Chốt phiên giao dịch ngày 8/10, VN-Index giảm nhẹ 0,88 điểm về 918,84 điểm; HNX-Index giảm 0,52 điểm về 135,61 điểm. UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (0,66%) xuống 63,53 điểm.
VN-Index giảm nhẹ 0,88 điểm về 918,84 điểm
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 576 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 9.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất phiên giao dịch hôm nay là sự bứt phá của cổ phiếu MSN. MSN tiếp tục tăng 3,2% sau phiên tăng trần hôm qua cùng thanh khoản cao.
Dù vấp phải áp lực khá mạnh nhưng đà giảm của các chỉ số được thu hẹp lại đáng kể. Các cổ phiếu như GVR, PNJ, MWG, FPT, HPG... vẫn tăng rất tốt và góp phần nâng đỡ thị trường chung.
Nhóm phân bón vẫn duy trì được sự tích cực với việc LAS và VAF được kéo lên mức giá trần còn DCM tăng 3,4% lên 12.100 đồng/cp, DPM tăng 3,2% lên 17.600 đồng/cp.
Trong khi đó, các cổ phiếu như TCB, ACV, VCS, VPB, SAB, VNM... vẫn gây ra áp lực lớn lên thị trường chung.
Một trong những cổ phiếu nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nhiều phiên liên tiếp gần đây chính là POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power).
6,5 triệu cổ phiếu POW được khớp lệnh.
Khối lượng giao dịch của phiên này vẫn ở mức cao với hơn 6,5 triệu cổ phiếu POW được khớp lệnh. Đến hết phiên vẫn còn dư mua hơn 1,5 triệu cổ phiếu và dư bán hơn 616 nghìn cổ phiếu. Trong những phiên trước đó, khối lượng giao dịch của mã này luôn ở mốc ít nhất là 6 triệu cổ phiếu và có phiên (2/10) lên tới hơn 18 triệu cổ phiếu.
Chốt phiên, POW giảm 0,47% về mốc 10.50 đồng/cổ phiếu. Hiện mã này đang tăng gần 4,5% chỉ qua 1 tháng và tăng hơn 6% nếu tính qua mốc quý.
Sở dĩ mã này luôn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài bởi hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam. Mới đây, Tổng giám đốc Tập đoàn T&T- ông Đỗ Quang Hiển đã có văn bản đề xuất tỉnh Hà Tĩnh xem xét, chấp thuận ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa T&T và PV Power về việc hợp tác đầu tư và phát triển dự án tổ hợp điện khí LNG với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng.
Dự án của bầu Hiển và PV Power có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD.
Tập đoàn T&T cho biết, ngày 5/12/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản 7683/UBND-KT đồng ý về nguyên tắc cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, khảo sát các vị trí phù hợp, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện.
Tháng 7/2019, Tập đoàn T&T đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương quy hoạch dự án thôn Nhân Thắng và Thắng Lợi thuộc xã Kỳ Phương, chuyển đổi công nghệ của dự án Vũng Áng 3 từ than sang khí tự nhiên tái hóa từ LNG.
Ngày 22/01/2020, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án sang hình thức đầu tư IPP.
Đây là cơ sở để phía Tập đoàn T&T có đủ điều kiện để tiến hành thực hiện vị trí, ranh giới khu đất dự kiến quy hoạch, lập báo cáo thực hiện dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3.
Theo đề xuất của T&T Group, tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3 được đầu tư xây dựng với diện tích khoảng 123,8 ha, chưa bao gồm 100ha diện tích mặt nước. Chủ đầu tư sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Vũng Áng 3 & trung tâm điện lực LNG Vũng Áng 3 có tổng công suất phát điện 3.000 MW.
Về liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án, Tập đoàn T&T cho biết đã đạt được thỏa thuận hợp tác với PV Power thực hiện đầu tư xây dựng dự án tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng 3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.