Gần chục ngày nay, phía cầu vượt Trần Khát Chân vắng bóng mẹ con chị Từ Hải Thanh ngồi bán bóng. Mọi người xung quanh, người thì mừng vì chắc mẹ con chị đã tìm được một công việc khác ổn định hơn, người thì lo không biết họ xảy ra chuyện gì. Hỏi ra mới biết, chị Thanh đang phải đưa con nhập viện vì bệnh nặng.
"Mẹ ơi sao da con màu đỏ?"
Nhìn bức ảnh em bé lở loét toàn tân, ngồi thọt lỏn trong chiếc xe kéo cùng mẹ long nhong bán bóng bay dạo khắp đường được chia sẻ trên các trang mạng xã hội thật khó cầm lòng. Đó là trường hợp của mẹ con chị Từ Hải Thanh sống tại phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thế nhưng, phải chứng kiến tận mắt cuộc sống của hai mẹ con chị Thanh mới thấy được sự nhọc nhằn, khó khăn đến cùng cực của họ. Gặp chị tại bệnh viện Da liễu Trung ương, ngồi bên cạnh đứa con đang ngủ, mắt nhắm hờ, hơi thở khó nhọc, toàn thân lở loét, những đốm da màu tím, đỏ xen lẫn nhau, chúng tôi không thể cầm được nước mắt. Gương mặt ngăm đen của chị lúc nào cũng cúi gằm xuống đất, lầm lũi và thỏ thẻ như thể trước mặt chị là thứ gì đó to lớn và quyền lực lắm.
Bé Từ Thu Phương mắc bệnh viêm da cơ địa từ nhỏ, toàn thân lở loét
Con gái chị mang họ mẹ, tên là Từ Thu Phương. Khi có người hỏi "bố đứa trẻ là ai?", chị chỉ cúi mặt trả lời: “Bố nó ở xa lắm, không ai biết được đâu”. Thủ thỉ một hồi, chị mới tâm sự, đó là “trái ngọt” của chị với người chồng thứ hai. Nhưng người đó đã có tổ ấm riêng nên cuối cùng cũng chỉ còn mình chị với đứa con trong bụng.
Những tưởng đứa con là điểm tựa tinh thần cho cuộc đời chị, nào ngờ lúc sinh con ra cũng là lúc chị bắt đầu chuỗi ngày lao đao cùng con chống chọi với bệnh tật. Bé Thu Phương khi sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng hai tháng sau bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của căn bệnh lạ.
Chị Thanh thủ thỉ: “Khi sinh được hai tháng tôi thấy người con bé xuất hiện vài nốt đỏ, dần dần nó lan ra thành vùng lớn, ngứa ngáy và lở loét. Khi vào viện khám, các bác sĩ chuẩn đoán cháu bị viêm da cơ địa. Tôi lại không có điều kiện cho cháu chứa trị thường xuyên nên bệnh càng ngày càng nặng. Sau 4 năm, giờ người cháu thành ra thế này. Đôi lúc cháu hỏi “mẹ ơi sao da con màu đỏ” mà tôi thắt lòng”.
Chị vừa nói vừa ngước nhìn đứa con đang thiu thiu ngủ, hơi thở khó nhọc. Quả thực, bệnh tật hiển hiện rõ trên cơ thể bé, bòn rút sức sống bé từng ngày. Dù đã lên 4 nhưng Phương chỉ nặng 10kg và chỉ có thể đứng chốc lát chứ không đi vững.
Hai mẹ con vừa kiếm sống vừa đưa nhau vào viện chữa trị. Cứ khi nào bệnh tình phát tác nặng, chị lại đưa bé vào viện nằm vài ba ngày, đỡ chút rồi lại ra vì không đủ tiền chữa trị triệt để. Những người xung quanh thấy mẹ con chị ra vào viện như “cơm bữa” cũng thắc mắc, nhưng khi biết được lý do thì chỉ còn cách lắc đầu thương cảm.
Nhọc nhằn mưu sinh trên phố bụi
Chị Thanh gần như không có họ hàng, chỉ có người bác ruột nhưng lại bệnh tật, đau yếu nên không giúp đỡ được gì. Một mình chị cùng đứa con 4 tuổi vật lộn mưu sinh nơi Thủ đô bon chen, chật chội.
Hai mẹ con chị sống trong căn phòng nhỏ ở phố Kim Ngưu. Hằng ngày mẹ con cùng bán bóng bay dạo trên đường Trần Khát Chân kiếm sống. Chị Thanh chia sẻ: “Cháu bệnh tật thế này, ra đường nắng gió, bụi bặm bệnh lại càng nặng hơn. Nhưng vì chỉ có hai mẹ con, không thể gửi ai trông nom, chăm sóc nên tôi đành phải đưa cháu đi theo”.
Mỗi ngày, chị bán bóng bay từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối, bất chấp trời mưa nắng. Thu Phương khi thì được mẹ bế ẵm, khi thì được để vào chiếc xe lôi nhỏ, kéo đi.
Thu nhập từ việc bán bóng bay cũng chỉ đủ hai mẹ con rau cháo qua ngày, còn tiền chữa bệnh cho con gái, chị Thanh đều phải vay mượn từ bà con, chòm xóm.
Con đường Trần Khát Chân đã in hằn bao dấu chân của mẹ con chị Thanh. Có khi Phương ngứa ngáy, đau đớn kêu khóc, chị lại phải ôm con, lật đật trở về tắm rửa rồi ru con ngủ cho bớt ngứa. Nhưng rồi bóng bay chẳng bán được quả nào, chị lại thấp thỏm lo cho “nồi cơm” ngày mai.
Chị Từ Hải Thanh một mình chật vật nuôi con bằng nghề bán bóng bay dạo. Mong ước lớn nhất của chị Thanh là bé Phương khỏi bệnh, được đi học như những đứa trẻ khác
“Thấy hoàn cảnh khó khăn của mẹ con tôi nhiều người đi đường cũng thương tình tạt vào mua quả bóng bay hoặc cho cháu gói kẹo, hộp sữa. Có người bảo sao không gửi cháu đi nhà trẻ hoặc nhờ người trông nom, cho nó ra đường thế này thêm ốm. Nhưng tiền đâu ra mà cho cháu đi nhà trẻ, mà có tiền chắc gì người ra đã nhận đứa trẻ bệnh tật thế này?”, chị Thanh ngậm ngùi.
Bệnh tật là vậy nhưng Thu Phương phản ứng rất nhanh và đặc biệt nghe lời mẹ. Chị Thanh bảo, bệnh như Phương thì lúc nào cũng có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong người nhưng rất ít khi bé quấy khóc. Chỉ lúc nào da mẩn đỏ, người “hây hấy sốt”, Phương mới kêu với mẹ.
Ước mơ lớn nhất của chị Thanh hiện giờ là bé Phương khỏi bệnh và được đi học như những đứa trẻ khác: “Cháu nó bệnh tật từ nhỏ đã thiệt thòi rồi mà đến tuổi còn không được đi học nữa thì càng thiệt thòi hơn. Chỉ mong mai này nó khỏi bệnh để được tung tăng đến trường. Đời tôi đã không biết đến cái chữ rồi mà đời con lại vậy nữa thì khổ lắm”.
Ước mơ giản dị là vậy nhưng lại quá đỗi xa vời với người mẹ nghèo ôm con bán bóng bay dạo.
Ông Hoàng Văn Tuấn (Tổ trưởng tổ dân phố 4A, phố Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Mẹ con chị Thanh chuyển đến đây được khoảng 3 năm nay. Bé Phương không có cha nên mang họ mẹ. Hoàn cảnh hai mẹ con chị rất khó khăn, vì không thể gửi cháu đi nhà trẻ nên chị Thanh phải đưa cháu đi theo bán bóng bay dạo. Biết hoàn cảnh đặc biệt của chị Thanh, mọi người ở tổ dân phố cũng thường xuyên hỏi thăm giúp đỡ".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Từ Hải Thanh.
Số nhà 58, ngõ 100, Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Số điện thoại: 01233913491
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.