Bến Tre: Dừa hữu cơ trồng như thế nào, cách chăm sóc ra sao mà hái trái nào doanh nghiệp mua hết sạch?

Thứ ba, ngày 22/06/2021 15:32 PM (GMT+7)
Ông Tư Tài (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: Trồng dừa hữu cơ nhẹ công, thân thiện môi trường, chất lượng đất được cải thiện. Bồi bùn 1 lần/năm, thêm đất để rễ phát triển.
Bình luận 0

Sau năm 1975, ở đây chủ yếu đất hoang, tôi chăm chỉ khai phá và tích góp thêm, tổng thể được 5ha trồng mía. 

Vài năm sau, mía không còn hiệu quả, tôi chuyển sang trồng dừa theo kiểu truyền thống, trồng 20 cây/công. Đa phần giống dừa ta. Thu hoạch bán dừa khô, nguồn thu nhập chính của gia đình”, ông Tư Tài nhớ lại.

Bến Tre: Dừa hữu cơ trồng như thế nào, cách chăm sóc ra sao mà hái trái nào doanh nghiệp mua hết sạch? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tài, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre thu hoạch dừa.

Đến năm 2014, địa phương triển khai mô hình nông nghiệp trồng dừa theo hướng hữu cơ. Ông Tư Tài mạnh dạn áp dụng canh tác theo mô hình đến nay. 

Trong 50 công vườn, ông trồng nhiều giống dừa (xiêm, dâu, ta...), độ tuổi khác nhau. Nhiều cây dừa lão cao hơn 20m. Dưới những cây dừa lão, khả năng thu hoạch không cao, ông đã trồng xen dừa con để thay thế. Dự tính năm sau, ông đốn bỏ những cây dừa già cỗi.

Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp) là đơn vị ký kết hợp đồng thu mua, chuyển giao khoa học, phân bón cho người trồng dừa hữu cơ. 

Theo thỏa thuận, doanh nghiệp thu mua dừa khô của nhà vườn cao hơn giá thị trường 15 ngàn đồng/chục. Tùy thời điểm, chất lượng, trái dừa hữu cơ có giá dao động từ 90 - 120 ngàn đồng/chục.

Hai tháng 1 lần, ông Tư Tài thu hoạch tầm 2 - 5 ngàn trái dừa khô (từ 2 - 5 thiên), thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng. 

Vườn rộng, cộng thêm cao tuổi, mỗi lần thu hoạch dừa, ông đều phải thuê nhân công hái, với chi phí 10 ngàn đồng/chục. Ông cho hay, hạn mặn năm rồi ảnh hưởng nhiều đến nhà vườn, trên mỗi cây ít trái, nhưng trái to. Khoảng hơn 3 tháng nữa, ông mới có thể thu hoạch lứa kế tiếp, sản lượng sẽ dần ổn định trở lại.

Ông Tư Tài chia sẻ: Trồng dừa hữu cơ nhẹ công, thân thiện môi trường, chất lượng đất được cải thiện. Bồi bùn 1 lần/năm, thêm đất để rễ phát triển. Sử dụng phân hữu cơ, phân gà của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cung cấp) 2 - 3 lần/năm, từ 1 - 2kg/gốc, nhằm xả phèn, cung cấp dinh dưỡng và kích thích tăng sản lượng, chất lượng trái. 

Ông thường xuyên làm cỏ, dọn tàu lá khô, tạo sự thông thoáng cho cây, mỹ quan cho vườn.

Theo thời gian, phân hữu cơ thấm dần xuống đất, không chỉ dừa hấp thụ, còn là điều kiện tốt cho cỏ cây sinh sôi, nảy nở xanh tốt, nguồn thức ăn sạch cung cấp cho chăn nuôi.

Nhà vườn trồng dừa hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun xịt, cho cây phát triển tự nhiên, ít bị sâu bệnh tấn công, phá hoại, không hại sức khỏe người trồng. 

Về lâu dài, trồng dừa hữu cơ giúp phục hồi sinh lực cây, cân bằng hệ sinh thái xung quanh, tiết kiệm được thời gian chăm sóc. 

Người trồng dừa hữu cơ có thêm thời gian làm những công việc khác kiếm thêm thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A Lữ Hoàng Văn cho biết: Ông Nguyễn Văn Tài là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. 

Ông Tài trồng dừa theo hướng hữu cơ với diện tích nhiều, hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập kinh tế ổn định. 

Hiện tại, xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có 80ha dừa hữu cơ, đang mở rộng diện tích canh tác hữu cơ thêm 80ha/năm, đến năm 2026 hoàn thành chỉ tiêu có 400ha dừa trồng theo hướng này. Đây được xem là hướng đi mới, tạo thế phát triển bền vững cho cây dừa trong xu hướng nông nghiệp hiện đại, nông dân thịnh vượng.

Lê Đệ (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem