Bệnh của ngành giao thông

Thứ năm, ngày 06/10/2011 16:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 14.8.2009, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Hoa đã khẩn thiết "Xin Bộ trưởng hãy đi thăm con đường đau khổ"- đó là một đoạn đường 32, nối Hà Nội với phía Tây Hà Nội, bấy giờ đã thi công được vài năm. "Chỉ sau 6 tháng sẽ hoàn thành", Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó, ông Hồ Nghĩa Dũng đã long trọng hứa trước cử tri.
Bình luận 0

Không phải 6 mà 13 tháng sau, ngày 11.9.2010, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lại "thị sát" con đường đau khổ và... giật mình trước những trái khoáy trong chuyện... đền bù, giải phóng mặt bằng. Dù ông không hứa hẹn gì, nhưng chuyến vi hành của Chủ tịch được ca ngợi ngay sau đó với nhiều mỹ từ, chẳng hạn "nghe và quyết ngay tại chỗ". Thế nhưng, đến bây giờ, ngày 5.10.2011, hơn 2 năm sau lời hứa của Bộ trưởng, hơn 1 năm sau ngày Chủ tịch thị sát, con đường đau khổ vẫn chưa thể hoàn thành.

Khi vào Đà Nẵng thị sát hôm 4.10, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã gây ra một cú sốc khi quyết thay ngay tổng công trình sư công trình nhà ga hành khách sân bay Đà Nẵng. Báo chí còn chộp được hình ảnh Bộ trưởng gọi điện, ngay lập tức, điều người thay thế, thậm chí, ông còn đi xa hơn khi định thay thế cả nhà thầu thiếu năng lực.

Tổng vốn hơn 1.345 tỷ đồng và lẽ ra phải đưa vào khai thác từ quý I/2010 nhưng đến giờ, công trình vẫn chưa thể hoàn thành. Một chi tiết đáng chú ý đến từ ý kiến một người nước ngoài. "Rất khó hoàn thành dự án vào cuối năm 2011 bởi tư duy chậm trễ dường như ăn sâu vào các nhà thầu".

Việc chậm trễ cả năm, không cần tính toán, cũng biết cái đầu tiên đội lên sẽ là chi phí. Và kết quả cuối cùng của hầu hết công trình dự án là... xin điều chỉnh tổng dự toán. Một ví dụ nhãn tiền là Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM. Chỉ vì chậm tiến độ, công trình này đã phải tăng vốn đầu tư từ 1,1 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD, ngay cả khi công trình chưa khởi công.

Chậm tiến độ, một cách phổ thông- dường như là căn bệnh chung. Nó phổ biến đến nỗi giả thử có một công trình đúng tiến độ, thì điều đó là bất bình thường.

Và chậm tiến độ, không phải chỉ là việc chậm trễ ngoài công trường. Nó là "căn bệnh làng" trong tư duy, thái độ và sự chuyên nghiệp của các nhà thầu cũng như chủ đầu tư.

Có một câu chuyện khác xảy ra tại Đà Nẵng. Đó là cuộc gặp của Bộ trưởng Đinh La Thăng với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh đã gọi đây là một "nỗi nhục quốc thể!" - thi công ì ạch, chậm trễ, kéo dài hết năm này đến năm khác trong tình trạng hành khách trong nước lẫn quốc tế phải đứng giữa mưa, giữa nắng vì nhà ga cũ quá tải. "Nếu đây là công trình của TP. Đà Nẵng thì BQL dự án đã bị cách chức lâu rồi" - ông Thanh nói.

Từ "thay thế" đến "cách chức" là một quãng dài về hình thức, nhưng lại rất ngắn về thái độ kiên quyết của người lãnh đạo.

Dù đã cách chức Trưởng ban quản lý dự án trên, có lẽ ông Bộ trưởng Bộ GTVT cần có thêm thời gian để có thể giải quyết căn bệnh chậm tiến độ trầm kha trong ngành GTVT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem