Bệnh viêm da nổi cục gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng: Đốc thúc tiêm vaccine giữ đàn gia súc

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 21/09/2021 13:59 PM (GMT+7)
Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 3.936 xã của 51 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh trên 187.000 con, số gia súc tiêu hủy gần 25.000 con...
Bình luận 0

Thiệt hại gần 100 tỷ đồng do bệnh viêm da nổi cục

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong 8 tháng đầu năm 2021, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra ở 51 tỉnh, thành phố, tiêu hủy gần 25.000 trâu, bò, ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng. 

Các tỉnh bị thiệt hại nặng là Bình Định 3.389 con, Hà Tĩnh 2.934 con, Sơn La 2.472 con, Nghệ An 2.421 con, Thanh Hóa 2.002 con.

Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra ở 182 lượt xã của 12 huyện, thành phố. 

Hiện còn 71 xã bị bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa qua 21 ngày. Để nhanh chóng dập dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, tỉnh Sơn La đã tiến hành tiêm vaccine viêm da nổi cục trên 260.000 liều.

Bệnh viêm da nổi cục gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng: Đốc thúc tiêm vaccine nhằm giữ đàn gia súc - Ảnh 1.

Cán bộ thú y tỉnh Thái Bình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dịch viêm da nổi cục. Ảnh: Phan Hậu

"Kết quả sử dụng vaccine VDNC tại nhiều địa phương đã chứng minh giải pháp phòng, chống bệnh VDNC bằng vaccine là hiệu quả nhất, quan trọng nhất. Chi phí sử dụng vaccine rất thấp, khoảng 35.000 đồng/liều".

Ông Nguyễn Văn Long -

Phó Cục trưởng Cục Thú y

Tại tỉnh Thanh Hóa, theo ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 6.000 hộ chăn nuôi, 1.382 thôn, 340 xã của 25 huyện, thị xã, thành phố làm 7.640 con mắc bệnh. Đến nay, dịch bệnh đã được khống chế.

"Thanh Hóa có tổng đàn trâu, bò lớn với trên 450.000 con, chăn nuôi nhỏ lẻ, có nhiều đường quốc lộ chạy qua, hoạt động vận chuyển động vật khó kiểm soát, dẫn đến rất khó kiểm soát dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh" - ông Cường cho hay. Đến nay Thanh Hóa đã tiêm vaccine viêm da nổi cục được trên 247.000 con trâu, bò. Trong tháng 9 này tiếp tục tiêm được 4.950 con.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhất là những tháng cuối năm, Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục sẽ tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Theo đánh giá, một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm và tiêu hủy gia súc khi mới xuất hiện dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịp cuối năm nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò gia tăng mạnh.

"Bộ NNPTNT đã chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp theo quy định 3 loại vaccine với số lượng 11 triệu liều. Các doanh nghiệp đã nhập khẩu, cung ứng gần 7 triệu liều. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ nhập khẩu tiếp 1,8 triệu liều" - ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin.

Chủ động bảo vệ vật nuôi trước bệnh viêm da nổi cục

Trao đổi với phóng viên, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm thời tiết sẽ bắt đầu chuyển mùa, gia súc sẽ giảm sức kháng, bởi vậy cần tăng cường chăm sóc đàn vật nuôi, trong đó phòng trừ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Theo bà Hạnh, bệnh viêm da nổi cục thường xuất trong điều kiện nóng, ẩm, côn trùng hoạt động mạnh, tỷ lệ mắc trên trâu, bò cao. Bệnh viêm da nổi cục lây qua côn trùng vuốt máu như ruồi, muỗi và do vận chuyển gia súc, dùng chung dụng cụ thú y.

Thực tế cho thấy biểu hiện bệnh viêm da nổi cục làm cho gia súc sốt cao và đặc biệt là có nốt sần ở cổ, miệng làm giảm sức đề kháng, lở loét làm cho côn trùng hút màu dễ truyền lây bệnh từ gia súc ốm sang gia súc khỏe mạnh.

Để đảm bảo tốt phòng, chống bệnh viêm da nổi cục, bà Hạnh khuyến cáo, người dân cần mua con giống ở những cơ sở được chứng nhận, đã được tiêm phòng và kiểm soát chặt đàn gia súc mới nhập. 

"Đối với đàn gia súc mới nhập, yêu cầu nuôi cách ly trước khi nhập đàn. Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để diệt côn trùng, ve, ruồi, mòng, muỗi gây bệnh" - bà Hạnh nói.

Đặc biệt, phải thu gom chất thải, vệ sinh dụng cụ thú y trước khi điều trị cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng giai đoạn chuyển mùa. Trong đó, tăng cường chăm sóc gia súc non, kiểm soát vận chuyển gia súc và nghiêm cấm vận chuyển gia súc trái phép qua đường biên giới.

Bà Hạnh cho biết thêm, một việc rất quan trọng để chăn nuôi an toàn là tiêm phòng viêm da nổi cục. Để tiêm phòng vaccine, các địa phương phải thống kê đầy đủ vật nuôi để chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vaccine. 

Đối với hệ thống khuyến nông các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành tờ hướng dẫn phòng, trừ bệnh viêm da nổi cục trên đàn vật nuôi. Hướng dẫn này đã đăng tải trên website (mục thư viện khuyến nông) của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cán bộ khuyến nông của các địa phương có thể tham khảo về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục.

Bà Hạnh cũng đề nghị cán bộ khuyến nông các địa phương phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi - Thú y các tỉnh và cán bộ thú y cấp xã, thôn, bản để hỗ trợ trợ thống kê đàn vật nuôi, từ đó đảm bảo chủ động nguồn vaccine ở các địa phương và thực hiện tiêm phòng đầy đủ.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương về chuẩn bị, dự trữ nguồn thức ăn. Trong đó, trồng ngô sinh khối và cây vụ đông là giải pháp để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn vật nuôi, cũng như hướng dẫn việc ủ chua thức ăn để dự trữ thức ăn trước khi mùa mưa, bão cũng như mùa đông. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem