người có công đi mở đất từ hàng chục năm về trước, khi mà chính quyền phải nài nỉ để giao cũng không ai nhận (như lời của ông Chủ tịch Hội Nông dân Tiên Lãng), và Nhà nước thì khuyến khích người dân khai hoang lấn biển. Tôi vẫn từng được nghe câu: “Ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm” để nói lên sự vất vả, tất bật, sự tần tảo của người nông dân chân lấm tay bùn.

Gặp chị Thương - vợ của “kẻ giết người bất đắc dĩ Đoàn Văn Vươn” được nghe thêm câu “ăn nửa sống, uống nửa sôi”. Đấy là vì nồi cơm được nấu trong gió rét, trong mưa bão, gió tạt qua tạt lại chỉ chín được một nửa. Những ngày đầu vật đất, lán tre dựng tạm, làm gì có điện, nước ngọt xách từng can, tiết kiệm từng giọt. Nồi cơm đang sôi, thiếu nước, múc vội ít nước trong đầm đổ vào, nước cửa biển có muối, hạt gạo không quen, đun đến khê đáy nồi nhưng hạt cơm vẫn cứ sường sượng. Có cái gì đó nghèn nghẹn trong lòng.

Anh bạn tôi cũng là một chủ đầm bảo, nỗi khổ, nỗi vất vả cơ cực của người làm đầm thì chỉ những người làm đầm mới hiểu. Nhà báo như các em không hiểu được đâu. Có gì để đong, để đếm được những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt lúc là những giọt nước mắt mừng vui khi cất được mẻ lưới đầu tiên với đặc những chú tôm lóng lánh nhảy tanh tách; lúc là những giọt nước mắt xót xa vì chỉ qua một đêm, công sức vật đất, đắp đá của biết bao ngày trước đã không còn một dấu tích.

Lại phải làm lại từ đầu. Lại bắt đầu từng viên đất, từng viên đá. Chủ- thợ cùng xoay trần vật lộn với nắng với gió, với mưa rét cắt da cắt thịt mùa đông, với cái nắng chói chang mùa hạ. Chị Thương kể, nhà anh Vươn có 5 anh em trai. Ngày đầu đi mở đất, cả 5 người cùng xông vào trận chiến vật lộn với sóng nước.

Bố mẹ chồng chị cũng ủng hộ các con góp gạo, cho vay tiền, còn lội xuống đầm đắp đập. Nhưng rồi thấy cuộc chiến khắc nghiệt quá, cả nhà bàn nhau để 3 người anh em của Vươn lên bờ, xoay xở sang nghề khác, để lại Vươn và Quý tiếp tục bám trụ. Vất vả có thể chịu được, khó khăn cũng đã vượt qua, nhưng cái chết của đứa con gái mới 8 tuổi khi cùng bố mẹ ở đầm khiến chị Thương suy sụp.

Cái giá mà gia đình chị Thương phải đánh đổi để có được đầm đất ngày hôm nay bằng cả mồ hôi, nước mắt, tâm huyết hai mươi năm tuổi trẻ của vợ chồng anh em và máu của cả đứa con gái ruột thịt. Nếu nhận về mình là con số không thì đau đớn lắm. Nhưng bây giờ, có thể gia đình chị còn phải chấp nhận cả con số âm, khi tất cả mọi người trong gia đình (cả 5 anh em trai, 2 người vợ), trừ các cháu nhỏ, đều có liên quan trong vụ án hình sự với cái án tù không phải là nhẹ đang treo lơ lửng trên đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem