Chỉ trong tuần qua, tại xã Ba Điền, huyện vùng cao Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) đã có 4 người chết vì bệnh viêm da ở lòng bàn tay, bàn chân. Với các phương tiện khám chữa bệnh hiện đại như hiện nay mà để chết đến 4 người trong vòng một tuần, bệnh chỉ là “sần sùi trên da” thôi thì cũng lạ thật!
Nhưng có lẽ lạ nhất là căn bệnh gây chết người này đã xuất hiện từ tháng 4.2011, gây nỗi kinh hoàng cho đồng bào Hre ở Ba Điền mà ngành y tế đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu để có thể dập tắt dịch bệnh ngoài mấy lần phun hóa chất tẩy bẩn tại các gia đình có người bị bệnh!
Thống kê của ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi, trong vòng 1 năm qua đã có 5 đợt bùng phát dịch bệnh “sần sùi trên da” ở xã Ba Điền khiến 145 người mắc bệnh, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Để dịch tái diễn nhiều lần, lại cùng một triệu chứng và gây tử vong cao so với tỷ lệ dân số ở đây thì là điều không bình thường của những nhà quản lý, đặc biệt là ngành y tế.
Dù, khi xuất hiện bệnh “lạ” này, ngành y tế cũng đã về tận nơi để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, kể cả đưa các bệnh nhân vào tận cơ sở chữa bệnh phong tại Quy Hòa (Quy Nhơn) để điều trị, nhưng để gọi đúng tên khoa học của căn bệnh này là gì thì chưa và việc dập dịch triệt để cũng chưa nốt.
Ba Điền là xã vùng cao của huyện miền núi Ba Tơ, dân cư chủ yếu là người Hre nên các tập tục lạc hậu vẫn còn rất nặng nề. Hàng chục năm qua, bằng nỗ lực tuyên truyền vận động theo nếp sống mới của các cấp chính quyền địa phương và các đoàn thể, đồng bào Hre ở đây đã bỏ dần thói quen cúng bái, giết trâu, mổ lợn ăn uống lu bù mỗi khi có dịch bệnh mà họ bắt đầu quen dần với việc đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện để khám và điều trị mỗi khi có bệnh.
Tuy nhiên, việc không gọi đúng tên khoa học của căn bệnh sần sùi lòng bàn tay, bàn chân đã và đang tồn tại một năm qua, nhất là bệnh lại gây chết người liên tục, sẽ là mảnh đất màu mỡ để các hủ tục quay trở lại với đồng bào.
Mới đây, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi kết hợp với huyện Ba Tơ tổ chức ra quân giúp dân dập dịch nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc phun thuốc Cloramin B ở tất cả các gia đình. Huyện cũng hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày cho những bệnh nhân đang điều trị... Ngần ấy động thái của ngành y tế và chính quyền địa phương hẳn là sẽ không thể dập tắt được bệnh dịch này.
Điều mà người dân đang rất cần hiện nay là, ngành y tế sớm có câu trả lời chính xác về căn bệnh đồng thời vạch ra một phác đồ điều trị cũng như cách phòng ngừa hiệu quả nhất nhằm dập tắt dịch, không để xảy ra một trường hợp tử vong nào nữa.
Hà Nhiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.