"Báu vật" làm giàu cho đất Đại Từ

Hà Thanh Thứ tư, ngày 18/07/2018 19:16 PM (GMT+7)
Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, cây làm giàu trong nông nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, những năm qua huyện Đại Từ, Thái Nguyên đã luôn chú trọng phát triển cây chè nhằm mang lại thu nhập cao cho bà con nhân dân trên địa bàn.   
Bình luận 0

img

Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong trồng cây chè.

Qua khảo sát đánh giá, toàn huyện Đại Từ có trên 10.000 ha đất thích hợp cho phát triển cây chè. Trao đổi với ông Phạm Duy Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, được biết: Hiện nay toàn huyện có trên 6.300 ha chè chiếm 1/3 diện tích chè của tỉnh Thái Nguyên, đứng thứ hai cả nước chỉ sau huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo của địa phương, bởi vậy huyện luôn có chính sách hỗ trợ nhân dân trong phát triển cây chè gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Cũng  nhờ cây chè, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể từ trên 15% năm 2015 xuống còn 9% năm 2017.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Đại Từ, sản lượng chè búp tươi thu về năm 2017 của toàn huyện là 63.532 tấn, trong đó sản lượng chè xanh đặc sản chất lượng cao được chế biến bằng các thiết bị như: Tôn quay inox, tôn sao bằng ga, thiết bị chế biến, bảo quản, đóng gói hút chân không... chiếm khoảng 27% tổng sản lượng cả huyện. Trước đây, cơ cấu giống chè của huyện chủ yếu là giống chè trung du lá nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 32% tổng diện tích chè toàn huyện. Tuy nhiên từ năm 2003, huyện Đại Từ đã chú trọng trong việc đưa các giống mới chủ yếu là các giống chè nhập nội, chè lai cho năng suất và chất lượng cao như LDP1, TRI 777, Keo Am tích, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…

img

Mô hình đồi chè xã La Bằng.

Theo ông Triệu Văn Đông - Chủ tịch UBND xã La Bằng, Đại Từ: Địa phương xác định cây chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế gắn với phát triển nông thôn mới, là cây làm giàu giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Hiện toàn xã có tổng số 1025 hộ trong đó có 900 hộ làm chè với 2 hợp tác xã chè, 10 làng nghề truyền thống, 1 nhà máy chè cùng các hộ gia đình sản xuất kinh doanh chế biến chè. Ước tính sản lượng chè tươi của xã đạt 115 tạ/1ha/năm, cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/1ha/năm. Ngoài việc sử dụng chè để làm đồ uống, cây chè ở đây còn được tận dụng để phát triển mô hình du lịch sinh thái đem lại thu nhập cao cho nhân dân địa phương.

Bên cạnh việc sản xuất chè theo hình thức hộ gia đình, thì hiện nay trên địa bàn xã La Bằng đang thực hiện 2 mô hình hợp tác xã làm chè đem lại thu nhập cao và ổn định cho bà con nhân dân trong vùng. Trong đó nổi bật là Hợp tác chè La Bằng ở xóm Đồng Tiến do bà Nguyễn Thị Hải làm giám đốc. Vào thăm Hợp tác xã, bà Hải cho biết: Hiện tại lao động thường xuyên của hợp tác xã là 5 người với thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời hợp tác xã còn liên kết với 26 hộ gia đình trong việc hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, chế biến và bao tiêu sản phẩm bán ra thị trường, cùng 40 hộ sinh hoạt theo mô hình chè hữu cơ. Hiện nay hợp tác xã có 4 dòng sản phẩm là Thanh Hải trà, búp chè vàng, đinh tâm trà với giá bán 5 triệu đồng/1kg chè khô và Thái Nguyên trà với giá bán từ 200.000 - 400.000đ/1kg. Theo bà Hải thì năm 2017 doanh thu mang lại cho hợp tác xã từ chè khô là 2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 160 triệu đồng. Năm 2018, hợp tác xã sẽ xây dựng câu lạc bộ chè hữu cơ và chuyển dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ với mong muốn đem lại những sản phẩm chè sạch, chè an toàn ra thị trường phục vụ đối tượng  chủ yếu là khách hàng cao cấp.

img

Bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc Hợp tác xã chè La Bằng giới thiệu với phóng viên các sản phẩm chè tại Hợp tác xã.

Được biết, dự án “Mô hình sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ bền vững” được tổ chức Agriterra  (Hà Lan) tài trợ trực tiếp cho Hội Nông dân tỉnh triển khai tại 4 xã gồm Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, (TP.Thái Nguyên) và La Bằng (Đại Từ), được tỉnh quy hoạch là vùng sản xuất chè đặc biệt. Mục tiêu của dự án là nâng cao tính cộng đồng, chuyên môn hóa của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn, giải quyết dứt điểm vấn đề tồn dư từ thuốc bảo vệ thực vật, tạo đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng chè, dần hình thành và phát triển làng nghề sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè đặc sản an toàn theo hướng bền vững.

Qua thời gian triển khai dự án, năng lực sản xuất, chế biến chè an toàn của người dân trong vùng dự án được nâng lên rõ rệt nhờ đó mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn được nhân rộng trong cộng đồng. Đồng thời cùng với đó nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã các sản phẩm cao cấp nhằm mở rộng thị trường và đáp ứng thị hiếu của khách hàng, góp phần nâng cao doanh thu cho hợp tác xã và tăng thu nhập cho người lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem