Bế mạc Ngày hội văn hoá Chăm: Đặc sắc với triển lãm và trang phục cưới của người Chăm

Thanh Hà Thứ năm, ngày 22/08/2019 09:51 AM (GMT+7)
Theo NSND Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ sĩ múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm giải Ngày hội VHTTDL đồng bào Chăm lần thứ 5, Ngày hội văn hoá Chăm đang ngày một lan toả, lớn mạnh và nhận được sự hưởng ứng của người Chăm.
Bình luận 0

Tối 21/8, lễ bế mạc Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5 được diễn ra tại Quảng trường 1/4 tại thành phố Tuy Hoà.

img

Lễ bế mạc Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5. Ảnh: Thanh Hà

Sau 4 ngày tranh tài, 9 đoàn đến từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng nhiều hoạt động sôi nổi như thi biểu diễn liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế- xã hội đồng bào Chăm; giới thiệu văn hóa ẩm thực; giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian; thi các môn thể thao truyền thống... đã mang đến cho Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5 nhiều màu sắc phong phú và đa dạng về văn hoá Chăm khiến người dân thành phố Tuy Hoà quan tâm và thích thú.

Tại đêm bế mạc, các tiết mục đoạt giải đã được các nghệ nhân, diễn viên của các đoàn biểu diễn mang đậm nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Chăm. Đặc biệt đêm bế mạc còn có phần trình diễn thời trang về trang phục áo cưới của người Chăm mới lạ và hấp dẫn đối với khán giả.

Chia sẻ về chất lượng ngày hội năm nay, NSND Đặng Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ sĩ múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm giải Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5 cho biết: “Từ Ngày hội văn hoá lần thứ nhất tới lần thứ 5 tôi đều có mặt tham gia làm giám khảo nên tôi có thể so sánh từ lần đầu tiên đến lần thứ 5. Lần nào tổ chức cũng có nét riêng, cũng có điểm thú vị. 

Nếu như ở những Ngày hội lần 1 tới lần thứ 4, chỉ có 2 loại hình nghệ thuật văn hoá Chăm thì đến lần thứ 5 này đã có 3 loại hình nghệ thuật Chăm, đó là Chăm (Islam) vùng Nam Bộ; Chăm Bàlamôn ở vùng cực Nam trung Bộ; Chăm H’roi gần với dân tộc Bana của Tây Nguyên. Đó là tín hiệu đáng mừng, thể hiện Ngày hội văn hoá Chăm đang ngày một lan toả, lớn mạnh và nhận được sự hưởng ứng của người Chăm.

img

NSND Đặng Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ sĩ múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chấm giải Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ 5

Điểm thú vị thứ hai là Ngày hội văn hoá Chăm lần này có tới 9 đoàn từ các tỉnh, thành trong cả nước, khi mà trong hoàn cảnh khó khăn, thậm chí chật vật về kinh tế nhưng tôi thấy đoàn nào cũng vui. Sự phấn khởi hiện lên trên nét mặt của họ. Khi tôi đến gặp gỡ từng đoàn thấy ai cũng tươi vui, phấn khởi hiện lên trên mặt của họ. Điều này chứng tỏ đời sống của họ được nâng lên, chứng tỏ được sự gắn kết theo chỉ dẫn, quyết định của Đảng là gắn kết 54 dân tộc anh em.

Điều thứ 3 là về nghệ thuật, có nhiều nghệ thuật được bảo tồn, chúng ta đã phát động và giữ được những giá trị nghệ thuật của ông bà. Những tiết mục văn hoá Chăm cũ trước đó đã được các nghệ nhân và các bạn trẻ ở các đoàn đưa hơi thở thời đại, thổi luồng gió mới vào các tiết mục. Hơi thở thời đại đã bắt nhịp vào những truyền thống. Cái đó chỉ người chuyên môn mới nhận ra, đó là nhịp đập nền văn minh của họ hướng lấy hơi thở thời đại. Làm cho các tiết mục sống, không còn đi lối theo mòn ngày trước. 

Tôi nghĩ đây là điều đáng mừng, mà chắc chắn rằng, 2 năm tới họ sẽ cải tiến hơn nữa, tất nhiên khi họ phản ánh hiện thực thì họ phải nắm bắt hiện thực, đó chính là những điểm mới cho Ngày hội văn hoá Chăm lần thứ 5 này.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động khác như: Thời trang, làng nghề, ẩm thực, triển lãm thành tựu phát triển kinh tế- xã hội đồng bào Chăm năm nay cũng được làm rất tốt.

img

Đặc biệt là hoạt động triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Chăm phong phú hơn, bởi triển lãm đã đưa được những vấn đề xã hội, vấn đề dân tộc, truyền thống, hiện tại…, những vấn đề đó đã làm nổi bật lên tất cả lịch sử hình thành của một dân tộc. Tôi cho đó là điều rất thú vị".

img

Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh An Giang nhận giải nhất về trình diễn giới thiệu trang phục truyền thống

Theo NSND Đặng Hùng, Ngày hội Văn hoá, thể thao và du lịch đồng bào Chăm còn là lễ hội lưu giữ, khai quật lại những nghi lễ đã bị mất đến 4 thế kỷ, hay có những nghi lễ như Dựng cột nhà; Mừng nhà mới dù không bị mất đi nhưng lâu nay cũng không được các đoàn biểu diễn tại Ngày hội văn hoá Chăm, chỉ đến lần thứ 5 các đoàn mới đưa vào tham dự thi.

Chia sẻ về niềm vui giành được nhiều giải thưởng, bà Đinh Thị Nga - Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá tỉnh An Giang và cũng là Trưởng đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh An Giang cho biết, đoàn An Giang đã tham gia tất cả các hoạt động và An Giang đến với một tinh thần giao lưu học hỏi, không đặt nặng về việc phải giành giải thưởng. Vì vậy, tâm thế đến với Ngày hội hoàn toàn thoải mái. Các thành viên của đoàn Văn hoá nghệ thuật tỉnh An Giang đến từ làng Chăm, xã Châu Phong. Nhiều bạn diễn viên lần đầu tham gia ngày hội, đa phần các bạn còn rất trẻ nên rất vui và tự hào được tham gia ngày hội.

img

Giải triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm thuộc về Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh Phú Yên

Kết quả đêm trao giải: Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh An Giang giành được 6 giải thưởng, trong đó hoạt động Trình diễn trang phục giới thiệu trang phục truyền thống đã giành giải nhất; Giới thiệu văn hoá ẩm thực giành giải nhì; Đoàn thành phố Hồ Chí Minh giành hai giải nhất trong hoạt động Liên hoan nghệ thuật quần chúng và Giới thiệu trích đoạn lễ hội dân gian. Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh Phú Yên giành giải nhất hoạt động Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem