Nuôi cầy vòi, chăm nhàn, bán giá tốt, một anh nông dân Phú Yên lãi 200 triệu/năm

Phan Chân Thuyên (Trạm KN Tuy An/TTKN Phú Yên) Thứ ba, ngày 28/02/2023 18:54 PM (GMT+7)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhiều hộ dân đã mạnh dạn phát triển nhiều mô hình vật nuôi mới để có thu nhập cao. Điển hình đó là mô hình nuôi chồn hương (cầy vòi hương) của hộ gia đình anh Nguyễn Tấn Khởi ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An.
Bình luận 0
Chồn hương hay còn gọi là cầy vòi hương  là loại động vật hoang dã, cơ thể của chúng tiết ra mùi thơm được sử dụng như một loại dược liệu quý. 

Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thịt thơm ngon, được rất nhiều người ưa chuộng nên giá trị kinh tế của chồn hương mang lại khá cao.

Tôi có dịp đến thăm trại nuôi chồn hương của gia đình anh Khởi, chị Tâm ở thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Khu nuôi chồn hương nằm sau lưng nhà với diện tích khoảng 100m2, trước kia là khu chăn nuôi gà, vịt nhưng nay đã được thay áo mới xây lại kiên cố với hơn 50 ô chuồng dùng để nuôi chồn giống và thương phẩm.

Nuôi cầy vòi, chăm nhàn, bán giá tốt, một anh nông dân Phú Yên lãi 200 triệu/năm - Ảnh 1.

Mô hình chồn hương hay còn gọi là con cầy vòi của gia đình anh Khởi, thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

 

Gia đình anh Khởi đã bắt đầu  nuôi chồn hương tại xã An Hiệp cách đây hơn 5 năm. Theo anh Khởi cho hay: Vốn là một tài xế xe, nên anh có cơ hội được đi nhiều nơi, có dịp tham quan mô hình nuôi chồn hương khá hiệu quả ở các tỉnh bạn nhất là ở các tỉnh miền Tây. 

Nhận thấy đây là con vật dễ nuôi có đầu ra ổn định, nên gia đình anh quyết định đầu tư thực hiện mô hình nuôi chồn hương trên diện tích đất mà trước kia gia đình sản xuất không mang hiệu quả cao.

Lúc đầu nuôi, gia đình anh thiếu kinh nghiệm nên gặp khó khăn do chưa nắm hết được tập quán sống của loài động vật xuất thân từ hoang dã này nên chồn chậm lớn và không sinh sản, vào mùa mưa chồn hay bị bệnh tiêu chảy. 

Rồi vợ chồng anh lại mày mò học trên sách báo, internet,…cẩn thận ghi  chép lại để dần dần thay đổi quy trình nuôi sao cho phù hợp. Theo chị Tâm, vợ anh Khởi chia sẻ: do chồn hương là động vật hoang dã bản tính rất hung dữ nên mỗi ô chuồng chỉ dành cho một con làm bằng sắt kiên cố...

Chuồng nuôi cầy vòi phải có không gian vận động nên xây chuồng diện tích 1mx1m khoảng cách cao hơn mặt đất từ 0,5m đến 0,8 m, chuồng trại phải dọn dẹp hàng ngày, đảm bảo luôn sạch, khô, tránh ẩm ướt.

Chuồng được thiết kế kín gió, bố trí nơi ít tiếng động do chồn hương rất mẫn cảm với tiếng động vì như thế làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của vật nuôi. 

Nguồn thức ăn của chồn hương chủ yếu là trái chuối chín, cá, cua, tép,…Ngoài ra, còn bổ sung thêm cho cầy vòi vitamin C, men tiêu hoá, các chất khoáng bổ sung. Kinh nghiệm nuôi chồn hương nên ăn 2 lần/ngày (sáng/tối) đối với chồn con, còn với con lớn chỉ cho ăn một lần vào buổi chiều. 

Chồn hương là con vật dễ nuôi, nếu chúng ta chăm sóc tốt, biết thời điểm phối giống đúng lúc thì sẽ mang lại thành công. 

Con chồn bắt đầu sinh sản từ 12-15 tháng tuổi,mỗi lứa sinh sản từ 3-5 con, nên bổ sung chất dinh dưỡng cho chồn mẹ tránh tình trạng chồn mẹ ăn con non sau sinh. Sau khoảng 50-60 ngày tuổi, chồn con được tách mẹ. Thời gian tách chồn con ra riêng cho phù hợp vì nếu tách sớm thì sẽ chậm phát triển, tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của con mẹ.

Hiện nay traị nuôi chồn hương của gia đình anh Khởi có 30 con chồn giống bố mẹ. Ngoài ra có 40 chồn con và chồn thương phẩm đang chuẩn bị xuất bán. 

Hiện với giá chồn hương giống dao động  8 triệu đồng/cặp (đực, cái), chồn thịt thương phẩm tầm 2 triệu đồng/kg, thì sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của xã.

Nuôi cầy vòi, chăm nhàn, bán giá tốt, một anh nông dân Phú Yên lãi 200 triệu/năm - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Tấn Khởi bên chồn hương (cầy vòi hương) của gia đình trong dịp xã An Hiệp, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đạt xã nông thôn mới

Trang trại nuôi chồn hương của anh Khởi luôn tuân thủ theo pháp luật, có giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã của Chi cục Kiểm lâm, xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của con vật. 

Anh Khởi, chị Tâm khẳng định nuôi chồn hương có lãi và quyết định sẽ đầu tư mở rộng thêm diện tích để nuôi. Anh chị ấp ủ liên kết với các mô hình tại địa phương khác để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ.

Không chỉ phát triển kinh tế riêng cho gia đình, mà gia đình anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống cho những hộ mới bắt đầu nuôi để cùng nhau phát triển, góp phần chuyển đổi đối tượng vật nuôi mới, giảm áp lực khai thác trái phép trong tự nhiên, nhằm bảo tồn, duy trì nguồn gen động vật quý hiếm.

Địa chỉ cung cấp chồn giống và chồn thương phẩm: Anh Nguyễn Tấn Khởi, thôn Phong Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên: Số điện thoại:0914158980.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem