Bí ẩn tàu ngầm hạt nhân Liên Xô 2 lần bị chìm: Mỹ không cần đánh cũng thắng?

Chủ nhật, ngày 20/10/2019 14:32 PM (GMT+7)
Một trong nhiều sự kiện đáng chú ý nhất của thời Chiến tranh Lạnh là các tai nạn tàu ngầm, đặc biệt là của Hải quân Liên Xô.
Bình luận 0

Trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, Liên Xô đã cố gắng duy trì một quân đội có khả năng "đánh bại thế giới" với một nền kinh tế "hạng hai". Liên Xô đã phải "vật lộn" để duy trì kho vũ khí chiến tranh.

Trong nỗ lực này, các thủy thủ đoàn tàu ngầm Liên Xô thường phải trả giá bằng mạng sống của họ. Nhưng chỉ có một chiếc tàu ngầm "may mắn" bị chìm tới hai lần.

Tàu ngầm K-429 của Hải quân Liên Xô

Lớp tàu ngầm Project 670 Skat (Định danh NATO: Charlie) là lớp tàu ngầm tên lửa hành trình (SSG) thứ ba do Liên Xô triển khai và là lớp thứ hai sử dụng động cơ hạt nhân (SSGN).

Hải quân Liên Xô dự kiến ​​sẽ sử dụng các tàu ngầm SSG và SSGN cho việc tấn công các mục tiêu trên bộ của Hoa Kỳ, chủ yếu là các thành phố và căn cứ hải quân, với vũ khí mang đầu đạn hạt nhân và vũ khí thông thường.

Các tên lửa hành trình thời đó còn thiếu các cơ chế dẫn đường tinh vi, khiến các cuộc tấn công chống lại mục tiêu nằm sâu trong nội địa là không thể.

Theo thời gian, sự cải tiến của công nghệ dẫn đường radar (cũng như cải tiến công nghệ tên lửa đạn đạo) cho phép Liên Xô đánh giá lại việc sử dụng tên lửa hành trình.

Lớp tàu ngầm Echo II, tiền thân của Charlie, được thiết kế tập trung với nhiệm vụ chống hạm. Được thiết kế vào đầu những năm 1960, Charlie được đưa vào sử dụng vào cuối năm 1967.

img

Một tàu ngầm thuộc lớp Echo II (Project 659/Project 675), tiền thân của lớp Charlie (Project 670).

Với trọng lượng khoảng 4.900 tấn và có khả năng di chuyển 24 hải lý/giờ (44 km/giờ), các tàu ngầm Project 670 có khả năng khai hỏa tên lửa cận âm 4K66 P-70 Ametist (NATO: SS-N-7 Starbright) có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kiloton với tầm bắn lên đến 56 km.

Đây không phải là một khoảng cách an toàn do nằm trong tầm của chiến thuật Chiến tranh chống tàu ngầm (ASW) của một cụm tác chiến tàu sân bay hoặc các vũ khí săn ngầm của NATO.

Tuy nhiên, khả năng bắn tên lửa từ dưới nước của các tàu Project 67 đã khiến các nhà hoạch định NATO phải đau đầu.

Là chiếc thứ 10 trong lớp Project 670, K-429 được đưa vào trang bị vào tháng 9/1972 trong Hạm đội Thái Bình Dương đóng tại tại Petropavlovsk.

img

Lớp tàu ngầm Project 670 cỏ hai biến thể được NATO định danh là Charlie-I và II. K-429 là một chiếc Charlie-I

Lần chìm đầu tiên

Sau hơn 10 năm hoạt động, đầu năm 1983, K-429 được đưa vào đại tu, tuy các thủy thủ rời đi nhưng tên lửa hạt nhân và ngư lôi vẫn ở trên tàu.

Vào mùa xuân năm 1983, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô tăng cao, ngoài việc hỗ trợ du kích chống Liên Xô ở Afghanistan, Hoa Kỳ đã bắt đầu "thử nghiệm" các tuyến phòng thủ trên không và trên biển của Liên Xô dọc theo biên giới rộng lớn của nó.

Vào tháng 4/1983, Hải quân Hoa Kỳ và một số đồng minh đã bắt đầu Fleetex 83, một cuộc tập trận lớn ở Bắc Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận bao gồm các cụm tác chiến tàu sân bay USS Midway và USS Coral Sea, cũng như các tàu chiến mặt nước, máy bay và tàu ngầm bổ sung. Tại một số thời điểm, máy bay Mỹ đã vượt qua các hòn đảo vẫn còn đang tranh chấp giữa Liên Xô và Nhật Bản.

img

Các tàu sân bay Hoa Kỳ trong cuộc tập trận Fleetex 83.

Có lẽ một phần vì căng thẳng tăng cao, Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô đã ra lệnh cho K-429 khẩn cấp quay trở lại nhiệm vụ trước khi cuộc đại tu hoàn tất.

Thuyền trưởng Nikolai Suvorov vào thời điểm đó không kịp gọi trở lại thủy thủ đoàn của K-429 và vì vậy đã khởi hành (bị phản đối) với một thủy thủ đoàn "khẩn cấp" được lấy từ nhiều tàu ngầm khác nhau, bao gồm 120 người và 2 thuyền trưởng.

Rất ít người trên K-429 quen thuộc với các hệ thống của nó.

Thảm họa sau đó hoàn toàn có thể dự đoán được. Thuyền trưởng Suvorov không biết rằng quá trình đại tu đã khóa hệ thống thông gió. Các trang thiết bị trên tàu không được thiết lập đúng cách, và cuối cùng là thủy thủ đoàn có ít kinh nghiệm với tàu ngầm và cả với nhau.

Khi thuyền trưởng đã ra lệnh lặn thử nghiệm, kết quả là một khoang của tàu bắt đầu bị ngập. Phản ứng với sự cố chậm vì sự thiếu kinh nghiệm của thủy thủ đoàn, và 14 người đã chết. Ngay sau đó, tàu ngầm đã nhanh chóng chạm đáy, nằm cách mặt biển khoảng 160 feet (gần 50 mét).

Thuyền trưởng Suvorov ban đầu hy vọng rằng tàu ngầm bị chìm sẽ được căn cứ hải quân phát hiện và cứu hộ, nhưng sau vài giờ tình hình đã trở nên đáng lo ngại. Nhiệt độ ở các một số bộ phận của tàu đã lên tới 120 độ và một trong những hệ thống pin năng lượng chính đã phát nổ.

img

Bản vẽ thiết kế của các tàu ngầm lớp Project 670 Skat (NATO: Charlie)

Thuyền trưởng yêu cầu các thủy thủ tình nguyện bơi lên mặt nước, và nhanh chóng thông báo về hoàn cảnh của tàu với bên ngoài.

Hai thủy thủ đã thoát qua khoang ngư lôi, bơi về đất liền và bị bắt ngay lập tức vì nghi ngờ là gián điệp. Vài giờ sau, một đội cứu hộ đã đến; thợ lặn đã vào thuyền, cung cấp cho thủy thủ đoàn đủ thiết bị lặn, và giải cứu hầu hết những người còn lại.

Ba tháng sau, Suvorov và một trong những chỉ huy dưới quyền bị bắt, xét xử và bị kết án vì vi phạm các quy tắc của hạm đội và khiến 16 người trong thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Suvorov nhận bản án 10 năm tù. Công chúng Nga chỉ biết về vụ tai nạn vào những năm 1990 còn thủy thủ đoàn ban đầu của K-429 chỉ phát hiện ra khi sự việc khi họ trở về cảng mà không tìm thấy tàu ngầm.

img

Một tàu ngầm thuộc lớp Project 670 Skat

Lần chìm tầu thứ hai

K-429 đã không bị thiệt hại nặng tới mức không thể khắc phục, do đó sau khi được trục vớt nó đã được tân trang, sửa chữa và trở lại phục vụ.

Tuy nhiên vào tháng 9/1985, tàu lại bị chìm ngay tại cảng với một thủy thủ thiệt mạng.

Nguyên nhân của vụ chìm thứ hai vẫn còn mơ hồ, nhưng dường như không liên quan đến sự cố đầu tiên.

K-429 một lần nữa được trục vớt, nhưng nó không còn được trở lại biển sâu một lần nào nữa. Trong thời gian còn lại trước khi Liên Xô sụp đổ, nó phục vụ như một tàu ngầm huấn luyện.

Vào những năm 1990 nó đã bị loại bỏ cùng với các anh chị em thuộc lớp Project 670 của mình.

Chiến tranh Lạnh đã buộc Liên Xô phải cạnh tranh với Hoa Kỳ, một quốc gia có lợi thế lớn về giao thông và cơ sở hạ tầng.

Trong những điều kiện này, các công nhân, binh lính và thủy thủ của Liên Xô đã làm tốt nhất có thể.

Nhưng áp lực to lớn của Chiến tranh Lạnh chắc chắn đã tạo ra những tai nạn, thường là trong các hệ thống tiên tiến.

Nói cách khác, K-429 bị chìm lần đầu tiên vì giới lãnh đạo Liên Xô quá lo lắng về lợi thế quân sự của Mỹ, và sau đó lại chìm lần thứ hai vì thiếu các nguồn lực để duy trì các căn cứ hải quân cơ bản.

PV (Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem