Bầu thay, bầu thiếu ít nên không ảnh hưởng kết quả chung

Lương Kết Thứ sáu, ngày 10/06/2016 06:29 AM (GMT+7)
“Việc triển khai bầu cử hoàn toàn đúng pháp luật, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải hủy bỏ kết quả để bầu cử lại, những trường hợp sai sót do nhận thức có thể chấp nhận được” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thông tin tại buổi họp báo ngày 9.6 công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV.
Bình luận 0

Vi phạm do nhận thức không gây ảnh hưởng lớn

Tại buổi họp báo của Hội đồng Bầu cử quốc gia, báo chí đặt câu hỏi, trong báo cáo của Hội đồng cho rằng có tình trạng bầu hộ, bầu thay, vậy việc vẫn công nhận kết quả bầu cử có trái với pháp luật?

img

Cử tri xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) bỏ phiếu bầu cử ngày 22.5.  
Ảnh: Cảnh Thắng

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Vừa qua, theo một số thông tin cũng như qua đơn thư của một số công dân gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia phản ánh có tình trạng đi bầu hộ, bầu thay. "Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đồng thời cũng giao Ủy ban bầu cử các tỉnh kiểm tra lại. Kết quả kiểm tra cho thấy có một số ý kiến là nặc danh. Bên cạnh đó có một số cử tri nêu, ví dụ như gia đình chúng tôi có 6 người, do có người đi làm ăn xa, do không hiểu biết dẫn đến việc bỏ phiếu thay. Tuy nhiên số phiếu đi bầu thay trong một gia đình không lớn. Việc làm như vậy là có sai, nhưng cái sai này là do không hiểu biết và không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, cho nên Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử ở các địa phương nơi xảy ra việc bầu hộ, bầu thay đã có sự chấn chỉnh" - ông Hiển cho biết.

Cũng theo ông Hiển, ở những nơi có bầu hộ, bầu thay nhưng làm sai lệch và có sai phạm nghiêm trọng, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định hủy bỏ kết quả bầu cử ở một khu vực đó và yêu cầu bầu lại. "Việc triển khai bầu cử hoàn toàn đúng pháp luật, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải hủy bỏ kết quả để bầu cử lại, nhưng trường hợp sai sót do nhận thức có thể chấp nhận được" - ông Thiển nói.

Trả lời bổ sung về vấn đề vi phạm trong bầu cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết: Ở xã An Sơn huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang có vi phạm nghiêm trọng về bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã phải hủy kết quả để địa phương này tổ chức bầu lại. Hiện cơ quan bảo vệ pháp luật đang vào cuộc làm rõ.

Tỷ lệ bầu thiếu rất nhỏ

Nói về việc chỉ có 496 người trúng cử ĐBQH khóa XIV, thiếu 4 người so với quy định, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây không phải lần đầu tiên bầu thiếu số ĐBQH. Ở kỳ bầu cử ĐBQH khóa IX bầu thiếu 5 người, khóa XI thiếu 2 người, khóa XII bầu thiếu 7 người. Ở những kỳ đó không có bầu thêm. “Tính ra số bầu thiếu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số ĐBQH được bầu” - ông Phúc nói.

Nói về số người trúng cử ngoài Đảng chỉ có 21 - thấp hơn 50% so với kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII, ông Phúc cho hay: Trong danh sách ứng viên chính thức có 97 người ngoài Đảng, tuy nhiên chỉ trúng 21 người là do sự lựa chọn của cử tri.

Số người trúng cử ĐBQH trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 71 người, cao hơn 21 người so với dự kiến. Số người trúng cử ĐBQH lần đầu là 317 người, đạt tỷ lệ 63,90%. Số tự ứng cử có 2 người trúng cử, ít hơn Quốc hội khóa XIII 2 người.

Nói về số ĐBQH khóa XIII tái cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay: Có 160 đại biểu khóa XIII tái cử, chiếm hơn 32%, bằng với số dự kiến nhưng thấp hơn kỳ bầu cử khóa XIII (có 167 người). "Các khóa trước số ĐBQH tái cử cũng nằm ở khoảng từ 30 - 35%. Số ĐBQH tái cử vẫn là nòng cốt hết sức tích cực đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội. Cũng giống như các nhiệm kỳ trước, số ĐBQH tái cử kỳ này hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, 2/3 số ĐBQH mới nhưng đều là những người có tiêu chuẩn, có nhiều kinh nghiệm công tác, thậm chí họ đã tham gia hoạt động dân cử ở địa phương. Việc chỉ có 160 đại biểu tái cử không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Quốc hội mà làm cho Quốc hội luôn luôn có sự đổi mới, tươi trẻ hơn" - ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Về việc 15 trường hợp do T.Ư giới thiệu nhưng không trúng cử, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu thừa nhận có ảnh hưởng đến việc chuẩn bị bố trí nhân sự. Chẳng hạn có 6 người do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc giới thiệu không trúng cử nên tính đại diện có thay đổi, 9 người dự kiến là ĐBQH chuyên trách cũng ảnh hưởng nhất định đến việc bố trí nhân sự. "Tuy nhiên qua rà soát, tính toán chúng tôi thấy mức độ ảnh hưởng không nhiều. Đồng thời nó cũng là cơ hội để các cơ quan của Quốc hội qua hoạt động thực tiễn có thể thể lựa chọn những người có khả năng tốt để bổ sung vào cơ quan mình"- ông Túy cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem