"Cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế - Bài 2: Bệnh viện như được mở cửa xả lũ

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 24/03/2023 09:33 AM (GMT+7)
Nhiều bệnh viện TP.HCM cho biết đã sẵn sàng triển khai mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành.
Bình luận 0
Sau 3 tuần "cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế: (Bài 2): Bệnh viện như được "mở cửa xả lũ" - Ảnh 1.

Máy xạ trị gia tốc tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: B.D

57% gói thầu được "gỡ vướng"

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ Nghị định 07 đã cho phép kéo dài số lưu hành và giấy phép nhập khẩu hóa chất, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế. Từ việc tháo gỡ này, một loạt vật tư y tế đã được thông quan.

 Về đấu thầu thuốc cũng rất yên tâm, bởi ngoài các quy định mới còn có sự hỗ trợ của luật.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định Nghị định 07 và Nghị quyết 30 ra đời như "mở cửa xả lũ", mang lại lợi ích cho bệnh nhân và tháo gỡ rất nhiều cho bệnh viện. 

Trước khi có 2 văn bản trên, 57% các gói thầu vật tư y tế bị "tắc" do thiếu 3 báo giá nhưng nay hầu hết đã gỡ vướng hoàn toàn. Cùng với đó, các trang thiết bị y tế bị hư hỏng, cần thay các linh kiện, bộ phận cũng đã được mua sắm, sửa chữa và hoạt động trở lại.

"Hầu hết các thiết bị đã bắt đầu hoạt động, các gói thầu khác cũng đang được mua sắm tiếp, chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi thì các vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa", bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Trong khi đó, BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trước khi có Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bệnh viện sử dụng trên 50% máy xét nghiệm là máy mượn, máy đặt. Hiện bệnh viện đang chấm gói đấu thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, hóa chất, nhưng vì giấy phép nhập khẩu đã hết hạn vào 31/12/2022, nên 40% chấm rớt theo quy định. Nếu không có Nghị định 07, bệnh viện không biết đấu thầu máy móc như thế nào và có thể gặp tình trạng thiếu hoá chất.

Những năm trước, bệnh viện thực hiện đấu thầu qua mạng những gói mua sắm hàng hóa thường xuyên (trừ trang thiết bị y tế, dược) hệ thống chỉ cho đấu thầu một phần, thì hiện đã cho phép đấu thầu nhiều thành phần. Theo lãnh đạo bệnh viện, không phải tất cả mặt hàng đều chào đủ 3 báo giá, do đó quy định "không cần đủ 3 báo giá" đã tháo gỡ được vấn đề này. 

Cái khó ở đây là trong Nghị quyết 30 nêu "chỉ thí điểm đến hết năm 2023", nên bệnh viện lo ngại sau năm 2023 sẽ lại gặp khó khăn.

"Nên có quy định pháp lý rõ ràng trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, tạo điều kiện thuận lợi lâu dài, để bệnh viện mua sắm được thiết bị chất lượng, hóa chất đúng hãng máy", ông Thạch đề xuất.

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều bệnh viện đang sử dụng máy đặt, máy mượn như Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Lê Văn Thịnh…

Sau 3 tuần "cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế: (Bài 2): Bệnh viện như được "mở cửa xả lũ" - Ảnh 3.

Bệnh nhân ung thư đang được truyền hoá chất. Ảnh: P.V

"Thiếu trang thiết bị là lỗi của lãnh đạo bệnh viện"

Trưởng Đơn vị đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, Nghị quyết 30 đã giải quyết nhanh nhiều thứ, trong đó có vấn đề xây dựng giá gói thầu. Khi bệnh viện triển khai đấu thầu được, các máy móc đã có thể sửa chữa.

Ngoài ra, đối với trang thiết bị, vật tư y tế, bệnh viện đã thông báo mời thầu. Trong 1-2 tuần nữa, bệnh viện sẽ công bố lựa chọn nhà thầu thuốc. Sắp tới, vấn đề thiếu vật tư tiêu hao sẽ được giải quyết.

Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã tháo gỡ và cho phép thanh toán BHYT với các kỹ thuật thực hiện trên máy đặt máy mượn, các trang thiết bị được tặng mà bệnh viện chưa kịp nhập vào tài sản quốc gia. Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, như vậy, người bệnh tham gia BHYT được đảm bảo quyền lợi và sự công bằng với chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán trên các máy móc hiện đại nhất.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức khẳng định, việc thiếu thiết bị là lỗi của nhà quản lý, của giám đốc bệnh viện, nên không thể để bệnh nhân trả thêm tiền. Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện chính sách "một giá". Khi được chuyển sang chụp chiếu ở cơ sở liên kết, bệnh nhân vẫn chỉ trả đúng giá chụp ở Chợ Rẫy, không thu thêm một đồng nào, dù có BHYT hay không.

Một thời gian dài, nhiều bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối rơi vào cảnh thiếu hụt trang thiết bị y tế do không thể đáp ứng các yêu cầu về đấu thầu thuốc, hoá chất và vật tư y tế tiêu hao. Những vướng mắc trong việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế hay trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết... đã khiến các bệnh viện gần như "tê liệt", ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh.

Ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành vào đầu tháng 3, nhiều "nút thắt", các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện được tháo gỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem