Trung tâm Cải huấn Đô thị giam giữ khoảng 800 tù nhân.
Trung tâm Cải huấn Đô thị ở vùng hạ Manhattan, thành phố New York là nơi giam giữ hàng trăm tù nhân và được xem là nhà ngục khét tiếng nhất hiện nay tại Mỹ. Tờ New York Times so sánh nhà ngục này còn ghê rợn hơn cả địa ngục trần gian ở vịnh Guantanamo, nơi giam giữ những kẻ bị tình nghi là khủng bố. Một tù nhân từng bị giam ở cả Guantanamo và Trung tâm Cải huấn Đô thị cũng xác nhận nhà ngục tại New York khủng khiếp hơn nhiều.
Trong số các phạm nhân bị giam cầm ở khu biệt giam cẩn mật nhất hiện nay có trùm ma túy Joaquin Guzman, hay còn gọi là El Chapo (Chuột chũi). Điều kiện sinh hoạt ở đây tệ tới mức rất nhiều phạm nhân biệt giam bị suy giảm thị lực.
Trung tâm Cải huấn Đô thị từng giam giữ Ramzi Ahmed Yousef, kẻ chủ mưu vụ đánh bom năm 1993 vào Trung tâm Thương mại thế giới và Bernard Madoff, siêu lừa đa cấp cuỗm 20 tỉ USD. Trong nhiều năm qua, một số tù nhân đã tìm cách trốn ngục nhưng rất ít kẻ thành công.
El Chapo trên đường dẫn độ tới Mỹ.
Vụ vượt ngục nổi tiếng nhất diễn ra năm 1981 khi một tù nhân đã trốn thoát bằng trực thăng qua mái vòm. Năm 1990, hai tù nhân khác cũng bỏ trốn từ cửa sổ tầng hai bằng dây điện. Một kẻ đã bị bắt lại, kẻ còn lại đã lẩn trốn hơn 27 năm qua. Những thông tin vượt ngục chủ yếu là đồn đại vì cán bộ trại giam này không trả lời bất kì cú điện thoại hay email nào hỏi xin thông tin về vụ việc.
Trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới El Chapo đã bị dẫn độ từ Mexico sang Mỹ trong tháng 1 và đang bị giam tại Trung tâm Cải huấn Đô thị.
Nhà tù mở cửa từ năm 1975 và có khoảng 800 phạm nhân. Những tù nhân thông thường có thể ra sân chơi bóng rổ với những bạn tù khác. El Chapo thì ngược lại, hắn bị biệt giam ở một trong 6 căn phòng tại dãy nhỏ mang tên “10 South”. Khu vực này bật điện sáng 23 tiếng một ngày. Cửa sổ bị che mờ và không thể nhìn ra bên ngoài. Một khe hở duy nhất ở cửa ra vào cũng bị đóng suốt ngày. Thứ duy nhất tù nhân nhìn thấy trong căn phòng là bản thân mình.
Một tay súng bắn tỉa canh gác Trung tâm Cải huấn Đô thị năm 1981 khi có một vụ vượt ngục diễn ra.
Trong căn phòng này lắp rất nhiều camera cho phép giám thị theo dõi ngày đêm. Trong toilet hay cạnh giường cũng lắp camera và bật 24/7, theo lời Uzair Paracha, một người từng bị giam 2 năm ở đây vì cáo buộc hỗ trợ Al Qaeda.
Paracha nói rằng phạm nhân ở khu “10 South” thường bị suy giảm thị lực và phải mang kính sau một thời gian giam giữ. Ngoài tiếng lẩm bẩm của phạm nhân thì âm thanh duy nhất nghe thấy trong dãy phòng này là những câu chuyện tiếu lâm của giám thị kể cho nhau nghe.
Các quy tắc áp dụng cho tù nhân nằm trong một bộ luật mang tên “Biện pháp Quản lý Đặc biệt” được Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thông qua. Năm 2011, tổ chức Ân xá Quốc tế viết thư cho Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và bày tỏ lo ngại về điều kiện sống phi nhân tính ở đây.
Đoàn xe áp tải El Chapo vào Trung tâm Cải huấn Đô thị.
“Những khu biệt giam quá đáng sợ và khủng khiếp”, David Patton, giám đốc công ty Người bảo vệ liên bang, viết trong email. “Nếu muốn tạo ra một khu vực để khiến người khác phát điên, chỉ cần đẩy họ vào Trung tâm Cải huấn Đô thị”.
Ông Patton cũng là người bảo vệ quyền lợi cho trùm ma túy Guzman cho biết các phạm nhân ở khu “10 South” không được tiếp xúc với con người. “Ánh sáng lúc nào cũng bật và thứ duy nhất nghe được là tiếng lạch cạch của cửa đóng mở”, Patton nói.
Khu vực “10 South” được dẫn lên bằng một cầu thang từ tầng 9 và gắn biển “Đơn vị Phòng giam Đặc biệt”. Nơi đây có an ninh nghiêm ngặt nhất. Để vào được khu vực này cần đi qua hai lớp cửa kim loại khóa trái ngày đêm. Cửa đầu tiên dùng điện để mở, cửa thứ hai dùng khóa.
Nhà tù nhìn từ bên ngoài.
Năm 2000, một tù nhân bị cáo buộc hành vi khủng bố đã dùng dao làm từ lược mài sắc đâm vào mắt quản giáo. Hậu quả, giám thị này bị tổn thương não nghiêm trọng. Cũng từ vụ việc này, an ninh ở nhà tù được thắt chặt hơn.
Với mức độ an ninh cực cao như vậy, Chuột chũi lại bị tách xa khỏi băng đảng, dù có cánh hay biết độn thổ, y cũng khó thoát khỏi nhà tù khủng khiếp này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.