Miễn, giảm thủy lợi phí: Nông dân nhiều nơi phải đóng mức cũ

Thứ tư, ngày 29/02/2012 10:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 3 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuỷ lợi phí, mức đóng phí thuỷ lợi tại một số địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn không giảm so với trước đây.
Bình luận 0

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá tác động của Nghị định 115 năm 2008 của Chính phủ về việc miễn giảm thuỷ lợi phí do Viện Khoa học Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 28.2.

img
Nông dân vẫn cần nhiều thay đổi về chính sách thuỷ lợi phí (chụp tại huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Sử dụng sai tiền miễn thủy lợi phí

Khảo sát của Viện Khoa học Thuỷ lợi do nhóm nghiên cứu của PGS-TS Đoàn Doãn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn PIM tiến hành cho thấy, mức đóng góp thuỷ lợi phí của nông dân nhiều vùng miền đã giảm rõ rệt.

Tại đồng bằng sông Hồng với địa phương đại diện là Thái Bình, mức đóng góp của nông dân là 1,5 - 2 triệu đồng/ha/năm, chiếm 1% thu nhập từ lúa, giảm 1/3 lần so với trước khi miễn giảm thuỷ lợi phí. Khu vực miền Trung với địa bàn khảo sát là Bình Định, nông dân đóng góp khoảng 1 triệu đồng/ha, chiếm 1,1-1,4% tổng thu nhập từ lúa, giảm 1/2 so với trước.

Tuy nhiên, tại ĐBSCL với địa bàn nghiên cứu là An Giang, cho thấy mức đóng góp của nông dân không giảm so với trước đây, ở mức 1,5 – 3,5 triệu đồng/ha/năm là mức cao nhất cả nước. Nhóm nghiên cứu đánh giá, có hiện tượng này là do khu vực này có ưu thế sản xuất 3 vụ lúa, diện tích quy mô hộ lớn, nông dân sẵn sàng đóng góp thuỷ lợi phí trên cơ sở hợp thương theo giá cả thị trường.

Song theo giải thích của ông Nguyễn Hồng Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình (Tổng cục Thủy lợi) thì, “sở dĩ người dân vẫn phải đóng góp mức thủy lợi phí cao là do kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí tại khu vực này chỉ thực hiện ở khâu tạo nguồn (chưa cấp bù cho việc bơm, dẫn nước vào kênh mương).

Ngoài ra, một số địa phương như Long An, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long không giao toàn bộ phần kinh phí miễn thuỷ lợi phí cho các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi mà chủ yếu sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng cơ bản”. Theo ông Khanh, việc làm này chưa phù hợp với tính chất và mục đích của chính sách miễn giảm thuỷ lợi phí.

Doanh nghiệp thuỷ lợi gặp khó khăn

Ông Trần Văn Thọ - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Trị cho rằng: “Nhờ được cấp bù thủy lợi phí, nên doanh nghiệp đã có nguồn thu ổn định, có điều kiện để trả lương cho công nhân, duy tu bảo dưỡng công trình. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay, do tình hình lạm phát, mức cấp bù thuỷ lợi phí không thay đổi đã gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Trong khi đó, ông Mai Đức Anh- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nhơn Hậu (Bình Định) cho biết: “Từ khi thực hiện miễn thuỷ lợi phí, HTX chỉ được cấp bù theo diện nước cấp tự chảy theo quy định của tỉnh, song trên thực tế, HTX phải dùng bơm điện. Vì thế, trong 2 năm thực hiện, chúng tôi bị thâm hụt đến 900 triệu đồng”.

Một vấn đề được nhiều đại biểu phản ánh là tại nhiều khu vực, bà con nông dân còn nhầm lẫn khi cho rằng, họ được miễn hoàn toàn thuỷ lợi phí. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 115, nông dân chỉ được miễn thuỷ lợi phí đến cống đầu kênh (vị trí do tỉnh quy định), còn lại nông dân vẫn phải đóng chi phí thuỷ lợi nội đồng.

Đây cũng là tình trạng của 100/200 HTX nông nghiệp ở Bình Định hiện nay do quy định không hợp lý về việc xác định phương pháp cấp nước, dẫn đến việc các HTX này phải thu “chui” thêm tiền thủy lợi phí của nông dân.

Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thuỷ lợi, đến năm 2011, đặc biệt là đầu năm 2012, nhiều công ty khai thác công trình thuỷ lợi lâm vào tình trạng đặc biệt khó khăn do tình trạng trượt giá, chi phí dành cho sửa chữa công trình giảm trầm trọng, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch lỗ hàng chục tỷ đồng trong năm 2012. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Đào Xuân Học cho biết, những kiến nghị tại hội thảo này sẽ được tiếp thu để thực hiện việc sửa đổi Nghị định 115 trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem