Tiện ích “ma”, nỗi đau đầu của cư dân.
Trên đường đua xanh
Gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến cuộc đua tiện ích cực kỳ căng sức. Hầu hết các doanh nghiệp đều chú trọng đến tiêu chí này và có thể xem như nó quyết định thành bại của dự án.
Tính phóng khoáng của cuộc chơi được các chủ đầu tư thể hiện từ khi dự án còn trên bản vẽ. Sợ “trâu chậm uống nước đục”, các công ty địa ốc quảng bá rình rang đến khách hàng trước khi cho ra hợp đồng đặt cọc giữ chỗ đầu tiên. Giai đoạn lôi kéo dòng tiền, dự án kèm theo các tiện ích được mô tả hết sức chi tiết với những thứ khách hàng được thụ hưởng từ ăn chơi đến… ăn thật.
Nói về cuộc đua tiện ích thời gian qua, lá phổi xanh được chọn làm phông chủ đạo. Đơn cử như dự án Diamond Lotus Riverside (quận 8) của Phúc Khang Cop. Khắp Diamond Lotus Riverside là một màu xanh trải dài từ công viên River Moon Garden cho đến Sky Park rộng đến 5.000 m2
Không những thế, dự án The Western Capital (quận 6) của PHP Real với mật độ xây dựng chỉ khoảng 30%, sở hữu hơn 7.800 m2 cây xanh. Dự án này có không gian xanh lớn nhất tại khu Tây thành phố.
Nhận thấy việc người tiêu dùng đang “bội thực” với thực phẩm bẩn, nhằm phủ đầu về tâm lý chiến, Công ty cổ phần đầu tư BĐS Việt An Hòa đã tung ra thị trường siêu phẩm mang tên Organic Garden (Đức Hòa, Long An). Dự án kết hợp nhà vườn, mỗi lô sẽ có 1 nhà trồng rau hữu cơ hiện đại có diện tích 100 m2 với công nghệ nhà lưới Israel.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được nhà đầu tư chú trọng, làm đúng cam kết với khách hàng, vẫn tồn tại những bản vẽ “trơ gan cùng tế nguyệt” hay thi công nguệch ngoạc làm cư dân phải đau đầu với tiện ích chính đáng được thụ hưởng.
Tiện ích “ma” hoành hành
Vội vàng nghe lời đường mật để “trót trao thân gửi phận” vào sự quảng bá của chủ đầu tư, cư dân thuộc dự án HQC Plaza (H.Bình Chánh) sau khi dọn vào ở một thời gian thì nhận ra “trái đắng” khi hồ bơi chỉ dùng để “ngắm”. Bởi trong quá trình thi công, đơn vị này thay vì xây dựng hồ bơi thì đột ngột chuyển sang hồ cảnh quan.
Không dừng ở đó, chủ đầu tư HQC lại vẽ ra một tiện ích khiến cư dân “chết đứng”. Trên bãi giữ xe công cộng, xuất hiện một nhà trẻ nghiễm nhiêm chiếm chỗ. Để phản đối việc làm của chủ đầu tư, mới đây nhiều người đã căng băng rôn đầy chung cư.
Công viên tại khu dân cư Nam Long (Q.9).
Đỡ hơn trường hợp HQC Plaza Bình Chánh, chung cư Khang Gia (Gò Vấp) trên bản vẽ là tiện ích công viên xanh hiện đại, nhưng sau mấy năm nhận nhà, giữa chung cư chỉ là 1 bãi cỏ loang lỗ, cùng vài cây trơ trụi, rác thải bao vây tứ bề.
Nghiêm trọng hơn cả là việc doanh nghiệp “quên” tiện ích. Khu dân cư Nam Long (Q.9) với hơn 1.000 hộ dân, do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư. Từ công viên, sân thể dục thể thao đến nhà trẻ đều xây bằng... lời hứa.
Ghi nhận của PV, khu vực làm nhà trẻ hiện nay vẫn là đất trống. Cách đó khoảng 100m, sân thể dục thể thao, một phần bỏ trống, một phần dùng chứa vật liệu xây dựng. Công viên trong dự án một phần dùng làm lán trại cho công nhân, một phần... để cỏ mọc cho bò gặm.
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phần lớn các chủ đầu tư thường ưu tiên làm các hạng mục có thể bán hàng trước, sau đó mới xây dựng các hạng mục còn lại.
Trường hợp bán hàng xong, chủ đầu tư cố tình chây ì không làm các hạng mục tiện ích theo quy hoạch, cơ quan chức năng nên có biện pháp xử lý. Trên thực tế, pháp luật quy định về việc xây dựng tiện ích chưa chặt chẽ nhưng cơ quan chức năng vẫn có các chế tài để giải quyết.
Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, hiện tại nhiều doanh nghiệp dựa vào các kẻ hở trên luật “vẽ” ra các tiện ích không có thật để thu hút khách hàng. Vì vậy, trước khi ký kết dự án, người mua cần đọc kỹ các hạng mục có và không có trong dự án chứ không phải nhìn vào việc quảng bá sản phẩm.
“Với những trường hợp chủ đầu tư cam kết tiện ích trong hợp đồng nhưng chưa thực hiện, khách hàng có quyền không nhận nhà và buộc chủ đầu tư bồi thường vi phạm”, ông Quang nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.