Bí ẩn sách lá cổ trăm năm của người Khùa

Trần Anh Thứ tư, ngày 19/09/2018 08:03 AM (GMT+7)
Người Khùa sống ở bản Hà Vi (xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) hiện còn lưu giữ cuốn sách viết trên lá cây có niên đại hàng trăm năm. Đến nay, những văn tự được viết trong đó vẫn còn là điều bí ẩn mà người Khùa luôn muốn tìm được lời giải.
Bình luận 0

Người Khùa sinh sống rải rác dưới chân dãy núi Giăng Màn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Tộc người này có nhiều nét văn hóa đặc sắc và chưa được khám phá hết, trong đó, những văn tự trên cuốn sách lá cổ đang là một ẩn số.

img

Người Khùa sống rải rác dưới chân dãy núi Giăng Màn.

Chúng tôi đến nhà ông Hồ Thoong (66 tuổi) – Trưởng bản Hà Vi, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và được ông lấy từ trong tủ ra một cuốn sách rất đặc biệt. Cuốn sách dài khoảng 50 cm, phía ngoài có hai thanh gỗ nhỏ dán lên miếng giấy ghi chữ  "Phôộc năng xừ" (có nghĩa sách lá), bên trong có 150 chiếc lá (150 trang) rộng chừng 5 cm được kết lại bằng hai sợi dây. Hỏi ông Hồ Thoong thì được ông bảo đó là lá cây Thốt Nốt, lá phải được ủ gần một năm trời xong đem đi sấy khô rồi làm phẳng. Còn loại mực để viết lên lá được trộn với mật của một số loài cá sống ở khe suối, khi viết mực sẽ không bị phai mờ.

Theo như lời ông Hồ Thoong chia sẻ thì những văn tự trong cuốn sách lá bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ từ Lào. Thuở xưa, do chưa có chữ viết nên họ dùng chữ cổ của Lào và ghi chép lối sống, văn hóa, lịch sử của mình vào trong những cuốn sách lá nhằm dạy lại cho đời sau.

img

Ông Hồ Thoong – Trưởng bản Hà Vi (xã biên giới Dân Hóa, huyện Minh Hóa) người còn lưu giữ cuốn sách lá của tộc người Khùa.

Ông Hồ Thoong nhớ lại: “Hồi chưa được học chữ quốc ngữ, ông nội có dạy về ngôn ngữ được ghi chép trong cuốn sách lá này. Tuy nhiên thời đó, bom đạn nhiều, lúc học chỉ có đèn le lói sáng, máy bay đi qua phải tắt không sẽ bị ném bom nên sợ quá không còn muốn học nữa. Ông nội cũng căn dặn đây là sách hiếm, sách của tổ tiên để lại, các cháu phải bảo quản nó thật tốt, phải đặt ở nơi khô ráo, không trưng ở ngoài nhà mà phải cất kĩ kẻo nhỡ bị mất, hư hại”.

Hiện trong bản chỉ có nhà ông Thoong còn lưu giữ được cuốn sách lá này. Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người Khùa phải đi di tản để tránh bom đạn nên họ cất giữ các cuốn sách lá vào trong hang dưới chân dãy núi Giăng Màn, rồi một thời gian sau mới quay lại lấy. Thời điểm ấy có nhiều người vào các hang để cất giữ các cuốn sách lá nhưng sau đó họ không quay lại lấy nên các cuốn sách đã bị mối làm hư hỏng.

img

Những văn tự được viết trong cuốn sách lá rất tỉ mỉ, từng đường nét thể hiện sự sắc sảo của người viết.

Tới giờ, ông Hồ Thoong chỉ biết rằng, hồi nhỏ ông nội của ông bảo sách chủ yếu viết nhằm để giáo dục con cháu cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, làm sao đừng phụ lòng cha, mẹ và có những vần thơ để dạy cách trao duyên giữa các đôi trai gái, còn nội dung cụ thể như thế nào vẫn chưa có ai thể dịch được.

“Mấy anh em người Khùa sống ở bên Lào sang chơi khi nhìn vào văn tự cổ trong cuốn sách không thể hiểu được nội dung gì. Một số nhà văn hóa cũng đến để tìm hiểu nhưng vẫn chưa giải mã được những gì viết trong cuốn sách cổ này” - ông Hồ Thoong bày tỏ.

Để hiểu rõ hơn về cuốn sách lá cổ này, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Thanh Dự - nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, người có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa lịch sử của vùng đất, con người Minh Hóa (Quảng Bình), ông Dự cho biết: “Phôộc năng xừ (sách lá) là cuốn sách đời xưa của người Khùa có học chữ Lào ghi ghép bằng tiếng Lào về những chuyện của người Khùa phản ánh, ca ngợi những vị anh hùng tài giỏi trong đánh giặc, giúp dân, cứu nước và cả những mối tình vợ chồng thủy chung, son sắt, anh em thuận hòa...”.

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Đinh Thanh Dự cũng chia sẻ thêm: “Lúc trước, có nhiều cuốn sách lá nhưng nay đã bị thất lạc, có lần tôi gặp cố Hồ Phòm, cụ Hồ Kết, cụ Hồ Uôn được họ dịch lại cho một số câu chuyện trong sách lá này nhưng nay các cụ đã mất. Tôi chỉ ghi chép lại một số câu chuyện đó trong cuốn ‘Văn hóa dân gian Bru - Vân Kiều, Chứt ở Quảng Bình tập 1’, còn để hiểu hết về cuốn Phôộc năng xừ thì còn nhiều điều lắm, chứa những giá trị đặc sắc khác nữa chưa thể lý giải hết”. 

“Bà con người Khùa còn lưu giữ một cuốn sách lá từ thời xưa đang được ông Hồ Thoong cất giữ. Nay, những văn tự trong đó vẫn còn là điều bí ẩn và người Khùa luôn mong một ngày tìm được lời giải” - ông Hồ Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hóa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem