Từ 6h20 ngày 12.9, tại trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tuyến tránh Biên Hòa (trên Quốc lộ (QL) 1 đoạn đi qua huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), nhiều tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.
Các tỉnh đề nghị di dời trạm BOT
Hàng chục tài xế cùng lúc mang tiền lẻ, thậm chí cả tiền xu, để mua vé khi qua trạm theo hướng từ phía TP.HCM - Dầu Giây khiến giao thông qua đây ùn tắc kéo dài 2km. Nhiều xe chở công nhân đi làm, học sinh đi học cũng bị "mắc kẹt".
Lực lượng CSGT rất vất vả để điều tiết các phương tiện. Hai bên đường, nhiều người hiếu kỳ tập trung theo dõi. Nhân viên thu phí đã hướng dẫn một số tài xế dùng tiền lẻ sang 2 bên đường, đến các bàn có nhân viên bán vé tăng cường để mua vé. Tuy nhiên, ùn tắc vẫn kéo dài nên trạm thu phí phải xả trạm.
Đưa vào sử dụng năm 2014, tuyến tránh TP.Biên Hòa dài hơn 12km, do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BOT. Tổng vốn cùng với đoạn cải tạo 10km QL1 là 1.500 tỉ đồng. Theo nhiều người dân sống gần trạm và các tài xế, vị trí đặt trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa rất bất hợp lý, người dân không sử dụng đường tránh vẫn phải trả phí. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến người dân bức xúc.
Tư liệu: Thảo Nguyên - Đồ họa: Phương Anh.
Ông Nguyễn Văn Năm (60 tuổi, ngụ ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) nói: "Sai thì phải sửa. Nhà nước nghiên cứu sao cho hài hòa. BOT đặt ra thì chúng tôi chịu hết. Chúng tôi bỏ tiền. Vậy nên đối với trạm BOT này một là di dời, hai là có biện pháp để người dân không mất tiền oan uổng. Chứ không thể nào đường một nơi mà trạm một nẻo".
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, vừa ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT di dời trạm thu phí ở huyện Tân Phú đặt trên QL20, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Đây là trạm thu phí của dự án Sửa chữa nâng cấp một số đoạn QL20 đi qua tỉnh Lâm Đồng theo hình thức BOT do liên doanh Công ty 7/5, Công ty Hùng Phát và Công ty Đại Phát làm chủ đầu tư. Văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định cần phải dời trạm này về đúng chỗ để tránh việc người dân của tỉnh không đi qua dự án mà vẫn phải mua vé. Ngoài ra, tỉnh này cũng kiến nghị giảm giá vé qua trạm tránh Biên Hòa cho tương đồng với các trạm khác trên địa bàn, đồng thời có chính sách giảm giá cho người dân sống gần trạm thu phí.
Sau nhiều ngày các tài xế sử dụng tiền lẻ khi đi qua trạm thu phí trên QL5 thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, ngày 12.9, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết tỉnh này vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Theo đó, tỉnh đề xuất miễn, giảm phí và di dời trạm tại Km 18 +100 trên QL5 về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và TP.Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương do vị trí đặt trạm không phù hợp. Việc di dời nhằm hạn chế các phương tiện đi vào các tuyến đường để trốn vé, gây thất thoát ngân sách nhà nước; đồng thời ổn định cuộc sống, của người dân, bảo đảm an toàn giao thông.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho hay thị xã đã có văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí Cầu Rác trên QL1A (thuộc xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên). Nguyên nhân do trạm này đặt trên QL1 nhưng lại thu phí cho tuyến đường tránh TP.Hà Tĩnh (cách đó hơn 30km) do Tổng Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Tương tự tại tỉnh Nghệ An, năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT cùng các ngành chức năng liên quan đề nghị di dời trạm thu phí Bến Thủy 1 do Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT.
Nằm ngoài khả năng của bộ?
Theo Bộ GTVT, hiện nay, cả nước còn 8 trạm BOT đặt sai vị trí. Đó là: Trạm thu phí Cầu Rác đặt trên QL1A (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); Trạm thu phí BOT Tào Xuyên (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa); Trạm thu phí BOT Bến Thủy 1 (tỉnh Nghệ An); Trạm thu phí BOT Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình); Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội); Trạm thu phí BOT Trảng Bom (Đồng Nai); Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) và Trạm Km 2123 QL1 (thu phí tuyến đường tránh Sóc Trăng).
Chiều 12.9, trao đổi với Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết hiện Bộ GTVT chưa nhận được văn bản đề xuất của UBND tỉnh Hưng Yên cũng như tỉnh Đồng Nai về việc đề xuất di dời vị trí trạm thu phí trên QL5 cũng như trên QL20. "Họ nói ở đâu đâu, chứ chúng tôi chưa thấy văn bản đề xuất nào cả" - ông Nhật nói. Trả lời về việc nếu đúng là các địa phương có đề xuất di dời trạm thu phí thì Bộ GTVT sẽ giải quyết thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết trong tuần này, dự kiến Chính phủ sẽ có một cuộc họp bàn riêng về nội dung liên quan đến BOT giao thông.
"Việc này nó ngoài tầm của bộ. Do đó, chúng tôi cũng như các cơ quan khác sẽ tập hợp những nội dung liên quan để phục vụ cho cuộc họp tại Chính phủ" - ông Nhật nói.
Trạm BOT Cai Lậy: Chờ Bộ GTVT chỉ đạo!
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết hiện địa phương vẫn chưa có phương án về trạm thu phí BOT Cai Lậy vì phải chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ GTVT. Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang (chủ đầu tư), cho hay thời gian thu phí trở lại vẫn chưa xác định. Về vị trí đặt trạm vẫn chờ Bộ GTVT và hội đồng thành viên công ty thống nhất với nhau.
Trong khi đó, ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khẳng định tỉnh này cũng chưa có động thái gì đối với trạm BOT tại Km 2123 QL1 (thu phí tuyến đường tránh Sóc Trăng). "Lý do là chưa nhận được phản ánh nào từ người dân và trạm vẫn hoạt động ổn định. Khi nào có phản ánh hoặc sự cố xảy ra thì chúng tôi mới có hướng đề nghị xử lý phù hợp" - ông Trí nói.
L.Phong - T.An - D.Nhân
|
Văn Duẩn - Hà Minh - Đức Ngọc - Xuân Hoàng (Người Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.