Bắt ốc bé tí ti ngoài biển, ngư dân Đà Nẵng kiếm được tiền triệu

Tuyết Nhung - Trương Hồng Thứ tư, ngày 01/03/2023 05:17 AM (GMT+7)
Từ 5 giờ sáng, nhiều ghe thuyền và ngư dân ven biển Đà Nẵng đã mang theo dụng cụ để ra bờ biển cào ốc gạo (còn gọi là ốc lể, ốc ruốc). Hiện nay, ốc gạo đang vào mùa nhưng sản lượng giảm, thu nhập giảm theo nhưng người dân vẫn hào hứng cào ốc với niềm vui đón “lộc biển”.
Bình luận 0

Đà Nẵng đang vào mùa ốc gạo, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành những ngày này không khó để bắt gặp hình ảnh người dân ngâm mình dưới nước lạnh, đội nắng để cào ốc.

Ốc gạo bắt đầu vào chính vụ từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và chỉ có ở khu vực ven biển miền Trung. Nếu như ốc gạo ở biển Lăng Cô (Huế) chỉ có một màu đỏ, thì ốc gạo ở Đà Nẵng lại có ngũ sắc: đỏ, trắng, đen, xám, tím và vị béo ngọt nên rất hút khách.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 1.

Từ 4 giờ sáng, nhiều ghe thuyền và ngư dân ven biển Đà Nẵng đã mang theo dụng cụ ra bờ biển cào ốc gạo. Ảnh: T.N.

Vì thế, nhiều người dân thường tranh thủ dịp này để sửa soạn dụng cụ, ra biển từ sớm cào ốc kịp mang về bán. Đa số họ cào ốc từ 4-8 giờ sáng để đi theo con nước, ốc thu được nhiều hơn.

Ngư dân Võ Ngàng (trú quận Thanh Khê) chia sẻ: "Ốc gạo vào mùa từ tháng 10, nhưng phải sau Tết thì ốc mới đạt kích thước chuẩn để bán. Nghề cào ốc đơn giản nên ai cũng làm được, cứ tới mùa là hàng chục người tham gia cào ốc để kiếm thêm thu nhập.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 2.

Anh Đức đang lựa những con ốc chết, ốc càng. Ảnh: T.N.

Năm nay sản lượng ốc ít hơn mọi năm, ngâm nước lạnh cào cả buổi sáng nhưng chỉ được chừng 10 lon ốc. Cào mỏi chân quá thì nghỉ, sớm mai lại vác cào đi tiếp, mỗi ngày kiếm thêm khoảng 300.000 đồng cũng vui rồi".

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 3.

Khi trời còn mờ sương, ngư dân đã ngâm mình dưới nước lạnh để cào ốc theo con nước. Ảnh: T.N.

Khi bình minh chưa ló dạng, ngư dân đã chạy thuyền hoặc lội ra vùng biển cách bờ tầm 100-400m để cào ốc gạo. Chúng thường sinh sống dưới lớp cát biển mỏng và cách mặt nước chừng 0,5-4m.

Người làm nghề chủ yếu là dân làng chài, vì họ đã quen với sóng gió, biết đoạn nào cào ốc được nhiều, dễ kéo cào và ít nguy hiểm hơn. Cặm cụi giữa sóng biển kiếm tìm "món quà" của biển khơi giấu trong lòng cát, ngư dân xem đây vừa là niềm vui đầu năm, vừa có thêm thu nhập khá.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 4.

Trung bình mỗi ngư dân cào được 15 lon ốc gạo mỗi ngày. Ảnh: T.N.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 5.

Tùy vào kích cỡ ốc to hay nhỏ mà giá bán dao động từ 20.000-30.000 đồng/lon, hoặc 150.000-200.000 đồng/thùng (20kg). Ảnh: T.N.

Vốn là thợ cơ khí nhưng tranh thủ lúc ít đơn hàng, anh Phạm Công Anh Đức (34 tuổi, trú quận Liên Chiểu) ra bờ biển gần nhà để cào ốc gạo bán. 

Anh Đức cho biết, dụng cụ bắt ốc rất đơn giản, được làm từ cây sào tre hoặc gỗ dài, một đầu gắn khung sắt có bọc lưới để cào xuống cát, buộc thêm dây đai lưng. Ngư dân có thể tự chế hoặc đặt thợ làm với mức giá khoảng 1 triệu đồng/cái cào.

Khi cào ốc thì người cào đứng ngược chiều sóng, tay cầm sào rà sát dưới đáy để cho ốc vào lưới. Chừng nào thấy sào đã nặng thì vớt lưới lên rũ cho rớt cát, khi ốc đầy lưới thì ngư dân lên bờ đổ ốc ra thùng nước để loại bỏ ốc càng (dã tràng). Sau đó ngâm nước biển cho ốc nhả sạch cát và phân loại.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 7.

Cào ốc về luộc bán, ông Mãnh thu 1 triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: T.N.

Tùy vào kích cỡ ốc to hay nhỏ mà giá bán cũng khác nhau, dao động từ 20.000-30.000 đồng/lon, hoặc 150.000-200.000 đồng/thùng (20kg).

"Nghề cào ốc tuy đơn giản nhưng rất cực nhọc, người cào phải đứng cách nhau vài mét để nước không đục. Ngâm mình trong nước biển lạnh nhiều tiếng đồng hồ, tay cầm vợt cào ốc nặng trung bình 5kg, chân đi liên tục theo con nước để cào được ốc vào lưới.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 8.

Ốc gạo sau khi được vớt lên sẽ ngâm nước biển nhiều giờ cho nhả sạch cát và phân loại. Ảnh: T.N.

Đi cào ốc quá sớm thì nước biển còn đục, ốc chưa vào bờ; đi cào ốc trễ hơn thì mặt trời lên cao, dưới nước thì lạnh mà trên trời thì nắng nóng bể đầu. Vì thế, người làm nghề cào ốc phải có sức khoẻ tốt và kiên nhẫn thì mới làm được", anh Đức nói.

Đổi lại nghề cào ốc gạo cho thu nhập cao, suốt 3 tháng mùa ốc ngư dân kiếm được vài triệu đồng. Với những ghe thuyền công suất lớn thì có thể kiếm được 10-20 triệu đồng mỗi ngày.

Bắt con ốc ngũ sắc chỉ nhỏ bằng nút áo, ngư dân Đà Nẵng ngâm mình trong nước lạnh mà kiếm được tiền triệu  - Ảnh 9.

Nghề cào ốc chủ yếu là dân biển, chịu được sóng gió, kiên nhẫn và có sức khoẻ tốt. Ảnh: T.N.

Hào hứng vác cào ra biển, ông Nguyễn Mãnh (51 tuổi, trú quận Liên Chiểu) chia sẻ: "Mỗi ngày tôi cào được gần 20kg ốc gạo, rồi sau đó phân loại ngay tại bờ biển. Tôi phải quan sát kỹ càng, tỉ mỉ để loại bỏ những con ốc chết, ốc càng. Sau đó ngâm nước biển nhiều giờ và đem về luộc, chế biến gia vị để bán cho khách. Nhờ nghề cào ốc về luộc bán, ít nhất mỗi ngày tôi kiếm được 1 triệu đồng nên hứng khởi lắm".

Từ nhiều năm nay, ốc gạo đã trở thành món ăn nổi tiếng dân dã của miền Trung. Vì thế, tranh thủ những tháng ốc vào mùa, nhiều người dân ra biển khai thác "lộc biển" đầu năm, mang về nguồn thu nhập khá để trang trải cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem