Bất cập miễn, giảm thủy lợi phí: Băn khoăn về định mức cấp bù

Thứ tư, ngày 28/03/2012 18:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước những bất cập về chính sách miễn, giảm thủy lợi phí (TLP), Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 115/2008. Theo dự thảo này, sẽ tăng mức cấp bù TLP. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về mức cấp bù.
Bình luận 0

Tăng hỗ trợ cho vùng khó khăn

Theo Dự thảo nghị định, ngoại trừ khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ nguyên khung giá cũ, tất cả các khu vực khác đều có sự thay đổi mức cấp bù TLP theo chiều hướng tăng. Trong đó, thay đổi lớn nhất thuộc về khu vực miền núi.

img
Mức cấp bù thủy lợi phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng ở hầu hết các khu vực.

Nếu theo Nghị định 115, mức cấp bù TLP cho loại hình tưới tiêu bằng động lực (phải sử dụng máy bơm) của khu vực này chỉ là 670.000 đồng/ha/vụ, thấp hơn tất cả các vùng còn lại, thì ở bản dự thảo mới, mức cấp bù đã tăng lên ở vị trí “đầu bảng” ở tất cả các loại hình tưới tiêu: Tưới tiêu bằng động lực là 1,811 triệu đồng/ha/vụ; tưới tiêu trọng lực (tự chảy) là 1,267 triệu đồng/ha/vụ; kết hợp giữa trọng lực và động lực là 1,539 triệu đồng/ha/vụ.

Bà Nguyễn Thị Định- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Các công trình thuỷ lợi ở tỉnh miền núi như Tuyên Quang có quy mô nhỏ, phân tán, phục vụ cho diện tích manh mún, nên chi phí tưới, tiêu lớn”. Tuy nhiên, theo bà Định, áp dụng Nghị định 115, mức cấp bù đối với công trình tưới trọng lực chỉ đủ chi cho công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng. Đối với công trình tưới động lực thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu quản lý, khai thác công trình do chi phí điện năng quá cao. Do đó, việc tăng định mức cấp bù TLP cho khu vực miền núi là cần thiết.

Cũng có ý kiến cho rằng, Tây Nguyên không được xếp vào khu vực miền núi và có định mức cấp bù thấp hơn cả một số khu vực đồng bằng như dự thảo là chưa hợp lý. Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc một đơn vị thủy nông ở thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đăk Nông) cho rằng: “Trước đây, khi chưa có chính sách miễn, giảm TLP, Nhà nước áp dụng mức thu ở Tây Nguyên thấp hơn các vùng miền khác là để hỗ trợ nông dân. Nhưng khi có chính sách miễn TLP mà vẫn áp dụng mức cấp bù đó sẽ không hợp lý. Vì thế, mức hỗ trợ cần cao hơn các khu vực đồng bằng”.

Hỗ trợ theo mức “trượt giá”

Về sửa đổi Nghị định 115, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta phải xây dựng được chính sách miễn, giảm TLP, đặc biệt là định mức cấp bù ổn định lâu dài, tránh tình trạng cứ một vài năm lại sửa đổi định mức như hiện nay.

Theo dự thảo mới của Bộ Tài chính, cán bộ, công nhân viên nông, lâm trường cũng được miễn TLP như nông dân. Toàn bộ diện tích trồng 1 vụ lúa trở lên cũng sẽ được miễn. Trong đó, miễn TLP đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.

Ông Lê Thành Chung- Chi cục Thuỷ lợi Bắc Giang đề nghị: “Cần quy định hệ số điều chỉnh mức thu TLP (cũng là mức cấp bù - PV) khi có sự thay đổi về chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chi phí đầu vào như tiền lương, chi phí vật tư, nguyên liệu… Biện pháp hỗ trợ có tính bù “trượt giá” này cũng tương tự như phương án mà Bộ GTVT đề xuất tăng hàng năm 5% đối với phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Một vấn đề quan trọng được PGS-TS Đoàn Doãn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn PIM (thuộc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam) đặt ra khi tiếp tục triển khai việc miễn, giảm, cấp bù TLP là cần có các tiêu chí, giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, hiệu quả sử dụng đồng vốn cấp bù của Nhà nước, có cơ chế nâng cao hiệu quả hệ thống, đồng thời khuyến kích tiết kiệm đồng vốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem