Bất động sản các tỉnh vẫn trên đà tăng nhiệt

Kỳ Phương Thứ hai, ngày 19/03/2018 15:15 PM (GMT+7)
Không riêng các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, hoặc các vùng lân cận tiếp giáp trung tâm, gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản các tỉnh xa vẫn tăng giá chóng mặt, thậm chí các dự án giá “đắt đỏ” vẫn được triển khai đồng loạt.
Bình luận 0

img

Vì quỹ đất tại các đô thị lớn đang "nhỏ lại", nên các nhà đầu tư tìm thị trường ngách ở các tỉnh 

Hiệu ứng của "làn sóng"

Năm 2013, sau chu kỳ đóng băng, thị trường nhà đất cả nước bắt đầu hồi phục và phát triển liên tiếp. Ở các đô thị trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng có giá bán cao ngất ngưởng được giao dịch ồ ạt. Thậm chí, có dự án giá bán gần trăm tỷ đồng/căn vẫn thu hút người mua.

Theo tìm hiểu của PV, cách đây khoảng vài năm tuy thị trường nhà đất trung tâm đi lên theo chiều thẳng đứng nhưng ở các tỉnh xa vẫn còn chịu hệ lụy của “kỷ nguyên băng” 2007. Hàng loạt dự án ở Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… rơi vào trạng thái “chết”. Nhưng vài năm gần đây, khi thị trường ở các đô thị lớn đã “nóng sốt” thì ở tỉnh xa, các dự án mới bắt đầu tái thiết, được đầu tư mạnh dạn hơn, qua đó cũng được bán với giá cao dần.

Ghi nhận thực tế, từ sân bay Cam Ranh (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chạy vào trung tâm TP.Nha Trang, vài chục dự án bất động sản đang được xây dựng bài bản, và đang thi công rầm rộ.

Trong vai khách hàng tìm mua sản phẩm ở đây, chúng tôi không khỏi choáng khi chỉ trong một thời gian ngắn, giá giao dịch tăng gần gấp đôi. Nếu trước đây khoảng 6 tháng, giá căn hộ trên tuyến đường này chỉ từ khoảng 20 - 30 triệu/m2 thì nay giá tăng lên khoảng 32 - 40 triệu đồng/m2. The Arena Cam Ranh, với thiết kế tinh vi và được vận hành bởi công ty lữ hành nước ngoài, cũng được rao bán gần 50 triệu đồng/m2.

Theo làn sóng nhiệt bất động sản gia tăng, ở Phú Yên nhà đầu tư cũng “chịu chơi” khi triển khai dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất TP. Dự án Rosa alba resort được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo TP.Tuy Hòa nói riêng và cả ngành du lịch tỉnh Phú Yên nói chung.

Rosa Alba được mở bán với giá khá cao hơn 5 tỷ đồng/căn nhưng thật bất ngờ khi tính thanh khoản cao, thu hút được đông khách hàng. Điều đặc biệt, nếu so sánh cùng vị trí tương đồng như khu Trần Phú (Nha Trang) thì giá đất và biệt thự của dự án này chỉ mới bằng khoảng 1/60. Bởi yếu tố đó, chủ đầu tư dự án này “dám” cam kết với mức sinh lợi nhuận khủng đối với khách hàng.

img

Ở Phú Yên cũng xuất hiện dự án BĐS nghỉ dưỡng đẳng cấp đầu tiên  Rosa Alba nhưng giá bán thấp hơn các vùng khác rất nhiều

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án đua nhau mọc lên, nếu trước đây phần lớn các căn hộ chỉ có giá giao dịch trên dưới 1 tỷ đồng thì hiện nay, phân khúc này được xem như hàng hiếm, nhiều dự án được rao bán “trên trời” với mức giá 4 tỷ đồng/căn, không khác gì các căn hộ cao cấp tại TP.HCM.

Xu hướng ly tâm

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra đánh giá, nhà đất nhiều tỉnh thành hiện đã điều chỉnh tăng mạnh so với 1 năm trước. Đơn cử tại Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 5 – 6 lần, Đà Nẵng tăng 25%, Nha Trang tăng 100%, Phú Quốc 35%...

Theo ông Nguyễn Anh Đào – Tổng giám đốc VietHome Group, có nhiều nguyên nhân giải thích cho việc “sốt” nhà đất tỉnh xa vài năm gần đây, nhưng cái chính là BĐS trở thành một kênh đầu tư và tích lũy sinh lợi nhuận cao.

Ông Đào cho rằng,  cơ sở hạ tầng và đô thị hóa phát triển đồng bộ làm gia tăng giá trị cho BĐS nơi đó, rồi lan tỏa trên diện rộng. Tốc độ gia tăng kiều hối (hơn 13 tỷ USD) và nền công nghiệp không khói (du lịch) khiến BĐS du lịch và các vùng lân cận hưởng lợi. Bên cạnh đó, thói quen tâm lý của khách hàng, khi giá BĐS tăng khiến tỷ suất lợi nhuận từ BĐS cao hơn so với các kênh khác, từ đó người có vốn tiếp tục đổ xô đầu tư.

“Cùng với sự ổn định và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thu nhập của người dân tăng lên, vì thế nhu cầu mua bất động sản để đầu tư nở rộ. Ngoài ra, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây ở nhiều lĩnh vực, trên diễn rộng khiến 1 phần dòng tiền không nhỏ chảy vào kênh nhà đất”, ông Đào phân tích.

Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Công ty Xây dựng và Quản lý BĐS Trường Phát nhận định, theo quy luật, thị trường BĐS ở các tỉnh thường hồi phục trễ hơn so với các thành phố lớn. Ông cho rằng khi mặt bằng giá nhà, đất ở Hà Nội và TP.HCM đang bị đẩy lên khá cao thì các doanh nghiệp phát triển nhà đất có xu hướng chuyển dịch sang các tỉnh, thành khác là điều bình thường. Bởi khi đó nguồn vốn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư không quá lớn, họ sẽ dễ thực hiện hơn.

“Khách hàng và các nhà đầu tư cũng dễ tiếp cận sản phẩm vì giá bán còn ở mức vừa phải. Về khách quan, năm nay thị trường BĐS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và đặc biệt trong phạm vi TP Vũng Tàu sẽ sôi động bởi những lực hút khó cưỡng từ các nhà đầu tư siêu hạng như Tập đoàn FLC, Tuần Châu.

Tuy nhiên, khi mua dự án ở bất kỳ nơi đâu, khách hàng cần chú ý tình trạng pháp lý và năng lực của chủ đầu tư. Đây chính là hai yếu tố rủi ro hàng đầu, khách hàng cần cẩn trọng khi tham gia giao dịch và không nên chạy theo tâm lý đám đông”, ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem