"Bật mí" cách nhận biết màu sắc và chất lượng phân bón

KS.Nguyễn Xuân Thự Thứ sáu, ngày 08/09/2017 16:32 PM (GMT+7)
Một số loại phân bón cùng loại nhưng đôi khi lại không giống nhau về màu sắc đó là: phân lân, phân đạm urê, phân kali, phân NPK (trộn 3 màu) và phân DAP.
Bình luận 0

- Phân lân: Nguyên liệu chính để sản xuất phân lân là quặng apatit có công thức hóa học Ca5F (PO4)3. Ở nước ta có mỏ quặng duy nhất tại tỉnh Lào Cai. Dựa vào sự hình thành và thành phần apatit, tỷ lệ P2O5% chứa trong quặng được chia ra quặng loại 1, 2, 3, 4. Quặng loại 1 có 28 - 40% P2O5, loại 2 chứa 18 - 25% P2O5, hai loại quặng 1 và 2 dùng để sản xuất phân lân.

img

Phân lân Văn Điển sử dụng hoàn toàn nguyên liệu là quặng loại 1 và loại 2. Ảnh: Đình Thắng 

Phân supe lân: Công thức hóa học là Ca (H2PO4) H2O + 2CaSO4 + H2O +axit phosphoric 2%, cho axit tác động với quặng apatit chuyển hóa lân tổng số trong quặng thành lân dễ tiêu. Màu sắc của supe lân hoàn toàn phụ thuộc vào màu sắc của quặng apatit, nếu quặng có màu xám xanh thì lân có màu xám thẫm, nếu quặng apatit có màu xám nhạt thì lân có màu xám tro bếp… tuy nhiên màu sắc của lân supe thay đổi nhưng chất lượng vẫn đảm bảo 15 - 17% P2O5 dễ tiêu.

- Phân lân Văn Điển: Có công thức hóa học: 4(Ca, Mg) OP2O5+ 5(Ca, Mg) OP2¬O5.SiO2. Phân lân Văn Điển sử dụng quặng apatit loại 1 và loại 2 phối trộn một tỷ lệ quặng secpentin, sa thạch để bổ sung canxi, magie, silic, vi lượng. Sản phẩm lân có dạng bột và dạng hạt; thành phần dinh dưỡng P2O5 = 15-17%, CaO  = 30%, MgO = 15%, SO2 = 24% và 6 chất vi lượng Zn, B, Cu, Fe, Mn, Co…

Màu sắc của phân lân Văn Điển phụ thuộc vào màu sắc của quặng apatit Lào Cai. Vỉa apatit màu xám xanh thì phân lân hạt sản xuất ra có màu xanh xám, khi nghiền mịn sẽ có màu xám tro, xám thép. Vỉa quặng apatit có màu xám bạc, xám trắng thì phân lân hạt sản xuất ra có màu xanh trắng khi nghiền mịn có màu ghi xám, xám trắng... Do sử dụng hoàn toàn nguyên liệu là quặng loại 1 và loại 2 nên chất lượng phân lân nung chảy Văn Điển hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn cấp I nhà nước P2O5 dễ tiêu 15 - 17%.

- Đạm urê: Công thức hóa học CO(NH2) có tỷ lệ N= 46%. Urê có màu trắng, dễ bay hơi và tan trong nước, dạng viên, một số nhà sản xuất phân bón  đã dùng màng bọc hạt để hạn chế mất đạm, các vỏ bọc có thể màu vàng, xanh, hồng… tuy nhiên màu sắc không ảnh hưởng gì đến chất lượng.

- Phân kali: Phổ biến sử dụng kali clorua, công thức hóa học (KCl) có tỷ lệ K2O từ 60 - 62%. Các nước có mỏ kali như Canađa, Nga... màu chủ đạo là đỏ ớt nhưng cũng có loại màu đỏ nhạt, đỏ vàng nhạt… Kali Lào thì có màu trắng đục, trắng xám, ghi thép… Nếu là phân kali sunphat (K2SO4) thì thường có màu trắng sữa có tỷ lệ K2O = 50%. Tuy nhiên các loại phân kali, tuy màu sắc có thay đổi theo từng vỉa muối mỏ khai thác nhưng chất lượng vẫn ổn định.

- Phân NPK (trộn 3 màu): Các loại phân NPK được trộn 3 loại hạt của 3 loại phân: Hạt đạm urê, hạt lân, hạt kali. Do màu sắc của urê, lân, kali có thể thay đổi nên NPK trộn 3 loại phân bón trên cũng có thể thay đổi màu sắc trong cùng loại sản phẩm, về chất lượng thì hoàn toàn không thay đổi.

Đối với phân NPK viên 1 hạt do các hãng dùng màu sắc khác nhau nhuộm sản phẩm, nên đôi khi sản phẩm phân cùng mức chất lượng cũng có màu khác nhau. Ngoài ra trong cùng một hãng người ta nhuộm màu khác nhau để phân biệt các loại NPK có mức chất lượng, giá cả khác nhau, tránh việc các đại lý mang sản phẩm mức chất lượng thấp, giá rẻ trộn lẫn sản phẩm chất lượng cao, giá cao, bán thu lời bất chính.

Để phân biệt chất lượng, giá cả NPK phù hợp, cần đọc mục thành phần dinh dưỡng ghi trên vỏ bao, nếu NPK thông thường thì vỏ bao ghi "Phân NPK hoặc NPK + S", thành phần dinh dưỡng chỉ gồm có N, P2O5, K2O hoặc thêm S. Nếu là loại phân có nhiều thành phần dinh dưỡng như của Văn Điển thì được ghi "Phân đa yếu tố NPK và thành phần dinh dưỡng thường có N, P2O5, K2O, CaO, MgO, SIO2, Fe, Mn, Cu, Zn...

- Phân DAP: Thông thường DAP ngoại có hàm lượng P2O5 = 46%. N= 18%, tuy nhiên do sử dụng quặng apatit ở các vỉa khác nhau và nhà sản xuất nhuộm màu sản phẩm để phân biệt nên sản phẩm có màu khác nhau nhưng hàm lượng dinh dưỡng vẫn không thay đổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem