Theo người dân, rặng phi lao ở biển Quỳnh Lập có từ rất lâu, cây già nhất cũng ngót nghét trăm tuổi. Nhiều cây phi lao già có gốc cây gân guốc, sần sùi, nhuốm màu thời gian.
Phi lao ở đây có nhiều độ tuổi và hình dạng khác nhau. Có cây cao vút thẳng tắp, có cây lại sần sùi quái dị, có cây chia thành nhiều thân, tỏa ra các hướng.
Là giống cây có sức sống bền bỉ, phi lao được người dân trồng ven biển để chắn cát, chắn gió và mưa bão cho làng. Trải qua thời gian, đến nay rặng phi lao ở Quỳnh Lập có chiều dài hơn 1,5 km, với hàng nghìn cây lớn nhỏ.
Trong những năm giặc Mỹ phá hoại miền Bắc, rặng phi lao từng chứng kiến nhiều trận bom ném xuống mảnh đất này. Đặc biệt là trận bom ném xuống Bệnh viện Phong Quỳnh Lập cách đây 53 năm, làm hơn 200 người chết và hàng trăm người bị thương.
Cùng chung số phận với con người, rặng phi lao từng nhiều lần gãy đổ do bom đạn, bão tố. Mỗi lần như vậy, người dân lại mang cây con ra trồng lại.
Với những đứa trẻ ở Quỳnh Lập, tuổi thơ là rặng phi lao ngút ngàn, bờ cát trắng xóa, buổi trưa hè trốn vào bóng phi lao tránh nắng.
Vào thế kỷ 19, cây phi lao theo người Pháp du nhập đến nước ta. Từ giống cây ngoại, phi lao nhanh chóng có mặt khắp mọi miền đất nước, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Rặng phi lao nằm sát bờ biển xã Quỳnh Lập. Có hàng nghìn cây phi lao lớn nhỏ khác nhau. Cây phi lao già cỗi có nhiều thế hệ ngồi dưới gốc hóng mát
Gốc phi lao sần sùi, gân guộc theo thời gian bên bãi biển ở Nghệ An.
Quả phi lao trên cành cây cổ thụ. Cây phi lao lớn có đường kính một người ôm không xuể.
Thảm thực vật phía dưới mặt đất là cây cỏ xanh tươi.
Cây phi lao còn được người dân trồng làm cảnh ven đường
Phạm Tâm - Quốc Huy (VietnamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.