Bật mí dự án chế tạo đĩa bay ném bom nguyên tử của Mỹ

Chủ nhật, ngày 27/09/2020 10:32 AM (GMT+7)
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nước Mỹ đã đổ nhiều tỉ USD vào các dự án nghiên cứu phát triển những loại vũ khí “có một không hai” nhằm giành ưu thế quân sự so với Liên bang Xôviết. Loại đĩa bay ném bom siêu âm chiến lược LRV là một trong số những loại vũ khí độc đáo đó.
Bình luận 0

Sau Thế chiến II, qua khai thác một số kỹ sư hàng không Đức bị bắt làm tù binh, phía Mỹ nắm được thông tin về một loại máy bay dạng đĩa do Đức Quốc xã nghiên cứu và thử nghiệm tại một căn cứ bí mật ở Bavaria .

Bật mí dự án chế tạo đĩa bay ném bom nguyên tử của Mỹ - Ảnh 1.

Đĩa bay LRV được chế tạo tại Hãng hàng không North America.

Thiết kế dạng cánh tròn giống một chiếc đĩa CD cắt đôi đã tạo cho loại máy bay phản lực này những tính năng vượt trội so với loại máy bay thông thường: Giữ thăng bằng tốt hơn, đặc biệt khi bay với tốc độ thấp, hạn chế được lực cản của không khí và có thêm không gian bên trong để mang nhiều vũ khí hơn...

Thiết kế này thực sự đã thuyết phục được người Mỹ, khiến họ bỏ ra hàng tỉ USD đổ vào 3 chương trình phát triển đĩa bay: Dự án Silver Bug nghiên cứu chế tạo loại máy bay cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng; dự án Pye Wacket phát triển loại tên lửa đối không dạng đĩa và Dự án LRV (Lenticular Re-entry Vehicle) nghiên cứu chế tạo loại đĩa bay ném bom nguyên tử từ không gian.

Người Mỹ đã bí mật đem nhóm kỹ sư tù binh Đức về căn cứ không quân Wringt - Patterson để tham gia vào Dự án LRV. Tài chính cung cấp cho chương trình phát triển vũ khí này được lấy từ "quỹ đen"của Lầu Năm Góc. Công việc chế tạo đĩa bay được thực hiện tại cơ sở đặt tại Los Angeles của Hãng Hàng không North American trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước.

Theo những tài liệu mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã giải mật tháng 9/1999, đĩa bay LRV có đường kính 12m, nặng 22 tấn do 4 người điều khiển. Nó được đưa lên quỹ đạo cách mặt đất khoảng 450km nhờ một tên lửa đẩy nhiều tầng, tương tự như tên lửa Saturn đã được dùng để phóng tàu vũ trụ Apollo lên mặt trăng năm 1969.

Ở trên không, đĩa bay LRV thay đổi tốc độ và hướng di chuyển nhờ 2 động cơ phản lực kiểu tên lửa. Trước năm 1960, những động cơ này chạy bằng nhiên liệu lỏng hypergolic (hỗn hợp của nitrogen tetroxide và hydrazin). Đây chính là loại nhiên liệu mà người Đức đã dùng cho loại máy bay tiêm kích Messerschmitt Me 163 khét tiếng hồi cuối Thế chiến II.

Sau năm 1960, đĩa bay LVR được trang bị động cơ phản lực hạt nhân do người Mỹ chế tạo và phát triển tại phòng thí nghiệm của họ ở Los Alamos . Cải tiến này giúp tăng thời gian làm việc trên quỹ đạo của đĩa bay lên tới 6 tuần và tránh được nguy cơ gây cháy nổ vì hypergolic. Ngoài ra, đĩa bay LRV còn có một lò phản ứng nhỏ cung cấp điện vận hành toàn bộ hệ thống.

Mỗi chiếc đĩa bay LRV mang theo 4 quả bom nguyên tử để giáng "đòn hạt nhân" từ trên không trung xuống, làm tê liệt hệ thống phòng thủ và tấn công của đối phương khi cuộc "chiến tranh nóng" bùng phát.

