Giá xuống thấp nhất trong nhiều năm qua
Giá dừa tại Bến Tre đang xuống thấp nhất trong nhiều năm nay. Ảnh: IT
Huyện Bình Đại có 6.000ha dừa, chủ yếu ở vùng nước lợ, mặn nên quả dừa nhỏ. Năm nay, giá dừa ở Bình Đại tương đối thấp, chỉ khoảng 22.000 đồng/chục (12 trái), nếu trừ công thu hoạch thì nông dân chỉ còn 17.000 đồng/chục, trong khi cùng thời điểm này của năm 2017 giá bán trung bình 140.000 đồng/chục.
Còn tại huyện Mỏ Cày Nam, nhờ phát triển vườn dừa theo hướng hữu cơ nên được các công ty thu mua giá cao hơn, khoảng 30.000 - 35.000 đồng/chục.
Theo thống kê của Hiệp hội Dừa Bến Tre, Việt Nam có 150.000ha dừa, trong đó tỉnh Bến Tre chiếm gần 50% diện tích với khoảng 71.000ha.
Với diện tích “khiêm tốn” này, năng suất dừa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% năng suất dừa thế giới. Do vậy, chúng ta rất khó tác động vào giá, mà chủ yếu lệ thuộc vào giá dừa trái và giá bán các sản phẩm từ dừa trên thị trường thế giới.
Trong khi, giá dừa trái trên thế giới những tháng đầu năm 2018 cũng liên tục sụt giảm từ 222 USD/tấn vào tháng 1 xuống còn 184 USD/tấn vào tháng 3, dẫn đến giá dừa khô trong nước cũng sụt giảm theo.
Đại diện Hiệp hội Dừa Bến Tre giải thích thêm, giá dừa có xu hướng không ổn định, theo diễn biến giảm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, vì đây là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu dừa trái lại dồi dào, do đang vào mùa thu hoạch chính của các nước có "nền kinh tế dừa" hùng mạnh như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ.
Tuy nhiên, nhờ liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp mà nông dân không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giảm giá. Ảnh: IT
Bên cạnh đó, khoảng 1 tháng nay các tàu Trung Quốc đã rút khỏi các sông trên địa bàn tỉnh - nơi thương lái thường neo đậu xà lan để thu mua trong khi dừa đang vào vụ thu hoạch rộ. Ngoài ra, hiện tượng "dừa treo" (thời điểm cây dừa giảm năng suất, cho ít trái) xảy ra đối với nhóm dừa cao từ tháng 9 - 10, còn đối với nhóm dừa lùn (dừa uống nước) thường xảy ra trong khoảng tháng 3 - 4. Thế nhưng, dừa ở Việt Nam trong những tháng gần đây vẫn cho ra nhiều trái bởi được chăm sóc hợp lý.
Các nguyên nhân kể trên đã tác động làm giá dừa giảm trong những tháng đầu năm và thị trường tỉnh Bến Tre cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Nông dân vẫn yên tâm sản xuất
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre nhấn mạnh: “Đúng là giá dừa giảm ở mức thấp nhất so với nhiều năm qua nhưng không đáng lo ngại bởi giá bán vẫn đang cao hơn giá thành sản xuất”.
Ông Chương cũng phân tích thêm: So với các loại nông sản khác, cây dừa đặc biệt hơn một chút là người trồng không phải đầu tư công chăm sóc nhiều nhưng vẫn đảm bảo năng suất mỗi năm. “Tôi lấy ví dụ nếu trồng lúa có thể mất tới 300 công/năm thì trồng dừa chỉ khoảng 100 công/năm. Chính vì chi phí đầu tư thấp nên cho dù giá giảm so với cùng kỳ nhiều năm thì vẫn không đáng lo ngại”.
Trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ để có giá bán ổn định và luôn cao hơn các loại dừa thường là hướng phát triển của nhiều nhà vườn Bến Tre. Ảnh: IT
Cũng theo ông Chương, sở dĩ giá dừa giảm không ảnh hưởng nhiều tới các hộ dân là vì phần lớn sản lượng dừa thu hoạch đang đổ dồn vào các nhà máy chế biến trong tỉnh. Mặc dù, không tránh khỏi những khó khăn, nhưng các doanh nghiệp tại địa phương đã thể hiện đúng cam kết và chia sẻ lợi ích với người trồng dừa.
Ông Trần Hữu Danh - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng dừa ấp An Quy, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: Mặc dù giá dừa giảm sâu chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chục nhưng chúng tôi vẫn bán đều đặn cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới với giá 57.000 đồng/chục, thu về gần 9 triệu đồng trong đợt thu hoạch vừa qua.
“Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Chế biến dừa Á Châu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex)… vẫn duy trì sản xuất và thu mua dừa cho nông dân, góp phần nâng giá dừa tại tỉnh cao hơn so với mức giá chung của khu vực các nước trồng dừa” – ông Chương thông tin.
Hiện tại, hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn yên tâm canh tác. Theo một số nông dân ở huyện Mỏ Cày Nam, trước Tết, thương lái thu mua dừa khô với giá hơn 100.000 đồng/chục (12 quả), sau đó xuống 70.000 đồng/chục.
"Đến nay, giá có phần giảm nhưng vẫn ở mức 50.000 - 60.000 đồng/chục. Chúng tôi vẫn được thu mua với giá ổn định và đã được ký hợp đồng dài hạn với công ty", một nông dân cho biết.
Được biết, đây là hợp đồng được ký giữa người nông dân với công ty. Theo đó, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ thu mua cao hơn giá thị trường khi giá dừa xuống thấp, nếu giá thị trường cao hơn thì doanh nghiệp sẽ thu mua theo giá thị trường.
Động thái này không chỉ giúp người nông dân tránh tình trạng bị thương lái ép giá mà còn góp phần hạn chế tối thiểu rủi ro cho bà con khi giá dừa biến động.
Nói về khuyến cáo với bà con trước thực tế giá dừa khô giảm sâu trong nhiều năm qua, ông Chương nhấn mạnh: “Chúng tôi làm công tác dự báo thị trường dài hạn với tầm nhìn 5-10 năm chứ không đơn giản mà theo vụ mùa năm này qua năm khác. Dựa trên năng suất, sản lượng dừa của từng năm mà để đưa ra cảnh báo nhu cầu của thị trường với bà con. Theo đó, trong 10-20 năm tới, dù giá dừa có biến động theo hướng tiêu cực đi nữa thì bà con vẫn có thể sống khỏe với cây dừa cũng như các sản phẩm từ dừa”.
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), các đơn vị chuyên môn của Bộ đã theo dõi và nắm bắt tình hình chu kỳ giá và sản lượng của dừa trong thời gian vừa qua.
Bộ đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến lớn trong việc thu mua sản phẩm dài hạn cho bà con nông dân, đảm bảo đầu ra kịp thời. Ngoài mua dừa tại Bến Tre, để chủ động nguồn cung cho công tác sản xuất, các doanh nghiệp lớn đã vào cuộc, thu mua dừa ở các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long...
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.