“Bắt đền” cán bộ vì cấp sổ đỏ sai, chủ đất bị phạt tù vì cưỡng đoạt tài sản
“Bắt đền” cán bộ vì cấp sổ đỏ sai, chủ đất bị phạt tù vì cưỡng đoạt tài sản
Gia Bình
Thứ tư, ngày 25/09/2024 11:26 AM (GMT+7)
Cho rằng việc cấp sổ đỏ sai, đường đi biến thành mương nước khiến mảnh đất bị giảm giá trị so với ban đầu, nữ chủ đất yêu cầu cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phải mua lại để cùng “khắc phục”.
Bị cáo Nguyễn Thị Tin (SN 1972, ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên) bị TAND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tuyên án sơ thẩm 8 năm 6 tháng tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản", chiều 24/9.
Theo cáo trạng, bị cáo Tin mua một mảnh đất ở thị trấn Đu (Phú Lương) và nộp hồ sơ lên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐK) của huyện vào tháng 2/2019. Hồ sơ được nhân viên tên Lam tiếp nhận.
Bà Nguyễn Thị Tin hầu tòa với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản của cán bộ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Quá trình xử lý hồ sơ, chị Lam trích lục bản đồ địa chính trên phần mềm nhưng "sơ xuất không kiểm tra thực địa" dẫn tới thể hiện sai phần mương nước giáp thửa đất thành đường giao thông. Chị Nhung, Giám đốc Chi nhánh VPĐK đất đai sau đó cũng không kiểm tra lại mà ký xác nhận, công nhận đất thuộc quyền sử dụng của bị cáo Tin.
Tháng 8/2023, do có nhu cầu chuyển nhượng mảnh đất, bà Tin đến VPĐK đất đai huyện Phú Lương làm thủ tục mới phát hiện có sự sai lệch giữa giấy chứng nhận với thực tế. Trong 3 tháng sau, bị cáo liên tục nhắn tin, gọi điện thoại và trực tiếp đến trụ sở, yêu cầu các cán bộ thực hiện việc thẩm định và duyệt hồ sơ chuyển nhượng, là các chị Nhung và Lam phải cùng "khắc phục".
Bị cáo cho rằng, mảnh đất được thế chấp ngân hàng và để giải chấp cần 1,27 tỷ đồng nhưng vì có sai phạm, không có đường vào nên chỉ bán được giá 500 triệu. Hai cán bộ do vậy phải bồi thường 770 triệu đồng; nếu không sẽ làm đơn tố cáo đến thanh tra, Chủ tịch UBND huyện và đăng sự việc lên Facebook cá nhân cho "cộng đồng mạng phán xử".
Chị Nhung sau đó tìm giúp một người mua mảnh đất trên nhưng chỉ được trả 800 triệu đồng. Bị cáo Tin cho rằng giá trị mảnh đất ít nhất 1,1 tỷ đồng nên yêu cầu hai cán bộ phải bù cho mình 300 triệu đồng.
Do thời gian này, chị Nhung đã chuyển công tác sang huyện Đồng Hỷ nên bị cáo Tin chủ yếu liên hệ với chị Lam. Ngày 27/11/2023, Tin yêu cầu chị Lam chuyển trước 70 triệu đồng nếu không sẽ gửi đơn tố cáo và đăng sự việc lên mạng xác hội. Chị Lam đồng ý, chuyển trước 50 triệu đồng cho bị cáo Tin nhưng cũng tố cáo sự việc ra công an.
Đến công an, nộp "tiền cưỡng đoạt"
Tại tòa (ngày 24/9/2024), bị cáo Tin cho hay có quan hệ với chị Nhung từ năm 2018 nên khi phát hiện sổ đỏ của mình được cấp sai đã "tạo điều kiện" cho khắc phục. Khi đó, chị Nhung khẳng định mảnh đất thuộc diện sắp bị thu hồi, làm dự án nên đề nghị "chờ đền bù".
Bà Tin khai tiếp, do khó khăn kinh tế, không thể chờ đền bù nên đề nghị chị Nhung mua lại với mức giá "mỗi bên thiệt một chút". Cụ thể, để giải chấp mảnh đất, bà Tin phải trả ngân hàng 1,27 tỷ đồng; bà sẽ chỉ tính 1,1 tỷ đồng khi bán cho chị Nhung; các bên đã đồng ý phương án này.
Chị Nhung sau đó nhờ bị cáo dẫn một người tên Hà đến xem đất nhưng vị này chỉ trả giá 800 triệu đồng. Bà Tin khi đó trả lời đã bán đất cho chị Nhung giá 1,1 tỷ đồng còn Nhung: "Bán cho em giá bao nhiêu chị không biết, chị chỉ giúp đưa đi xem đất".
Cùng thời gian, chị Nhung chuyển công tác sang huyện Đồng Hỷ và không nghe điện thoại hoặc trả lời tin nhắn của bà Tin. Mọi việc sau đó được chuyển cho chị Lam – nhân viên tại Chi nhánh VPĐK đất đai Phú Lương.
Bị cáo Tin khai tiếp, chị Lam do là hàng xóm nên gọi điện nói: "Cháu lương mấy triệu một tháng, cứ bị đổ lỗi bác ạ". Thời gian sau, bị cáo Tin gọi điện, hỏi vay chị Lam 70 triệu đồng và nhắn số tài khoản nhưng bị từ chối. Hôm sau, chị Lam bất ngờ chuyển cho bà Tin 50 triệu đồng, không nội dung chuyển khoản.
Bị cáo Tin khai, đã gọi điện muốn trả lại nhưng chị Lam không nghe máy. Người phụ nữ liền rút 50 triệu, đến trụ sở VPĐK đất đai tìm chị Lam để trả nhưng cũng không gặp, việc này có nhân chứng là người trong cơ quan. Bà Tin sau đó lên công an nộp 50 triệu nói trên vì lý do "không biết tiền gì" nhưng vẫn bị khởi tố, tạm giam về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Người phụ nữ khẳng định không phạm tội này như cáo buộc của Viện kiểm sát. Ngược lại, phía công tố cho rằng bị cáo có hành vi đe dọa tố cáo, đăng sự việc lên mạng xã hội để gây sức ép với các chị Nhung, Lam. Tội cưỡng đoạt tài sản thuộc trường hợp cấu thành hình thức nên việc bị cáo Tin trả lại tiền không làm thay đổi bản chất.
Chuyển tiền trước hay sau khi báo công an?
Có mặt tại tòa, chị Nhung khai khi phát hiện sai sót đã đề nghị làm lại sổ đỏ, thể hiện rõ đường đi vào đất là mương nước nhưng bà Tin từ chối vì như vậy, ai xem sổ đỏ cũng biết "đất không có đường vào", khó chuyển nhượng. Do vậy chị Nhung tìm người mua mảnh đất, việc này thể hiện chị "có trách nhiệm, phối hợp với người dân khắc phục hậu quả". Tuy vậy, chị Nhung khẳng định bản thân không mua lại mảnh đất như bị cáo Tin khai.
Còn chị Lam trình bày, bị bà Tin nhắn, gọi điện đe dọa nên sợ bị tố cáo, mất việc. Chị chuẩn bị 30 triệu đồng, kèm 20 triệu chị Nhung gửi để chuyển cho bà Tin. Sau khi chuyển, chị vẫn lo bà Tin làm đơn tố cáo mình nên chủ động trình báo công an.
Thời điểm trình báo của chị Lam bị người tham gia tố tụng đặt nghi vấn. Cụ thể, luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Tin) nêu nêu câu hỏi, cùng thời điểm chị Lam chuyển tiền vào tài khoản bị cáo Tin, chị cũng có biên bản làm việc với cơ quan công an huyện Phú Lương.
"Vậy chị chuyển tiền ở nhà rồi mới đến công an hay chuyển tiền ở cơ quan công an? Đã đi trình báo rồi, còn chuyển tiền cho bị cáo Tin làm gì?", luật sư hỏi. Đáp lại, chị Lam chỉ trả lời, trình báo vì sợ bà Tin làm đơn tố cáo sai sót của mình.
Với chị Nhung, luật sư cho hay người phụ nữ cũng đã có đơn trình báo bị cáo Tin trước khi chuyển 20 triệu đồng (trong số 50 triệu chị Lam chuyển cho Tin). "Đã tố giác rồi thì không có lý do gì phải làm theo yêu cầu trái pháp luật nữa", luật sư Thanh đặt vấn đề.
Ngoài ra, bị cáo Tin sau khi nhận 50 triệu đồng đã rất nhiều lần đề nghị trả lại nhưng không được, do vậy mang đến công an giao nộp. Luật sư cho rằng: "Không có người cưỡng đoạt tài sản nào lấy được tiền rồi lại mong muốn trả lại như vậy".
Cùng bào chữa cho bị cáo Tin, luật sư Trịnh Văn Tuyến cũng cho rằng cả thân chủ của mình và các chị Nhung, Lam đều có điểm chung là có những quyền lợi cần bảo vệ trong việc sổ đỏ bị sai sót. Cụ thể, 2 cán bộ VPĐK đất đai thì muốn khắc phục để không bị xử lý trách nhiệm còn bị cáo cần mảnh đất được định giá đúng.
Diễn biến vụ án cho thấy, chị Nhung và Lam luôn "nắm thể chủ động về phương án giải quyết", từ đầu là tìm cách đính chính sổ đỏ và sau mới đến vấn đề tiền bạc. "Giữa 3 người chỉ là một cuộc giao dịch, trao đổi. Ở đó, các bên đều chủ động, tự nguyện đưa ra mong muốn gắn với những toan tính về mặt lợi ích theo nhu cầu của mỗi bên", luật sư Trịnh Văn Tuyến nêu quan điểm.
Các luật sư cho rằng, chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Thị Tin phạm tội cưỡng đoạt tài sản, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đại điện viện kiểm sát đối đáp, bị cáo dùng lời nói, hành vi, đe dọa gửi đơn tố cáo để gây sức ép với chị Nhung, Lam nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu không vì mục đích này, bị cáo đã gửi đơn nhưng thực tế, đến khi bị bắt giữ bị cáo vẫn chưa gửi.
Sau nghị án, tòa cho rằng bị cáo Tin khi phát hiện sổ đỏ có sai sót cần làm đơn để chỉnh lý nhưng nếu vậy, khu đất sẽ bị giảm giá trị. Từ nguyên nhân này, bị cáo đã ép buộc các bị hại phải khắc phục; thể hiện ý thức chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Tin đã lợi dụng sai phạm của 2 nữ cán bộ để buộc họ phải gửi tiền nên cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.