Quá trình hạ cánh của đĩa bay tương tự như tàu con thoi. Phi công sẽ khai hỏa động cơ đẩy để con tàu rơi ra khỏi quỹ đạo và tái nhập vào bầu khí quyển của trái đất theo chiều phẳng dẹt của chiếc đĩa. Cũng nhờ hình dạng này, LRV giảm thiểu được lượng nhiệt phát sinh do ma sát của con tàu với không khí. 

Trong trường hợp khẩn cấp, khoang điều khiển dạng hình nêm mang theo phi hành đoàn có thể tách ra khỏi phần vỏ đĩa bay, trở về mặt đất một cách độc lập, giảm tốc bằng dù.

Đĩa bay LVR được đưa lên bệ phóng sẵn sàng cho lần xuất kích sau bằng khinh khí cầu loại lớn.

Mặc dù không có xác nhận chính thức nào về những chuyến bay thử của LRV trong tài liệu đã được giải mật, nhưng những chi tiết trong bộ hồ sơ cũng góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn xung quanh 2 sự kiện đĩa bay rất nổi tiếng.

Vụ thứ nhất xảy ra năm 1947. Ngày 24/6, phi công Kenneth Arnold báo cáo rằng anh ta đã nhìn thấy đĩa bay ở đỉnh Rainier, bang Washington . Cũng trong ngày hôm đó, hàng trăm báo cáo khác về đĩa bay đã xuất hiện trên báo chí khắp nước Mỹ.

Sau đó, một chủ trang trại tên là William McBrazel đã thông báo cho nhà chức trách rằng ông ta đã nhặt được rất nhiều mảnh vỡ kỳ lạ nằm rải rác trên một khu đất rộng 120km2 nằm gần căn cứ không quân Roswell. Nguồn tin chính thức từ phía quân đội cho biết đấy là những mảnh vụn của đĩa bay khiến cả nước Mỹ chấn động.

Một tài liệu giải mật năm 1997 cho biết ở căn cứ Roswell, không quân Mỹ đã từng dùng khinh khí cầu nâng một "vật thể bay" lên không trung để tiến hành những phép thử khí động học. Mặc dù tài liệu không nói rõ loại khí tài bay đó là gì, nhưng có rất nhiều khả năng "vật thể bay" đó là đĩa LRV,  trùng hợp với mô tả của những nhân chứng về một chiếc đĩa  màu bạc bay lượn trên không trung rồi mất hút.

Sự kiện thứ hai xảy ra tại phía nam vùng sa mạc Bribane của Australia . Năm 1975, trong một chuyến đi dạo quanh trang trại chăn nuôi của mình, ông Jean Fraser đã tìm thấy một mảnh vỡ lạ kỳ có kết cấu giống với tổ ong. Khi ông hỏi những người dân địa phương, họ cho biết đấy là mảnh vỡ của một chiếc đĩa bay đã bị phát nổ ở khu vực đó vào năm 1966.

Trang trại của ông Fraser nằm gần với khu vực thử nghiệm bí mật của quân đội Anh và Mỹ. Tò mò, ông Jean Fraser đã gửi mảnh vỡ đi phân tích. Kết quả cho thấy nó chứa những khoáng chất tương tự như loại sợi quang vẫn được dùng để chế tạo máy bay hiện đại.

Ngoài ra, trên mảnh vỡ còn có dấu vết của cặn nhiên liệu hypergolic. Cũng theo lời những người dân địa phương, sau khi vụ nổ đĩa bay xảy ra, lực lượng quân đội Australia có trang bị mặt nạ phòng hóa đã đến thu gom những mảnh vỡ, đưa lên máy bay để gửi về Mỹ. Đây  có thể là một vụ thử nghiệm không thành công đĩa bay LRV của quân đội Mỹ.

Đáng tiếc là nhiều chi tiết nhạy cảm trong dự án LRV vẫn chưa được công bố vì lý do an ninh quốc gia. Chúng có thể là lời giải đáp cho rất nhiều sự kiện UFO xảy ra trong thế kỷ XX.

Vũ Thương Huyền (Theo An Ninh Thế Giới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem