Chuyện cảm động về người đàn ông dành trọn 40 năm ngồi “ôm” con dấu gỗ ở phố cổ Hà Nội
Chuyện cảm động về người đàn ông dành trọn 40 năm ngồi “ôm” con dấu gỗ ở phố cổ Hà Nội
Kim Duyên
Thứ sáu, ngày 19/08/2022 06:45 AM (GMT+7)
Ông Phạm Ngọc Toàn (Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã 40 năm gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công. Ông luôn tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, từng ngày bảo tồn những giá trị văn hóa đất Hà thành xưa.
Video Người gìn giữ nghề khắc con dấu gỗ truyền thống. Thực hiện: Kim Duyên.
Tìm đến địa chỉ số 6 Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi bất ngờ khi giữa phố cổ nhộn nhịp, tấp nập ông Phạm Ngọc Toàn dù hơn 70 tuổi vẫn cặm cụi tỉ mỉ khắc từng nét trên những con dấu gỗ. Xung quanh ông, hàng trăm mẫu con dấu gỗ đã được khắc trước đó.
Tại cửa hàng chưa đầy 15m2 lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói giữa người thợ và khách hàng. Hơn nửa đời người gắn bó với nghề khắc dấu gỗ, ông Phạm Ngọc Toàn không nhớ nổi có bao nhiêu con dấu do ông làm có mặt ở trong và ngoài nước.
Được trực tiếp nghe ông trò chuyện tâm sự mới hiểu hết được tình yêu, niềm hạnh phúc khi ông chọn gắn bó với nghề này.
Bỏ nghề giáo, gắn bó với nghề truyền thống
Từng là giáo viên, ông Phạm Ngọc Toàn đã có hơn 40 năm kinh nghiệm làm dấu gỗ thủ công ở phố Hàng Quạt. Ông kể, nghề khắc dấu gỗ được ông nội và bố truyền lại và trở thành nghề truyền thống của gia đình.
"Thật ra, tôi được gắn bó với nghề từ nhỏ. Ngoài việc đi học ở trường, về nhà tôi mày mò cùng các dụng cụ như đục, dao, … và rồi học theo bố và ông để làm những cái mình thích", ông Toàn nhớ lại.
Được gắn bó với nghề từ nhỏ, nên "cái nghề đã ngấm vào trong người" ông. Và tình yêu dành cho những họa tiết nhỏ trên từng con dấu đã ăn sâu vào cuộc sống để ông Toàn đưa ra quyết định rời xa bảng đen, phấn trắng gắn bó với nghề truyền thống đến tận bây giờ.
Tâm sự với phóng viên, ông Toàn cho biết: "Khi lớn lên, tôi cũng học đại học, ra trường cũng làm giáo viên. Nhưng do hoàn cảnh và tình yêu với nghề truyền thống nên tôi quay về với nghề khắc dấu gỗ thủ công của gia đình và gắn bó với địa chỉ số 6, Hàng Quạt từ năm 1993".
Thường những con dấu ông khắc đều đồng giá từ 50.000 đồng - 70.000 đồng, không phân biệt chi tiết nhiều hay ít, chữ dài hay ngắn. Bởi, xuất phát từ tình yêu nghề nên ông Toàn chỉ cần nhìn thấy khách hàng vui khi nhận những sản phẩm do chính tay mình tạo nên.
Công đoạn chạm khắc cũng là công đoạn khó nhất và cần sự cẩn thận, tỉ mỉ sử dụng những chiếc dao, đục, dũa nhỏ. Những họa tiết dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ dần được hoàn thiện. "Những hình đơn giản chỉ cần khắc trong 15-20 phút là xong. Nhưng có những mẫu đặt cầu kì, phải mất cả tuần mới xong. Để rèn nghề, các họa tiết mềm mại có hồn, người thợ phải học nghề từ 1-3 năm", ông Toàn chia sẻ.
Tưởng chừng khi bắt tay vào việc, người thợ bỏ quên phố phường tấp nập ngoài kia vì nghề khắc dấu đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ. Nhưng ông Toàn vẫn thoăn thoắt tạo nên những họa tiết, vẫn cười nói cùng khách hàng. Thế nên, cửa hàng nhỏ của ông chưa lúc hết rôm rả tiếng nói cười.
Khắc dấu gỗ thủ công - nghề mang bản sắc dân tộc
Nghề khắc dấu gỗ tưởng chừng mai một theo thời gian nhưng nay đã mang những nét mới và trở thành món quà thủ công truyền thống. Trước cơn lốc đô thị hóa, để bắt kịp xu hướng của xã hội, đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng người thợ cũng phải thay đổi để đưa ra thị những con dấu đa dạng kích cỡ, họa tiết.
Chia sẻ về sự thay đổi của nghề, ông Toàn cho biết: "Xưa chủ yếu dấu gỗ hình vuông hoặc tròn, để khắc chữ triện và một số hoa văn trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Nhưng giờ, xu hướng khách hàng đa dạng, đặt khắc những con dấu gỗ khắc thủ công với những ý nghĩa và mục đích khác nhau, thậm chí có những người đặt khắc cả chân dung. Vì vậy, muốn có nhiều khách hàng, khách hàng gắn bó lâu hơn thì những con dấu gỗ buộc phải thay đổi".
Không chỉ là khách hàng lớn tuổi đặt khắc chữ triện hoặc đặt khắc tên, các bạn trẻ cũng tìm đến để mua dấu, có những bạn được ông Toàn hướng dẫn để tự khắc những hoa văn theo ý tưởng riêng của mình.
Đặt khắc dấu gỗ để làm kỉ niệm và tặng bạn người bạn thân chuẩn bị đi du học, bạn Lê Việt Hùng, sinh viên năm nhất, Đại học RMIT cơ sở Nam Sài Gòn chia sẻ: "Biết đến của hàng qua mạng xã hội nên mình thấy hứng thú, tò mò với những con dấu gỗ được khắc thủ công. Mình đã quyết định đi tìm hiểu về nghề này nhân dịp ra Thủ đô. Đến và tận mắt nhìn quá trình tạo ra sản phẩm của người thợ mình thấy khá bất ngờ, thú vị và rất ý nghĩa".
Không chỉ có khách hàng trong nước, những con dấu thủ công cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế. "Người Nhật thường dùng con dấu cá nhân, nhiều công ty xuất khẩu lao động sang Nhật đặt những đợt hàng trăm con dấu để làm quà. Có du khách người Nhật đã từng mua và quay lại tặng tôi sách, bản đồ hướng dẫn bằng tiếng Nhật", ông Toàn hạnh phúc nhớ lại.
Gắn bó với nghề và con phố hàng Quạt hàng chục năm, cho đến nay ông Toàn và địa chỉ khắc dấu gỗ thủ công đã xuất hiện trên nhiều chỉ dẫn du lịch bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.
Với ông Toàn, điều quan trọng nhất là giữ được nghề trước những biến động và phát triển của xã hội hiện đại. "Khắc dấu gỗ thủ công là nghề mang bản sắc dân tộc. Những người khách du lịch đến mua và mang đi những vùng trời xa trên toàn thế giới thì coi như những con dấu ấy đã quảng bá văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.