Khác với Lão Tử chủ trương "thanh tĩnh vô vi", Khổng Tử chủ trương "tự cường bất tức" - phấn đấu không ngừng nghỉ, tuân theo sự vận hành của trời đất. Cả đời Khổng Tử mang hoài bão cải cách xã hội bằng Nho giáo, xây dựng chế độ có tôn ti trật tự theo định chế thuyết Chính danh bằng "đức trị". Ông cùng các đệ tử đi khắp các nước để truyền bá tư tưởng mình, dù gặp nhiều gian khổ và không được trọng dụng vẫn không nản lòng.
Gần 70 tuổi ông mới về quê chú tâm san định kinh Thi, kinh Thư; định lại kinh Lễ, kinh Nhạc; làm kinh Xuân Thu. Cả đời Khổng Tử thành tâm thành ý phấn đấu không ngừng cho lý tưởng cải tạo xã hội trở nên "đại đồng", nhờ đó mà ông đạt được cảnh giới "vui sướng quên ăn, không hay tuổi già tới".
Khi đã lập chí thì kiên quyết thực hiện, lạc quan đi tới, tin tưởng vào bản thân. Trong quá trình bôn ba liệt quốc, Khổng Tử nhiều phen khốn đốn, bị hãm hại ở đất Khuông, bị vây và tuyệt lương ở nước Trần, nước Thái… nhưng ông vẫn lạc quan, không thoái chí, thản nhiên đọc sách, gảy đàn. Môn sinh Tử Lộ tức giận hỏi: "Người quân tử cũng có lúc khốn cùng ư?", Khổng Tử đáp: "Người quân tử lúc khốn cùng thì giữ vững chí, kẻ tiểu nhân lúc khốn cùng thì làm bậy".
Khổng Tử.
Khổng Tử không ham phú quý, biết an bần lạc đạo. Ông bảo: "Ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, trong cảnh đó cũng có cái vui". Nhưng "làm điều bất nghĩa mà được giàu sang thì ta coi như mây nổi". Ông rất khen Nhan Hồi là một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẻm, người khác ưu sầu không chịu nổi cảnh khốn khổ đó mà Nhan Hồi vẫn không đổi niềm vui.
Thường xuyên vận động
Người có chí tiến thủ không thể chấp nhận sự lười biếng. Trong Luận ngữ có lần Khổng Tử mắng đệ tử Tể Dư hay ngủ ngày cũng như "gỗ mục không thể chạm trổ được".
Khổng Tử rất chú trọng rèn luyện cơ thể. Trong "giáo trình" dạy học của ông, mục đích là làm cho học trò tinh thông "lục nghệ", lập được "tam đức" chứ không phải học vẹt. "Lục nghệ" gồm Lễ (lễ tiết), Nhạc (âm nhạc), Xạ (bắn cung), Ngự (đánh xe), Thư (thư pháp), Số (toán số).
"Tam đức" là Nhân (nhân ái), Trí (tri thức), Dũng (dũng cảm). Như vậy có thể thấy tôn chỉ giáo dục của Khổng Tử bao quát cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Đọc Luận ngữ, ta thấy Khổng Tử thường cùng học trò du ngoạn nhiều nơi, luận về phép bắn cung của người quân tử, thích bơi lội ở sông Nghi, hóng mát ở đền Vũ Vu, leo núi Cảnh Sơn, Thái Sơn... Ngày nay, trên núi Thái Sơn còn có tòa bia ghi dấu "Nơi Khổng Tử đã đến".
Tu đức dưỡng thân
Khổng Tử nhiều lần nói đến "Nhân giả thọ" (người nhân thì thọ), "Đại đức tất thọ" (Có đức lớn thì thọ)… Nhân là thương yêu người, tạo phúc cho dân, rộng rãi bao dung, việc mình không ưa thì không làm cho người, mình muốn thành đạt thì giúp cho người thành đạt.
Ông nói: "Quân tử lòng lồng lộng, tiểu nhân lo ngay ngáy", cho rằng người quân tử tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện nhân cách, tâm địa quang minh, lấy nhân đãi người thì tinh thần thoải mái, tà khí khó nhập, khoẻ mạnh sống lâu. Tiểu nhân thì ngược lại, do tâm địa bất chính, hại người lợi mình, hao tâm tổn thần nên khó được thọ. Muốn lập đức thì phải dứt tham lam, bỏ ham muốn riêng tư, dục vọng càng nhiều thì tai họa càng lớn, vì thế Khổng Tử đưa ra quan điểm "Vô dục tắc cương" - không dục vọng thì mạnh mẽ, cang cường.
Người nhân thương người nhưng sáng suốt (trí) chứ không mù quáng. Đệ tử Tể Ngã hỏi: "Nếu có kẻ đến nói rằng có người rơi xuống giếng, vậy nhà nhân đức có nhảy xuống giếng cứu không?", Khổng Tử đáp: "Sao lại làm thế? Nên tới đó mà tìm cách cứu chứ nhảy xuống để mất mạng sao. Người quân tử có thể bị gạt bởi lời nói có lý chứ không thể mắc lừa vì lời mê muội vô lối".
Cẩn thận giữ mình
Có 3 điều mà Khổng Tử thận trọng nhất là: Trai giới, chiến trận và bệnh tật. Khi đến kỳ trai giới để tế tự, ông đổi món ăn và chuyển nơi ngủ để giữ mình trong sạch, giao cảm với thần minh. Việc chiến trận ông suy tính rất cẩn trọng vì liên quan đến sinh mạng dân chúng. Khi có bệnh thì ông lo chữa trị ngay và cẩn thận trong việc dùng thuốc. Có quan đại phu Quý Khang Tử tặng thuốc uống, ông vái nhận nhưng nói: "Khâu này chưa hiểu tính thuốc nên không dám thử".
Có 3 điều Khổng Tử răn phải đề phòng, gọi là "Quân tử tam giới". Đó là lúc còn nhỏ, khí huyết chưa định, phải đề phòng chuyện sắc dục. Khi trưởng thành, khí huyết mạnh mẽ, phải đề phòng chuyện tranh cường gây sự. Khi tuổi già, khí huyết đã suy, phải đề phòng chuyện tham lam vô độ.
Có 3 cái chết mà Khổng Tử cho là "bất đắc kỳ tử" (oan mạng) là chỗ ở không thích hợp, ăn uống không điều độ, lao lực quá sức.
Y phục hợp thời
Trong Luận ngữ, thiên Hương đảng chép, Khổng tử không mặc y phục màu "cám" và màu "tru" (cả hai màu đó đều xanh đậm pha màu hồng, màu tru tối hơn và đều giống màu huyền là màu của lễ phục); y phục thường ngày không dùng màu hồng và màu tía (vì không phải chính sắc).
Họa đồ Khổng Tử dạy học.
Mùa nực, bận áo đơn bằng vải mỏng ở ngoài áo lót. Mùa rét, mặc áo đen ở ngoài với áo lông nghê (hươu con, lông trắng) ở trong; hoặc áo dài vàng ở ngoài với áo lông chồn màu vàng ở trong. Áo lông tuy dài, nhưng tay áo bên phải ngắn hơn bên trái (để tiện làm việc). Khi ngủ phải có áo ngủ dài gấp rưỡi thân người. Có nệm ngồi bằng da con chồn, con lạc dày. Cởi bỏ tang phục rồi, thì những đồ lặt vặt dắt vào dây lưng. Không phải là lễ phục, thì quần cắt ngắn bớt đi. Đi điếu tang, không bận áo lông dê đen, không đội mũ đen.
Cẩn trọng lời ăn tiếng nói
Khổng Tử ở làng xóm thì cung thuận, tựa như không biết ăn nói; ở tại tôn miếu, triều đình thì biện luận rành rẽ mà rất cẩn thận. Ở triều đình, nói với các quan hạ đại phu thì hòa nhã vui vẻ; nói với các quan thượng đại phu thì nghiêm túc, chính trực. Khi vua lâm triều thì ông cung kính, có vẻ như không an tâm, không mất vẻ uy nghi.
Chú trọng ẩm thực
Giáo sư Diêu Chấn Lê của Trường Đại học Trung ương Trung Quốc là người chuyên nghiên cứu các thư tịch cổ về phương diện dưỡng sinh. Bà phát hiện thấy trong bộ Luận ngữ ghi chép những lời nói, việc làm của Khổng Tử, chữ "chính" (chính sự, chính trị) xuất hiện 41 lần, còn chữ "thực" (ăn, thức ăn) cũng xuất hiện 41 lần, trong đó có 30 lần có nghĩa là "ăn".
Lễ bái trước Khổng miếu.
Trong "ẩm thực quan" của mình, Khổng Tử rất chú trọng đến vấn đề vệ sinh thực phẩm. Trong thiên "Hương đảng" ghi có đến 13 tình huống mà Khổng Tử "không ăn" như: thức ăn hẩm thiu; thịt hôi cá ươn; còn sống hoặc quá chín; thức ăn đổi màu; mùi vị khó ngửi; nấu không đúng cách; cắt chặt bừa bãi; món ăn trái mùa; thức ăn không có đồ chấm… Thích ăn cơm gạo giã, thịt cá làm gỏi. Không ăn thịt nhiều hơn cơm, không ăn no, không ăn thịt tế quá 3 ngày, không dùng rượu và nem bán ngoài chợ. Mỗi bữa thường hay ăn ít gừng. Chỉ có rượu là không hạn lượng nhưng không để say.
Tế ở công miếu rồi, được phần thịt thì ông phân phát ngay, không để cách đêm (vì thịt tế vào buổi sáng thì làm vào hôm trước, nếu để cách đêm nữa, qua ngày hôm sau là ba ngày, thịt ôi đi). Thịt cúng tổ tiên, không để quá ba ngày, quá ba ngày thì không ăn. Khi ăn, không đàm luận, khi ngủ không nói chuyện. Tuy là cơm thô, canh rau, mà trước khi ăn cũng cung kính như lúc trai giới.
Vua ban cho thức ăn đã nấu chín thì ông lên ngồi giữa chiếu mà nếm trước. Vua ban cho thịt tươi thì cho nấu chín, cúng tổ tiên rồi mới ăn. Vua ban cho động vật còn sống thì nuôi. Hầu cơm vua, khi vua rót rượu vái tổ tiên, ông nếm thử thức ăn trước, như mình có trách nhiệm săn sóc món ăn.
Cách ăn uống, sinh hoạt của bậc thánh nhân từ 2.500 năm trước đến nay, có vẻ như vẫn còn nguyên giá trị?
Thiên Tường (An Ninh Thế Giới)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.