“Bến thuồng luồng” ở Phiêng Hào

Thứ năm, ngày 15/09/2011 19:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ ngày có “con phà”, cảnh “thuồng luồng ăn người” ở bến Phiêng Hào (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu) không còn thấy nữa dù chuyện lật “phà” vẫn xảy ra như cơm bữa.
Bình luận 0

Cán bộ thôn, xã, các thầy cô giáo đã có đôi giày để đi họp, đến trường. Nhưng giá mà có một cây cầu, cầu nhỏ cũng được, thì mấy nghìn người dân ở 9 bản của Mường Khoa bên bờ hữu sông Nậm Mu sẽ mừng lắm lắm.

Đoạn sông Nậm Mu này chỉ dài khoảng 4 cây số, có 3 cái thác, chia xã Mường Khoa với tổng số 17 bản, làm hai phần rõ rệt.

Ám ảnh “thuồng luồng ăn”

Phần phía bên bờ hữu sông Nậm Mu gồm 9 bản (Phiêng Hào, Nà Còi, Hua Cha, Hua So, Nậm Be...) với gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc Lào, Thái, Mông, Dao. Làm nương, đi chợ, đi học, khám chữa bệnh, về trung tâm xã... tất thảy phải vượt sông.

img
Một chuyến “phà” vào Phiêng Hào.

Trăm cách vượt sông, từ thuyền độc mộc, mảng, lội, bơi đến việc cho người ốm vào túi nylon, thổi hơi, buộc lại dìu qua sông… chết nhiều lắm. Chết nhiều quá thành quen, dân bản bảo khúc sông ấy như con thuồng luồng thành tinh, năm nào cũng phải “ăn” vài người.

Ông Lò Văn Chăn (62 tuổi), dân tộc Lào, ở bản Phiêng Xe (xã Mường Khoa), đã hơn 10 năm ngồi câu cá ở bến sông Phiêng Hào. Trước đây nhà ông cũng ở bản Phiêng Hào thuộc bờ hữu, vượt sông bị “thuồng luồng ăn” hụt mấy lần. Kể về kỷ niệm chết hụt ông bảo: “Nó kéo xuống, lạnh buốt, chân tay cứ đờ ra”.

Sợ quá, năm 2000, gia đình ông quyết gom tiền, mua đất chuyển sang ở bản trung tâm xã. Ngồi câu cá ở đây, ông nhẩm tính cũng chứng kiến hơn 20 người dân của xã, cán bộ nơi khác vào đây công tác bị đuối nước chết. Ông Chăn nhớ nhất là trường hợp nhà ông Lò Văn Khăm ở bản Nà Nghè...

Năm 2002, ông Khăm 70 tuổi, do không có thuyền, bè, ông quyết định bơi qua sông sang thăm con. Con cháu đợi mãi không thấy, chia nhau đi tìm, đến ngày hôm sau người ta thấy xác ông nổi lên ở mãi xã Tà Mít (huyện Tân Uyên), cách bến đến gần 30km.

Năm 2004, con trai ông Khăm là Lò Văn Chăn (40 tuổi), đi làm nương, qua sông bằng thuyền độc mộc bị lật. Khoảng một tuần sau, xác anh Chăn mới nổi lên ở Tà Mít. Đến năm 2008, cháu nội ông Khăm là Lò Văn Hặc (18 tuổi) đi làm thuê, bơi vượt sông Nậm Mu về nhà ăn rằm bị nước cuốn đi, mãi một tuần sau mới nổi lên… cũng ở xã Tà Mít.

img
Chuyến “phà ngầm” trong giờ cao điểm.

Vụ “thuồng luồng ăn” lớn nhất, thương tâm nhất xảy ra vào mùa mưa năm 2004. Khi đó 5 người phụ nữ của bản Nậm Be, nắm tay nhau cùng vượt sông Nậm Mu đi đào sắn. Khi ra đến giữa dòng, bất ngờ nước lũ ở đầu nguồn ập về, cuốn phăng cả 5 người phụ nữ này. Một tuần sau người nhà mới thấy thi thể họ nổi lên ở khu vực xã Nậm Cần và xã Tà Mít. Trong số họ, có người đang chuẩn bị lấy chồng, có người mới lập gia đình chưa được một năm...

Chuyện về những người bị “thuồng luồng ăn” hụt, theo ông lão câu cá Lò Văn Chăn ở Mường Khoa: “Tính mỏi mồm lắm, không hết đâu”. Có thể kể đến trường hợp cháu Lò Thị Phanh, sinh năm 1984, là con gái lớn của Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Chài. Hồi học kỳ hai năm lớp 6, qua sông đi học, thuyền đắm, Phanh bị uống no nước nhưng may mắn được bà con dân bản cứu thoát. Từ đó, Phanh sợ mất vía, vợ chồng ông Chài động viên, nói thế nào cũng không thuyết phục được con gái sang bên kia bờ để học tiếp.

Ông lão Lò Văn Chăn vẫn ngồi câu trên bến, chúng tôi hỏi ông về tương lai con phà, ông chỉ lặng lẽ lắc đầu, hình như nỗi ám ảnh “thuồng luồng” sông Nậm Mu chưa ra khỏi đầu được. Phải chi bến sông này có một cây cầu, cầu treo thôi, nhỏ cũng được để “thuồng luồng” không nắm được chân người qua sông, để có thể, như lời ông Trưởng bản Lò Văn Phênh là “phóng xe máy chở người ốm ào đến viện” và những đứa trẻ thoát nỗi ám ảnh mà có thể đến trường.

Trên bến Phiêng Hào, người ta chứng kiến cả những cái chết không phải do “thuồng luồng ăn” nhưng cũng đầy tức tưởi.

Ông Lò Văn Phênh - Trưởng bản Nà Cại kể, năm 2005, em trai ông bị ngộ độc nấm, ông cõng em chạy bộ, khi vượt sông không có bè, ông đành dùng túi nylon to thổi hơi vào làm phao, cho em trai nằm lên trên, rồi cùng 4 người họ hàng bơi đẩy, kéo, vật lộn cả giờ mới qua được sông. Cõng em chạy bộ tiếp lên bệnh viện huyện nhưng đến giữa đường, em trai ông tắt thở.

Cả chuyện những ông bố có con nhỏ ốm giữa mùa lũ, đành cho con vào túi nylon thổi hơi, buộc lại, bơi kéo qua sông, sang đến bờ, mở ra con đã tắt thở... lại ngậm nước mắt kéo con bơi ngược sông trở về.

Cây si đổi lấy “con phà”

Không biết bao nhiêu lần người dân 9 bản hợp sức bắc cầu phao vượt dòng Nậm Mu, nhưng cũng từng ấy lần nước lũ lại phá hỏng. Nậm Mu là dòng sông lớn thứ hai ở Tây Bắc, chỉ thua có sông Đà. Lũ Nậm Mu nhanh chóng mặt, không bao giờ thèm báo trước, chỉ nghe tiếng ào, chưa thấy vệt nước đục mà lũ đã đổ xuống đầu.

Bến Phiêng Hào có cây si cổ thụ rất đẹp làm bao người thèm, rồi một người chồng 11 triệu đồng lên bàn nhà già bản. Hội ý lên xuống, quyết “cho” cây si ấy lấy khoản tiền mua dây cáp bắc qua sông làm phà. Cuối năm 2010, “bến phà” ở Phiêng Hào ra đời. Phà được ghép bằng 12 cây luồng lớn, tự kéo bằng tay theo đường dây cáp đổi được từ cây si trăm tuổi. Có “con phà”, không phải qua sông bằng thuyền độc mộc, không phải túm nhau mà bơi, thầy giáo, cán bộ đã dám diện đôi giày… “thế này là sướng lắm rồi”.

img
Các thầy cô giáo Trường TH Phiêng Hào chuẩn bị lên phà qua sông.

Sáng 5.9, chúng tôi có mặt ở “bến phà” để được mục sở thị “cái sự sướng” của người dân 9 bản. Đúng sáng khai trường, chuyến phà chở đầy phụ nữ, học sinh, người già, trượt ra dòng Nậm Mu. Cách bờ chừng chục mét thì “con phà” từ từ lặn xuống, nước dâng lên đến ống chân người trên phà. Người đàn ông đứng ở đầu bè gò lưng, kéo sợi dây cáp, gằn giọng: "Bình tĩnh! đứng yên?!".

Trên bờ, nhiều người đứng đợi bè, đã phải thốt lên: "Ôi, trông kìa!... Quay lại đi, quay lại đi". Con phà vẫn lầm lũi dũi nước sang sông. Đứng đợi phà, cô giáo Hoàng Thị Lợi, đã có thâm niên hơn 5 năm công tác tại Trường Tiểu học Phiêng Hào, đang mang bầu tháng thứ 8, lừng chừng mãi... cuối cùng cũng xắn quần, bước lên “phà”, vượt sông theo tiếng loa gọi tập trung tổ chức lễ khai giảng năm học mới!

Run lắm nhưng chúng tôi cũng đành theo các thầy cô lên “phà” để sang sông vào Phiêng Hào. Lên bờ, chưa lau hết mồ hôi đã thấy… tùm, chiếc xe máy cùng chủ của nó từ “phà” lao xuống nước, mấy người trên bờ nhao ra, may chỗ nước cạn nên kéo ngay được cả người và xe lên bờ.

Chuyến “phà” về lúc chiều chúng tôi chứng kiến thêm một thanh niên loạng choạng rơi xuống sông. Ngày Tết Độc lập 2.9 vừa qua, hơn 10 người dân qua “phà” về thị trấn chơi Tết bị lật phà, 5 người không biết bơi đã bị nước cuốn mấy chục mét, may mà hôm ấy đông người ùa ra vớt lên hết. Có lẽ con “phà” này “vía tốt” nên chuyện lật như cơm bữa nhưng chưa ai bị “thuồng luồng ăn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem