Những nỗ lực đàm phán đầu tiên để phá vòng vây của Nga ở Mariupol
Theo CNN, cuộc tấn công và bao vây Mariupol, phía đông nam Ukraine của quân đội Nga đã kéo dài trong nhiều tháng. Vào tháng 4 năm ngoái, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh vây chặt nhà máy gang thép Azovstal - nơi trú ẩn của khoảng 2.600 binh sĩ và thường dân Ukraine bám trụ ở Mariupol - để một con ruồi cũng không thể trốn thoát.
Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo Nga ra lệnh thắt chặt thòng lọng xung quanh nhà máy thép khổng lồ, một nhóm nhỏ cũng gấp rút bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật để chấm dứt cuộc bao vây này.
Ông Oleksandr Kovalov, một thành viên của quốc hội Ukraine từ vùng Donetsk và là một cựu chiến binh trong cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan mới đây tiết lộ với CNN rằng ông đã làm trung gian cho giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán bí mật kể trên.
Hai tướng lĩnh cấp cao của cơ quan tình báo quân đội Nga, được biết đến rộng rãi là GRU làm đại diện cho Moscow là Trung tướng Vladimir Alexseyev và Thiếu tướng Alexander Zorin. Cả 2 vị tướng này đều sinh ra ở Ukraine.
Tướng Alexseyev nằm trong danh sách trừng phạt của cả Mỹ và Liên minh châu Âu từ năm 2016 và 2019. Trong khi đó, tướng Zorin từng là đặc phái viên của ông Putin tại Syria, đóng vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với các phe phái đối lập và nổi dậy của nước này.
Việc 2 vị tướng Nga kỳ cựu nói trên tham gia vào các cuộc đàm phán cho thấy tầm quan trọng của Mariupol đối với Nga và quyết tâm của Tổng thống Putin để giành được thành phố này nhằm đảm bảo cây cầu đất liền nối Crimea với Nga. Đây được xem là một trong những phần thưởng lớn nhất trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Khi cuộc tấn công ác liệt của Nga vào Mariupol và Azovstal kéo dài, ông Kovalov cho biết, ông đã nghĩ rằng ai đó phải cố gắng ngăn chặn việc điên rồ này lại.
Kovalov tiết lộ, ông đã tận dụng một đầu mối liên lạc của FSB ở Moscow - Valentin Kryzhanovsky - với hy vọng phá vỡ cuộc bao vây của quân đội Nga ở Mariupol. Kryzhanovsky, vốn là cựu đặc vụ Cơ quan Tình báo Ukraine (SBU), người đã đào tẩu sang Nga năm 2014 và gia nhập FSB và bị nhiều người coi là kẻ phản bội ở Ukraine.
Hai người đã nói về những thường dân mắc kẹt ở Azovstal. “Có phụ nữ, trẻ em, chúng ta hãy nghĩ ra giải pháp gì đó”, ông Kovalov nhớ lại những gì đã nói.
Theo vị nghị sĩ Ukraine, nhiều người khác đã cố gắng thương lượng hóa giải cuộc bao vây của quân Nga xung quanh nhà máy thép Azovstal nhưng thất bại.
“Có 11 nhiệm vụ không thành công trước tôi, và không ai tin rằng có thể đạt được điều đó”, ông Kovalov nói. CNN cho biết, họ không thể xác nhận tuyên bố của vị nghị sĩ Ukraine.
Cuộc đàm phán "căng não"
Kovalov cho biết, ông đã nói rõ kế hoạch của mình với văn phòng của Thiếu tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine. Mặc dù nghi ngờ về cơ hội thành công, nhưng theo nghị sĩ Ukraine, tướng Budanov vẫn chúc ông thành công.
Theo đó, vào ngày 25/4/2022, ông Kovalov thực hiện chuyến đi đầu tiên đến miền nam Ukraine do Nga kiểm soát, mang theo thiết bị liên lạc được mã hóa do tướng Budanov cấp và mật khẩu bí mật để dễ dàng đi qua các trạm kiểm soát và liên lạc với chỉ huy của lực lượng Azov - đang cố thủ ở nhà máy thép Azovstal.
Khi đến Mariupol, ông Kovalov đã bị sốc trước sự tàn phá mà thành phố này phải hứng chịu. Vị nghị sĩ Ukraine đã ghi lại cảnh tượng đó trong video và ảnh được chia sẻ với CNN. Một video được quay từ một chiếc ô tô, cho thấy các tòa nhà cao tầng cháy đen và mặt tiền các cửa hàng đổ nát. Địa điểm trong video được định vị địa lý tại Đại lộ Metalurhiv ở Mariupol.
