Bệnh viện T.Ư Huế điều động thêm 52 y, bác sĩ giỏi vào TP.HCM cứu bệnh nhân Covid-19 nặng
Bệnh viện T.Ư Huế điều động thêm 52 y, bác sĩ giỏi vào TP.HCM cứu bệnh nhân Covid-19 nặng
Trần Hòe
Thứ sáu, ngày 27/08/2021 11:48 AM (GMT+7)
Do số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM ngày một tăng nên lãnh đạo Bệnh viện điều động thêm 52 y, bác sĩ vào công tác tại trung tâm này.
Sáng 27/8, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức tiễn đoàn công tác gồm 52 y, bác sĩ của Bệnh viện vào làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM.
Đây là lần thứ 5 Bệnh viện Trung ương Huế điều động, chi viện nhân lực y tế vào TP.HCM để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố này.
Đoàn công tác lần này khởi hành tại sân bay Đà Nẵng lúc 12h ngày 27/8 và đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13h30 cùng ngày.
Đây là những y bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm được đơn vị đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về hồi sức cấp cứu như: Thở máy, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng (ECMO)… Ngoài ra, các y bác sĩ này cũng được tập huấn bài bản các kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn, cách chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19 nặng, chăm sóc người bệnh thở máy; hướng dẫn tập vận động, dinh dưỡng, phục hồi chức năng cho người nhiễm Covid-19…
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM đặt tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Trung tâm có quy mô 12.300 m2, chia làm 4 phân khu, gồm: Bệnh nặng nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện.
Trung tâm có quy mô 600 giường bệnh, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực.
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, hiện Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM hiện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Do số lượng bệnh nhân ngày một tăng nên lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định điều động thêm 52 y, bác sĩ nói trên đến công tác tại trung tâm này.
Trước đó, hơn 300 y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam… đã có mặt tại TP.HCM để công tác tại Trung tâm.
Trung tâm này là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại TP.HCM. Đây là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, nên xác định giảm nhẹ tình trạng của các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong là mục tiêu hàng đầu.
Trung tâm được trang bị các trang thiết bị rất hiện đại như: Máy tim phổi nhân tạo ECMO, máy thở chức năng cao, máy lọc máu (CRRT), máy sốc tim, bồn oxy dung tích 20m3, hệ thống oxy tới tận giường bệnh…
Tại đây, thiết bị hiện đại như robot cũng đã đưa vào hoạt động. Robot có thể thay thế đội ngũ nhân viên y tế ở đưa thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… đến tận giường bệnh trong quá trình điều trị.
Đà Nẵng: 49 y, bác sĩ Nam tiến chống dịch Covid-19
Ngày 27/8, Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức buổi tiễn đoàn y, bác sĩ lên đường hỗ trợ tỉnh Bình Dương chống dịch Covid-19.
Đoàn chi viện đợt này gồm 15 bác sĩ, 29 điều dưỡng viên, 5 kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm từ tất cả khoa, phòng của bệnh viện. Các y, bác sĩ lên đường với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mong muốn góp sức, hỗ trợ Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trước khi lên đường, chị Nguyễn Thị Hoa Na, điều dưỡng viên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện C Đà Nẵng, chia sẻ: "Tôi rất vinh dự và tự hào khi được hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch. Biết trước là công việc sẽ có nhiều khó khăn và nguy hiểm nhưng tôi luôn tự nhủ đây là trách nhiệm chung của những người làm trong ngành y tế nên phải nỗ lực hết sức mình, giúp tỉnh bạn dập dịch trong thời gian sớm nhất. Lần này đi chưa hẹn ngày về nhưng trong hành trang suốt chặng đường dài của chúng tôi có sự động viên, cổ vũ và giúp sức của hậu phương".
"Hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm người dân ở vùng tâm dịch cần chúng tôi nhất. Tiếp nhận đề nghị của Bộ Y tế và lời kêu gọi từ tỉnh bạn, các y, bác sĩ đơn vị đã sẵn sàng vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ của một người thầy thuốc. Tôi mong muốn rằng với những kinh nghiệm đã được tích lũy, các y, bác sĩ sẽ đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp Bình Dương sớm đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân", bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng nói.
Động viên và tiễn đoàn y, bác sĩ lên đường thực hiện nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận và biểu dương tinh thần xung kích tình nguyện của các cán bộ y tế tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bình Dương
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, mặc dù thành phố còn gặp nhiều khó khăn khi đang phải chống chọi với đợt dịch bùng phát nhưng sự đoàn kết, chung sức, hỗ trợ về nhân lực phục vụ công tác chống dịch đối với Bình Dương lúc này có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, phát huy tinh thần "tương thân tương ái".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.