Bất ngờ lý do hoãn xử cựu Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền"
Bất ngờ lý do hoãn phiên xử cựu Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền"
Nguyễn Hòa - Ngọc Hải
Thứ hai, ngày 04/01/2021 09:39 AM (GMT+7)
Sáng nay, sau khi tuyên bố khai mạc phiên sơ thẩm, xét xử cựu Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền", thư ký phiên tòa thông báo có rất nhiều bị hại không đến tòa theo triệu tập.
Cụ thể, trong phiên xử Nguyễn Thị Kim Anh (cựu Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng) và đồng phạm sáng cùng ngày, theo thư ký của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, có rất nhiều bị hại vắng mặt không lý do, có bị hại không đến tòa nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt…
Trước diễn biến này, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, phiên tòa có tới 31 người bị hại vắng mặt không lý do, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) hoãn phiên tòa.
Về phía các luật sư cũng nêu quan điểm, việc vắng mặt rất nhiều bị hại và người liên quan sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo. Việc triệu tập toàn bộ bị hại và người liên quan đến phiên tòa là cần thiết, do đó đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Nữ luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị, nếu HĐXX hoãn phiên tòa thì phải sớm mở lại phiên tòa.
Lý do được luật sư bào chữa cho cựu Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đưa ra là thân chủ của bà bị tạm giam quá dài, ảnh hưởng tới tinh thần, sức khỏe.
Sau khi hội ý, HĐXX sơ thẩm quyết định hoãn phiên tòa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Trong vụ án này, em gái bị cáo Kim Anh là Nguyễn Thị Kim Liên được tại ngoại. Trong phiên tòa hôm nay, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn có cũng mặt tại phiên tòa.
Ông Tuấn được xác định có thiếu sót trong vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng "vòi tiền" ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, cáo trạng xác định, ông Tuấn có trách nhiệm trong việc ký quyết định thanh tra số 100/QĐ-TTr ngày 5/4/2019 do Nguyễn Thị Kim anh trực tiếp trình ký, nhưng không nêu cụ thể về đối tượng thanh tra, nhưng phần căn cứ đã nêu là căn cứ quyết định số 1369/QĐ-BXD ngày 24/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho nên ông Tuấn không xem xét kỹ, đã duyệt ký quyết định này.
Tuy nhiên, tại văn bản số 1824/TTCP-PC ngày 14/10/2019 của Thanh tra Chính phủ trả lời Cơ quan điều tra nêu quyết định số 100 do ông Tuấn ký là "phù hợp quy định pháp luật".
Quá trình làm việc, ông Tuấn cũng xác định đối tượng thanh tra là UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), UBND các xã, thị trấn không phải là đối tượng thanh tra.
Kế hoạch thanh tra do ông Tuấn phê duyệt cũng hướng tới đối tượng thanh tra là UBND huyện Vĩnh Tường, do vậy việc ký quyết định số 100 của ông Tuấn không nêu đối tượng thanh tra là thiếu sót, nhưng chưa đủ căn cứ để xem xét, xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm.
Về trách nhiệm của ông Tuấn trong quá trình thanh tra, thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, theo đó, trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Chánh thanh tra thông qua người giám sát hoạt động Đoàn Thanh tra, nhưng pháp luật về thanh tra không quy định cụ thể về thời gian, cách thức báo cáo; kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có báo cáo kết quả thah tra và dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét trước khi ký, ban hành kết luận thanh tra.
Quá trình điều tra xác định, việc bắt quả tang Đoàn thanh tra nhận tiền diễn ra trong thời gian đang thanh tra, chưa có báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra.
Mặt khác, không chứng minh được ông Tuấn có chỉ đạo đối với Đoàn thanh tra về việc thanh tra không đúng đối tượng, thu tiền của các đơn vị bị thanh tra, hoặc bàn bạc, thỏa thuận ăn chia số tiền mà Nguyễn Thị Kim Anh cùng đồng phạm nhận của chủ doanh nghiệp.
Do vậy, hành vi của ông Tuấn không cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra không đề cập, xử lý về hình sự là có căn cứ.
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.