“Chúng tôi đã ở trong một thành phố bị phá hủy hoàn toàn. Một thành phố gần như bị xóa sổ khỏi mặt đất. Nó (Mariupol) chính xác là tâm điểm của cuộc chiến”, ông Kovalov nói.
Vào ngày 27/4/2022, ông Kovalov chụp ảnh cùng với Kryzhanovsky - đầu mối liên lạc của ông và Trung tướng Andrey Sychevoy, thuộc Quân đoàn vũ trang hỗn hợp cận vệ số 8 của Quân khu phía Nam của Nga. Bức ảnh mô tả họ ngồi giữa đường quanh một chiếc bàn nhỏ.
Kovalov cho biết ông đã ngồi cả ngày với vị tướng có biệt danh là “Don” của Nga. Tướng Sychevoy chịu trách nhiệm chỉ huy cuộc tấn công vào Mariupol. Kovalov nói, ông đã cố gắng làm mọi thứ để ngừng chiến sự xung quanh "pháo đài" Azovstal.
Thường dân là ưu tiên hàng đầu, những lời cầu xin tuyệt vọng và sức khỏe ngày càng xấu đi của họ đã thu hút sự chú ý của cả thế giới vào thời điểm đó.
Kovalov nói với CNN rằng ông đã cố thuyết phục “phía bên kia (Nga) rằng việc cứu, trước hết là trẻ em, phụ nữ và những người bị thương sẽ là một hành động nhân văn", thể hiện sự tỉnh táo.
Vào đầu tháng 5 năm ngoái, Liên Hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đã sơ tán hàng trăm dân thường khỏi Azovstal và các khu vực khác của thành phố cảng của ukraine. Ngày 7/5, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vershchuk cho biết "tất cả phụ nữ, trẻ em và người già" đã được đưa ra khỏi nhà máy thép một cách an toàn.
Nhưng những người lính vẫn ở lại và các cuộc tấn công của Nga vào nhà máy vẫn tiếp diễn. Thời điểm này, các cuộc đàm phán từ cả hai bên được đẩy mạnh.
Vào sáng ngày 16/5/2022, ông Kovalov trở lại Mariupol và đã quay một đoạn video tiếp cận một trong những lối vào nhà máy thép Azovstal.
Thời điểm này, phái đoàn Nga đã gặp một nhóm gồm ít nhất 6 chiến binh Ukraine, trong đó có Trung tá Denys Prokopenko, chỉ huy Tiểu đoàn Azov, người mà Moscow thường xuyên cáo buộc là một phần cực hữu của Ukraine.
"Chúng tôi đã làm mọi cách để hai bên xích lại gần nhau, nhìn vào mắt nhau, phía Nga hứa sẽ có lối thoát văn minh cho binh lính của chúng tôi”, ông Kovalov nhấn mạnh.
Thỏa thuận được thực hiện
Vị nghị sĩ Ukraine nói rằng khi các cuộc đàm phán bắt đầu một cách nghiêm túc, các điều khoản rất đơn giản được đưa ra: Các chiến binh Ukraine sẽ ngừng chiến đấu, từ bỏ nhà máy và chấp nhận bị Nga giam giữ.
“Đây là những điều kiện cho một lệnh ngừng bắn chung, sự đầu hàng văn minh của Azovstal, những điều kiện văn minh cho các tù nhân chiến tranh của chúng ta", ông Kovalov nói.
Ông Kovalov cho biết thỏa thuận đã được thực hiện mà không gặp trở ngại nào. Cuối ngày hôm đó, những chiến binh bị thương nặng nhất đã được đưa ra khỏi nhà máy thép trên cáng.
Tối hôm đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine thông báo rằng việc sơ tán binh lính Ukraine khỏi Azovstal đã bắt đầu. Bà Hanna Maliar cho biết, 53 binh sĩ bị thương đã được đưa đến một bệnh viện của Nga và 200 người đã được chuyển đến một trung tâm giam giữ ở Olenivka, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng.
Ngày hôm sau, ngày 17/5, vào khoảng giữa trưa, một dòng binh lính Ukraine - hốc hác và xanh xao, nhiều người phải chống nạng hoặc nằm trên cáng, những người khác đi khập khiễng và một số bị thương nặng - bị đưa vào nơi giam giữ.
Ông Kovalov nói rằng thật khó chịu khi thấy các chiến binh Ukraine trong tình trạng đó, nhưng điều đó cũng nhấn mạnh sự cần thiết của thỏa thuận.
“Họ đã yêu cầu được giúp đỡ, và chúng tôi đã làm mọi cách để họ nhận được sự trợ giúp. Chứng kiến cách họ rời Azovstal, tôi nhận ra rằng những nỗ lực của chúng tôi không phải là vô ích", ông Kovalov chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.