Đắk Nông: Trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình này, nhà nông yên tâm bởi không bị "thiệt đơn thiệt kép"

Thứ ba, ngày 22/06/2021 06:01 AM (GMT+7)
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, giá cả thị trường biến động khó lường, nhiều người dân đã chủ động phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt nhằm giảm chi phí đầu tư, tránh rủi ro trong sản xuất và cho thu nhập ổn định.
Bình luận 0

Năm 2016, ông Nguyễn Văn Sử từ Hải Dương vào xã Đắk R’tíh (Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) lập nghiệp. Từ số vốn tích lũy được ở quê, ông mua 5 ha hồ tiêu và điều. 

Sau thời gian chăm sóc, ông Sử nhận thấy, cây điều không mang lại hiệu quả về kinh tế do già cỗi nên quyết định chuyển đổi trồng hơn 1.200 cây vải thiều. Do chi phí về phân bón rất lớn, chiếm một phần doanh thu hàng năm nên ông Sử đã tìm cách giảm bớt nguồn chi phí này.

Đắk Nông: Trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình này, nhà nông yên tâm bởi không bị "thiệt đơn thiệt kép" - Ảnh 1.

Chăn nuôi dê đã, đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Tiến...

Năm 2018, ông Sử đầu tư mua 60 con heo giống lai rừng về nuôi, trong đó có nhiều heo nái sinh sản. Kể từ năm 2019 đến nay, mỗi năm ông Sử xuất bán khoảng 500 con heo thịt ra thị trường. 

Trừ chi phí, mỗi năm ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ đàn heo. Ngoài thu nhập, ông Sử còn có một lượng lớn phân heo để bón vườn vải thiều, hồ tiêu, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất.

"Ngoài phân heo, tôi chỉ cần bổ sung thêm 1 ít kali, lân để cây vải, hồ tiêu đủ chất. Tôi đang hướng tới sản xuất vải theo hướng hữu cơ, nên hiện nay sử dụng phân chuồng là chính", ông Sử chia sẻ.

Tương tự, anh Bùi Văn Tiến, ở bon Ta Mung, xã Trường Xuân (Đắk Song), bắt đầu nuôi dê từ năm 2018. Đến nay, anh gây dựng được đàn dê gần 20 con. Anh Tiến trồng 5 sào cỏ dọc bờ ao và bãi đất trũng làm thức ăn cho dê.

Anh Tiến cho biết: "Mỗi năm, cây công nghiệp và các loại cây ăn quả đều bón phân 3 lần trở lên nên việc chăn nuôi dê giúp gia đình giảm được chi phí mua phân. Tôi chỉ cần bổ sung thêm một số chất còn thiếu từ phân hóa học là cây phát triển tốt. Ngoài nguồn thu chính từ hồ tiêu, cà phê và cây ăn quả, hàng năm đàn dê mang lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng".

Đắk Nông: Trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình này, nhà nông yên tâm bởi không bị "thiệt đơn thiệt kép" - Ảnh 2.

Dùng phân dê bón cho cây trồng giúp anh Tiến giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông, qua thực tế cho thấy, việc chỉ trồng hoặc chăn nuôi chuyên canh một loại cây trồng, vật nuôi, nông dân có thể gặp rủi ro rất cao. Trong khi đó, vấn đề mất mùa, mất giá, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… xảy ra thường xuyên. 

Vì vậy, kết hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi để sản xuất được xem là giải pháp hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Cách làm này không chỉ giúp người dân có nhiều nguồn thu nhập, mà còn hạn chế rủi ro bởi các yếu tố khách quan tác động.

Chăn nuôi kết hợp với trồng trọt không phải là vấn đề mới. Những năm qua, nhiều bà con nông dân đã phát huy các lợi thế về đất đai, khí hậu, cây trồng, nguồn thức ăn gia súc, gia cầm... để phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp với trồng trọt. 

Hầu hết "mô hình kép" như vậy không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu tư, tận dụng được nguồn lực sẵn có, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cao. Đặc biệt, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi giúp bà con hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Đức Hùng (Báo Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem