Bất thường trong cửa hàng Trung Quốc núp bóng người Việt?

Hoàng Anh Tuấn Thứ bảy, ngày 30/01/2016 15:00 PM (GMT+7)
Ở TP.Hạ Long (Quảng Ninh) có 3 cửa hàng quản lý là người Việt Nam, nhưng được cho là có các chủ người Trung Quốc thuê đứng tên (?). Điểm chung của 3 cửa hàng này là chỉ bán hàng cho du khách Trung Quốc.
Bình luận 0

Ở TP.Hạ Long (Quảng Ninh) hiện có 3 cửa hàng là Ngôi nhà mơ ước (nằm đối diện cổng Tuần Châu, thuộc phường Hà Khẩu), Hải Anh (trong tòa nhà Nỗi Nhớ, gần bến phà Bãi Cháy), Tân Sinh Thế (Trung tâm thương mại, mua sắm Marina Hạ Long ở phường Hùng Thắng) có quản lý là người Việt Nam, nhưng được cho là có các chủ người Trung Quốc thuê đứng tên mở bán sản phẩm lưu niệm cho khách nước ngoài (?).

img

Gối, đệm cao su tràn lan trong cửa hàng Ngôi nhà mơ ước.

Điểm chung của 3 cửa hàng này là chỉ bán hàng cho du khách Trung Quốc, với giá cả cao bất thường. Khách vào mua thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng các cửa hàng này chưa có giấy phép hoán đổi ngoại tệ…

Dò xét khách Việt, cởi mở khách Trung

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã nhập vai một đoàn khách Việt Nam vào tham quan cửa hàng Ngôi nhà mơ ước. Vừa vào trong nhà, một nhân viên nữ đã hỏi: “Các anh ở đoàn nào vào đây vậy, ai giới thiệu?”. Tôi đáp lại: “Trong thời gian chờ lên tàu nghỉ trên vịnh vào lúc 12h trưa, chúng tôi được chủ tàu giới thiệu vào đây tham quan, mua sắm”.

Sau những ánh mắt và câu hỏi dò xét, một nhân viên trong cửa hàng bảo cả đoàn đứng đợi để chờ ý kiến của quản lý cửa hàng. Sau hồi lâu, từ bộ đàm trên tay nhân viên phát ra tiếng nói: “Cứ để cho họ vào tham quan đi”.

Nhân viên cũng nêu rõ, quy định của cửa hàng là cấm quay phim, chụp ảnh nên đề nghị quý khách thực hiện đúng. Đoàn khách người Việt chúng tôi có vẻ may mắn được vào xem hàng, phần nhờ vài hôm trước có lực lượng chức năng đến làm việc tại cửa hàng trước phản ánh của dư luận về việc cửa hàng này cấm cửa người Việt, chỉ bán hàng cho người Trung Quốc.

img

Nữ nhân viên giao dịch với khách hàng trong cửa hàng Tân Sinh Thế.

Khi chúng tôi vào, đập vào mắt cả đoàn là những tấm decal lớn này được dán kín hai bên tường lối vào ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Hai bên hành lang dẫn vào bên trong là rất nhiều căn phòng nhỏ được bày bàn ghế, tivi lớn như phòng hội thảo. Cuối cùng, nhân viên dẫn chúng tôi cũng dừng lại gian phòng rộng khoảng 500m2 và khoảng 20 nhân viên khác đứng chào các loại hàng như đệm cao su tự nhiên, gối ngủ, gối kề cổ đi xe ô tô, máy chữa bệnh…

Khi chúng tôi vừa ra về thì một đoàn khách Trung Quốc được xe tour 54 chỗ chở khách đến tham quan đưa vào. Khác với đoàn chúng tôi, họ được chào đón lịch thiệp ngay từ bên ngoài và khi vào trong, mỗi người đều được phát thẻ ra vào.

Sau Ngôi nhà mơ ước, đoàn tham quan của phóng viên tiếp tục đến cửa hàng Tân Sinh Thế và Hải Anh. Tại 2 cửa hàng này, đoàn tham quan của phóng viên đều bị giữ chân với câu hỏi dò xét rất kỹ, phải chờ sự đồng ý của quản lý.

Bên trong cửa hàng Tân Sinh Thế trang trí và bày bán nhiều sản phẩm tương tự Ngôi nhà mơ ước. Ngoài nhân viên giới thiệu sản phẩm với chúng tôi bằng tiếng Việt nhưng giọng lơ lớ, thì các nhân viên bên trong cửa hàng nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung.

Hàng hóa mập mờ, giá cả “trên giời”

Theo quan sát của chúng tôi, tại 3 cửa hàng này đa phần các sản phẩm này đều có hình thức khá bình thường, nhưng lại được quảng cáo có nhiều tính năng thần kỳ nên có giá bán khá cao. Tại của hàng Ngôi nhà mơ ước có treo bảng niêm yết giá, có bảng giá được dẫn theo Cục Quản lý giá Hạ Long (được biết ở tỉnh Quảng Ninh không có đơn vị quản lý giá nào có tên gọi như trên - PV).

Một sản phẩm gối trẻ con, gối ô tô được bày bán với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/chiếc tùy loại. Đặc biệt, một số đệm mút được “hét” giá rất “khủng, thấp thì vài chục, cao thì lên đến cả trăm triệu đồng/chiếc… Theo như lời thuyết trình, giới thiệu của một nữ nhân viên, các sản phẩm này phần lớn được nhập từ Trung Quốc.

Khác với Ngôi nhà mơ ước và Tân Sinh Thế, cửa hàng Hải Anh bày bán đa dạng hàng hóa hơn. Cửa hàng này chia làm 2 tầng, tầng 1 có 2 gian, 1 gian bán cà phê của hãng Thiên Nguyên made in Việt Nam gồm 4 loại: Cà phê sữa tươi, cà phê chồn, cà phê đậm đặc và cà phê sữa dừa. Ngoài lô-gô xuất hiện trên một sản phẩm hộp ở trang web của Công ty CP In ấn và sản xuất bao bì giới thiệu thì không có bất cứ thông tin gì về sản phẩm này; gian 2 bày bán nhiều loại bánh kẹo của Việt Nam và Trung Quốc.

img

Trước khi mua hàng, khách Trung Quốc được đưa vào một căn phòng để nghe nhân viên tư vấn về tác dụng thần kỳ của các sản phẩm từ tre trúc.

Trên tầng 2 của cửa hàng Hải Anh bày bán các sản phẩm quần áo, khăn, tất làm bằng tre trúc được nhân viên tại đây giới thiệu có nhiều công dụng hút ẩm, nhanh khô. Đặc biệt, than của tre trúc có tác dụng chữa đau mỏi xương khớp, hút phóng xạ. Các sản phẩm này có giá cao gấp 2-3 lần các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các sản phẩm bày bán tại các cửa hàng này đều được các nhân viên xác định một số của các công ty Việt Nam sản xuất, một số nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nhân viên ở cả 3 cửa hàng đều đồng ý nhận thanh toán bằng ngoại tệ của khách. 

Đơn vị du lịch trong nước bị o ép

Theo tiết lộ của một phiên dịch viên hay dẫn đoàn khách đến các cửa hàng trên thì các đơn vị lữ hành đưa khách đến được trả “tiền mua đầu khách”, khoảng 50 nhân dân tệ/khách và trích lại từ 30 - 50% doanh thu sản phẩm cho hướng dẫn viên và phần ít cho lái xe. Đây cũng là cách để các cửa hàng này hút khách từ các đơn vị lữ hành.

Đại diện một công ty lữ hành kinh doanh du lịch tại Quảng Ninh cũng cho biết, thực tế trên khiến doanh nghiệp của anh đang rất điêu đứng, trước nguy cơ giải tán. Tỉnh Quảng Ninh từng đau đầu về việc quản lý giá sàn các tour du lịch đón khách Trung Quốc, vì hiện nay rất nhiều công ty lữ hành đang đón khách thấp hơn giá vốn. Thậm chí, một số công ty lữ hành mở tour 0 đồng để đón khách Trung Quốc, sau đó móc nối với chủ cửa hàng Trung Quốc trên để thu lợi bất chính nhằm bù lỗ. Trái lại, số tiền đó sẽ bị bổ vào đầu khách du lịch khi mua sắm tại các cửa hàng ở Việt Nam của chủ Trung Quốc.

img

Hàng loạt xe chở khách du lịch Trung Quốc đến tham quan, mua sắm tại cửa hàng Hải Anh.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - cho biết: Chính quyền thành phố cũng đã nắm được các thông tin tương tự, trong ngày 22.1, phối hợp với các ngành đi kiểm tra 3 cửa hàng đều có sai phạm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Trong đó cửa hàng Ngôi nhà mơ ước thuộc Công ty TNHH MTV TM Ngôi nhà mơ ước 2000 bị phạt 6 triệu đồng; cửa hàng Tân Sinh Thế thuộc Công ty TNHH TM Tân Sinh Thế bị phạt 3,5 triệu đồng; cửa hàng Hải Anh thuộc Chi nhánh Công ty CP XNK và Vận tải Hải Anh tại Quảng Ninh bị phạt 6 triệu đồng.

Đoàn cũng đã yêu cầu cửa hàng Ngôi nhà mơ ước tháo bỏ hàng chữ “Thu đổi ngoại tệ” và ký cam kết không tái phạm.

Theo ông Nguyễn Đình Tân - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 5: Hiện không có cửa hàng, siêu thị nào được cấp phép hoán đổi ngoại tệ. Hành vi vi phạm lỗi này sẽ bị xử phạt đến vài trăm triệu đồng.

Được biết, tại TP.Hạ Long còn một số cửa hàng đang kinh doanh tương tự đối với các sản phẩm ngọc trai, vàng bạc, đá quý.

Ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long - cho biết, đối với phản ánh 3 cửa hàng kinh doanh trên đều do chủ Trung Quốc đứng sau, vấn đề quản lý lao động người nước ngoài phía cơ quan công an đang điều tra, làm rõ. UBND thành phố cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra những lỗi vi phạm của các đơn vị này và sẽ công khai với báo chí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem