Bệnh nhân chạy thận chuyển về Bạch Mai đã ổn định sức khỏe

Diệu Linh Thứ ba, ngày 30/05/2017 10:31 AM (GMT+7)
TS Dương Đức Hùng-Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, 10 bệnh nhân bị sốc phản vệ chuyển tới bệnh viện này đã được điều trị bằng các trang thiết bị, thuốc tốt nhất. Hiện tất cả các bệnh nhân đều đã ổn định sức khỏe.
Bình luận 0

Sáng nay (30.5), bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, BV Bạch Mai đã tiếp nhận 10 bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình chuyển lên tối qua. Các bệnh nhân đã được chia về nằm ở nhiều khoa, được điều trị tích cực, kịp thời. Tại Trung tâm Chống độc có hai bệnh nhân là bệnh nhân Lê Thị Thùy Linh (23 tuổi) và bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi). Hai bệnh nhân này đã tỉnh táo, sức khỏe ổn định. 

Theo bệnh nhân Trần Văn Quang, sáng 29.5, khi ông lọc máu được hơn 30 phút thì thấy buồn nôn khó thở nhức đầu được và chuyển sang phòng cấp cứu. "Trong 9 năm chạy thận, tôi chỉ phản ứng nhẹ buồn nôn tăng huyết áp, chưa lần nào bị nặng như này. Cũng may là thoát chết nhưng nghe tin nhiều bệnh nhân đã không qua được" - ông Quang nói.  

img

Bệnh nhân Lê Thị Thùy Linh (23 tuổi) đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

img

Bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi, ở TP. Hòa Bình).

Bác sĩ Đào Xuân Cơ (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai) cho biết, trong số 10 bệnh nhân nhập viện có bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều (45 tuổi) là sức khỏe yếu nhất. Bệnh viện đã phải hồi sức tích cực và lọc máu cho bệnh nhân suốt từ rạng sáng 30.5. Đến 9h sáng thì sức khỏe của bệnh nhân cũng đã khá hơn.  

Bệnh nhân Bùi Thị Rấm (65 tuổi) đến giờ vẫn sợ hãi. Bà Rấm nói: "Hôm qua (29.5), khi lọc máu được hơn 30 phút thì tôi buồn nôn khó thở, tê bì môi, đau bụng. 5 người khác cùng phòng cũng bị tình trạng như vậy. Sau đó nghe tin nhiều người tử vong nên mọi người càng hoang mang". Bà Rấm đã chạy thận hơn 1 năm nhưng chưa bao giờ bị như vậy. Hiện bà được điều trị tại Khoa thận tiết niệu, BV Bạch Mai, tình trạng sức khỏe đã tốt hơn.

Cùng chung nỗi sợ hãi, bệnh nhân Lê Văn Tiến (50 tuổi) cho biết: "Tôi không gặp triệu chứng gì, sức khỏe bình thường. Nhưng 5 bệnh nhân cùng phòng khác cứ lần lượt kêu đau bụng, nôn ọe rồi bất tỉnh. Khi đưa đi cấp cứu thì có người đã chết. Đã 7 năm chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng chưa bao giờ tôi gặp cảnh tượng kinh hoàng như vậy". 

img

Sáng 30.5, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đến thăm các bệnh nhân.

Sáng 30.5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đã đến thăm các bệnh nhân. Thứ trưởng Tiến cho biết, ngoài 10 bệnh nhân bị sốc đang cấp cứu tại BV Bạch Mai, Bộ Y tế sẽ chia hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận ở BV Hòa Bình về các bệnh viện ở Hà Nội. Cụ thể BV thận Hà Nội sẽ tiếp nhận 30 bệnh nhân. Còn 70 bệnh nhân khác sẽ chia lẻ về các bệnh viện khác, bao gồm cả BV Hà Nội và Trung ương. BV Đa khoa Hòa Bình sẽ có trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện khác và hỗ trợ đi lại cho bệnh nhân.

Nhận định về nguyên nhân, Thứ trưởng Tiến cho biết, đây là sự cố hi hữu đáng tiếc của ngành Y. Nguyên nhân để xảy ra phản ứng hàng loạt chắc chắn là sai sót hệ thống, không đơn lẻ một sự việc cá nhân nào. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác là gì vẫn đang được điều tra. Quan trọng nhất là điều trị cho các bệnh nhân còn lại và ổn định tâm lý cho họ. 

Thứ trưởng Tiến cho biết thêm, đến tối qua đã có 7 bệnh nhân tử vong. Hiện còn 1 bệnh nhân rất nặng đang được điều trị ở BV Đa khoa Hòa Bình.

img

Bệnh nhân Nguyễn Văn Thiều (45 tuổi) bị sốc phản vệ, suy thận nặng nhất trong 10 bệnh nhân được tiếp nhận tại Bệnh viện Bạch Mai.

img

Bệnh nhân Bùi Thị Rấm (65 tuổi).

TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) dẫn đầu đoàn hỗ trợ cấp cứu tại BV Hòa Bình đêm qua cho biết: Đây là tai biến hy hữu mà lịch sử 45 năm thành lập Khoa Thận nhân tạo chưa từng gặp. Theo ông Dũng, có vài chục công đoạn trong lọc máu như chuẩn bị nước, quả lọc, chuẩn bị bệnh nhân... khâu nào cũng phải hết sức cẩn trọng. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo rất dễ xảy ra biến chứng. "Có khoảng 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu và biến chứng nào cũng nghiêm trọng, xảy ra rất nhanh nếu cấp cứu không kịp thì bệnh nhân rất có thể tử vong. Do đó, các bác sĩ phải theo dõi sát sao bệnh nhân trong suốt 3-4 tiếng lọc máu"- TS Dũng nhận định. 

TS Dũng cũng cho biết, theo 1 số nghiên cứu tỷ lệ suy thận của người Việt ước tính 6-7% dân số (khoảng hơn 6 triệu người). Còn tính riêng bệnh nhân phải lọc thận khoảng 90.000-100.000 người.  Kỹ thuật chạy thận nhân tạo nhiều năm nay đã được chuyển giao tới cấp tỉnh, huyện. Do đó, mỗi năm có hàng triệu lượt bệnh nhân được lọc máu. "Việc đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo về địa phương là rất cần thiết. Vì bệnh nhân suy thận phải lọc máu cả đời với chu kỳ 2-3 lần/tuần. Có bệnh nhân tại BV Bạch Mai đã lọc máu 20-25 năm. Do đó, nếu phải đi đến các cơ sở y tế quá xa, bệnh nhân suy thận thường phải thuê nhà trọ ở quanh quẩn bệnh viện, cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, không thể đi làm hoặc gần gũi người nhà. Do đó, xu hướng hiện tại là đưa kỹ thuật này về cơ sở" - TS Dũng nói. 

TS Dũng cho biết, đây là sự cố hy hữu. 18 bệnh nhân xảy ra biến chứng có biểu hiện rất đa dạng, chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế sẽ phải điều tra tỷ mỉ tìm nguyên nhân, xem sai sót ở công đoạn nào để làm bài học cho toàn ngành, sau này có thể tránh được sai lầm, hạn chế thấp nhất tai biến.

Được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế sau đó cũng đã vào thăm các bệnh nhân điều trị ở BV Bạch Mai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem