Theo báo cáo mới nhất vừa công bố, lũy kế 6 tháng, doanh thu của HAG đạt hơn 3.000 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.
Đáng lưu ý, đây là quý đầu tiên ghi nhận doanh thu từ mảng bán bò của HAG.
Trong quý này, hoạt động này đã đem lại tỷ trọng doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, với gần 800 tỷ đồng, chiếm 39% doanh thu toàn tập đoàn.
Trong Quý 2, Hoàng Anh Gia Lai đạt lợi nhuận sau thuế 527 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 899 tỷ đồng, tăng lần lượt 168% và 132% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng trước, công ty con của Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp - CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, HAGL Agrico – chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM.
Về mảng chăn nuôi, đàn bò của Hoàng Anh Gia Lai có 2 loại bò là bò thịt và bò sữa. Trong giai đoạn đầu, bò Úc được chọn làm sản phẩm chính.
Đáng lưu ý, đây là quý đầu tiên ghi nhận doanh thu từ mảng bán bò của HAG.
Tính đến tháng 6/2015, về bò thịt, Hoàng Anh Gia Lai đã nhập khẩu 86.700 con bò về các trang trại nhưng lượng bò nuôi để sinh sản tạo lượng bò thịt trong tương lai mới chiếm có 10% số lượng bò.
Còn lại là bò thịt để nuôi vỗ béo, dự kiến sẽ được tiêu thụ hết trong năm 2015.
Về bò sữa, công ty đã nhập khẩu 5.382 con, theo kế hoạch sẽ mua về 10.700 con bò sữa trong năm 2015 và 10.000 con trong năm 2016.
Theo hợp đồng đã ký kết với Vissan và Nutifood, bò thịt sẽ là nguồn cung cấp cho Vissan, còn bò sữa sẽ được cung cấp cho Nutifood.
Bầu Đức: "Nuôi bò công nghệ cao không bao giờ lỗ"
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Hoàng Anh Gia Lai Group (HAGL - mã chứng khoán HAG) diễn ra ngày 15/4 vừa qua, bầu Đức tiết lộ với nhà đầu tư, từ năm 2015 trở đi, việc kinh doanh bò thịt sẽ chiếm phần lớn doanh thu của tập đoàn. Trong năm nay, đàn bò thịt bắt đầu ghi nhận doanh thu. Tập đoàn sẽ bán 60.000 con bò, thu 2.475 tỷ đồng, chiếm 46% trong cơ cấu doanh thu thuần của doanh nghiệp. Các ngành tiếp theo là mía đường, xây dựng (sân bay tại Lào) và bất động sản (tại Myanmar) chiếm tỷ trọng lần lượt 14-15%, trong khi cao su chỉ chiếm 4%.
Thời cây cao su được mệnh danh là vàng trắng với giá 5.000 USD một tấn, bầu Đức nổi tiếng với câu "bán nhà cũng trồng cao su". Nay người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam truyền lửa cho cổ đông bằng thông điệp "nuôi bò sẽ không bao giờ lỗ".
Bầu Đức tự tin đàn bò sẽ mang lại doanh thu gần 2.500 tỷ đồng trong năm 2015.
Chủ tịch HAGL giải thích, phần lớn doanh thu đến từ đàn bò vì vòng quay xuất chuồng bò thịt khá nhanh, chỉ mất 6 tháng, vị chi có 2 đợt thu tiền về trong một năm. Lợi nhuận gộp từ đàn bò cũng lớn hơn các ngành nghề khác, chiếm 42% trong cơ cấu lợi nhuận tập đoàn. Chính vì chu kỳ xoay vòng vốn nhanh, ông Đức tiết lộ, đến cuối năm 2015 có thể mở rộng quy mô đàn bò hơn 100.000 con và năm 2016 sẽ đạt mức 300.000 con.
Người đứng đầu HAGL phân tích, hiện nay đàn bò của HAGL xuất chuồng từ 150 đến vài trăm con mỗi ngày. Thị trường này đang thuộc về người bán vì cầu lớn hơn cung. Doanh nghiệp lại có lợi thế lớn về quỹ đất để xây chuồng trại, nguồn thức ăn và đầu tư công nghệ cao ngay từ đầu nên giá bán cạnh tranh so với bất cứ đối thủ nào. "Các bạn cứ điều tra đi, 20 năm nay có lúc nào giá bò giảm đâu? Có rất nhiều hàng hóa rớt giá: dầu, vàng, cao su, heo, gà… nhưng giá bò chưa có lúc nào đi xuống", ông Đức nói.
Thêm vào đó, đàn bò mỗi ngày cho ra 1.000 tấn phân, vị chi mỗi ngày HAGL thu về gần một tỷ đồng. "Đàn bò đi sau nhưng sẽ về trước. Myanamar tuy là tài sản lớn, trị giá hàng tỷ USD nhưng chắc chắn sẽ khó đuổi kịp đàn bò", bầu Đức tuyên bố.
Năm 2015 HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.347 tỷ đồng, trong đó đàn bò chiếm 2.475 tỷ đồng. Ngành xây dựng nghiệm thu sân bay tại Lào 785 tỷ đồng. Bất động sản tại Yangon, Myanmar ước đạt 769 tỷ đồng. Mía đường 749 tỷ đồng, còn cây cao su chỉ được lên kế hoạch doanh thu khiêm tốn 214 tỷ đồng.
Cây cao su không mở rộng diện tích, chỉ khai thác, chăm sóc có giới hạn, có chọn lọc. Mía đường chuyển dần sang chăn nuôi bò vì tỷ suất lợi nhuận của bò cao hơn. Cọ dầu trồng thêm 13.000 ha, bắp giảm diện tích còn 3.000 ha, nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi bò.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.