Dọn nhà kiểu… “làm giả, ăn thật”
Vào thời điểm những ngày giáp Tết, nhiều gia đình có nhu cầu dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, thế nhưng do không có thời gian dành cho việc nhà nên nhiều người đã chọn cách thuê người về dọn dẹp. Chỉ cần bỏ ra 5, 10 phút nhấc điện thoại lên gọi đến số của một số công ty chuyên cung cấp các dịch vụ vệ sinh hay lượn qua những khu chợ người Mai Động, Cầu Bươu… là dễ dàng có ngay người đến tận nơi dọn dẹp nhà cửa.
Nhu cầu tìm người dọn nhà cuối năm gia tăng
Với giá dao động từ 300.000 - 400.000 đồng, người giúp việc sẽ dọn dẹp từ a-z trong ngôi nhà. Công việc không khó khăn nhưng đòi hỏi cao sự cẩn thận, thật thà, uy tín. Bởi vậy mà trong một số trường hợp, gia chủ đã phải “bật khóc” với người giúp việc. Công việc làm dang dở, tiền công đòi cao, hơn nữa lại còn ra về cùng một số đồ đạc của gia đình mà chủ hộ không hay là những vấn đề luôn làm các gia đình e ngại.
Chị Thủy (23 tuổi, Cầu Giầy, Hà Nội) chia sẻ, thời gian gần đây do không có thời gian dọn dẹp nhà cửa nên chị đã qua trung tâm thuê người giúp việc về làm ngày chủ nhật.Trước đó, chị đã đặt cọc tiền cho trung tâm với số tiền là 200.000. Tranh thủ lúc chị sang bà ngoại đón con, người giúp việc đã không hoàn thành công việc được giao mà đã bỏ đi cùng với chiếc điện thoại ip 5 và một số đồ dùng khác của gia đình chị. Do vậy mà từ đó, dù bận đến mấy, chị cũng tranh thủ thời gian để dọn dẹp nhà cửa.
Mua bán thực phẩm qua mạng có an toàn?
Xã hội ngày càng phát triển dẫn đến việc mua bán cũng trở nên dễ dàng hơn. Với tâm lý nhanh chóng, tiện lợi,không phải chỉ đi ra chợ hay siêu thị mua hàng. Chỉ cần chịu khó tìm kiếm trên những trang web như muaban.com, lazada, muachung.com ... hoặc các diễn đàn xã hội là có thể dễ dàng mua được những món ăn ngon và lạ.
Cẩn thận khi mua thực phẩm qua mạng
Nhưng thực phẩm đó được xuất xứ từ đâu, quy trình làm như thế nào, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì không ai biết. Các món ăn mà chỉ ở các địa phương mới có được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Truy cập facebook vào các địa chỉ nhiều người tham gia có thể thấy những món ăn như nem chua, thịt bò khô, ruốc cá… với tiêu đề “đồ do gia đình làm ra, đặc sản Thanh Hóa…”.
Những món ăn tưởng chừng như hấp dẫn và đảm bảo lại không ai biết rõ nguồn gốc xuất xứ từ đâu.Trong quá trình vận chuyển đến người tiêu dùng, thường không bảo đảm hoặc không được bảo quản đúng theo quy định. Theo thống kê của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2015 đã có 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong . Do vậy mà người tiêu dùng không nên coi nhẹ việc mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Cò vé “lộng hành”
Thời điểm này, trước cửa các bến tàu, bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát, ga Hà Nội… lại tấp nập người xếp hàng chờ đợi mua vé. Mặc dù việc đặt mua vé tàu xe bây giờ khá đơn giản và tiện lợi bằng hình thức đặt vé trên mạng nhưng một số người dân lao động vẫn khá chật vật mua vé tại quầy.
Bến xe phía Nam là nơi nhiều "cò" vé hoạt động
Do vậy, cò xe vẫn có cơ hội để hoạt động, mồi chài những người đến mua vé. Đứng trước cửa bến xe phía Nam Hà Nội chưa đầy 30 phút, đã có vài người qua lại, mời chào mua vé về Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
Với những lời mời hấp dẫn như “mua vé trong quầy lâu lắm, tiện đây bán vừa rẻ lại nhanh” là các cò xe có thể bán vé cho những người dân lao động một cách dễ dàng. Thế nhưng, nhiều trường hợp mua phải vé giả, vé không đúng tiêu chuẩn từ cò xe, người mua vé đã “dở khóc, dở mếu” khi đến cận ngày về.
Mai Hương (Lao động thủ đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.