Bí ẩn vườn dược liệu quý của Đức thánh Trần

Thứ ba, ngày 13/12/2011 18:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hỏi về nghề thuốc ở thôn Dược Sơn, ông Đinh Văn Lịch thoáng buồn. Ông bảo, bây giờ tân dược đến tận làng, tận xóm nên chả ai buồn dùng thuốc Nam nữa. Chính vì thế nên nghề thuốc ở đây mai một, chẳng ai theo...
Bình luận 0

Nuối tiếc

Trừ quãng thời gian trong quân ngũ thì cả đời ông Lịch gắn bó với núi thuốc Dược Sơn này. Suốt những năm tháng đó, ông đã vạch từng búi cây, ngọn cỏ để thống kê xem số lượng vị thuốc mà người xưa để lại. Theo đó thì ông đã tìm thấy trên ngọn núi này cả thảy 330 vị thuốc khác nhau. Mỗi cây, mỗi củ có một công dụng chữa những chứng bệnh mà con người, thậm chí cả vật nuôi thường hay mắc phải.

img
Đền thờ Nam Tào trên đỉnh Dược Sơn.

Cũng có những loại được liệt vào nhóm cực kỳ quý hiếm, không nơi nào có và có thể dùng để điều trị những bệnh hiểm nghèo. Những bệnh ấy, theo như ông Lịch nếu dùng thuốc Tây thì hao tài tốn của vô cùng mà chưa chắc bệnh tình đã giảm.

Nhiều đoàn nghiên cứu về Nam dược đã đến hỏi ông về những vị thuốc mà ông đã tìm thấy ở đây, nhưng ông bảo, ông chỉ công bố một nửa, còn lại là... bí mật gia truyền, không để lộ ra ngoài được. Những vị thuốc mà ông tìm thấy, có loại có tên, nhưng có loại ông cũng không biết tên là gì, chỉ biết nó có thể chữa khỏi chứng nọ bệnh kia. Thường thì ông căn cứ vào màu sắc, hình dáng, tính năng để tự đặt tên cho chúng.

Bây giờ, theo ông Lịch thì diện tích cây thuốc trên núi đã bị thu hẹp nhiều do quá trình xâm canh, xâm cư của người dân. Bởi mưu sinh, nhiều người đã lên núi để khai hoang, trồng sắn, vải, chè. Và, quá trình xâm lấn ấy đã khiến nhiều vị thuốc cực quý tuyệt tích.

Tiếc nuối và đau xót nhất là 2 vị thuốc mà theo như ông Lịch thì nếu còn, dân ở đây đã đều thành tỷ phú. Hai vị thuốc đó có thể chữa những bệnh đang khiến y khoa thế giới dày công nghiên cứu, bào chế mà chưa có kết quả tối ưu đó là bệnh "trên bảo dưới không nghe" thường thấy ở nam giới.

Vị thuốc thứ nhất là loại cây cho củ, có cái tên không được nhã nhặn cho lắm. Bởi nó giống bộ phận sinh dục của đàn ông nên người dân ở đây lấy luôn tên ấy để đặt cho củ thuốc. Ông Lịch bảo, thời xưa, những cây này thường thấy ở trên đỉnh núi này, dưới những bóng cây cổ thụ lừng lững. Củ của loại cây này lấy đúng tuổi, đúng ngày sao lên, ngâm rượu, uống chừng nửa chén là... biết mặt ngay.

Vị thuốc thứ 2 là củ duyên ương. Cũng giống như loại củ đã nói ở trên, củ duyên ương cũng có tác dụng làm đời sống phòng the thêm mặn nồng, bỏng cháy. Ông Lịch bảo, theo các cụ truyền lại thì 2 vị thuốc này trước đây ngự y trong triều thường cho người về tìm lấy để giúp đấng quân vương thêm phần oai dũng. Tuy nhiên, cách đây chừng trên dưới 50 năm thì không thấy 2 loại củ có hình dáng tuy xù xì nhưng vô cùng được việc này nữa. "Mất 2 vị thuốc trên là mất cả một gia sản khổng lồ!" - ông Lịch nói đầy tiếc nuối.

Bí ẩn chưa có lời giải

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lịch cho biết, tuy hiện tại ông đã tìm thấy cả thảy 330 cây thuốc ở trên núi, nhưng đó là điều tra chưa đầy đủ. Theo nhận định của ông lão cả đời gắn bó với núi thuốc này thì ở đây còn nhiều loại cây có khả năng chữa bệnh nữa mà ông chưa phát hiện ra. Tuy nhiên, trong số vị thuốc ông đã tìm thấy, có nhiều loại cây đang ngày một hiếm dần và có khả năng mất tích sau vài ba năm nữa.

Trước nguy cơ trông thấy đó, ông đã đưa nhiều loại cây về trồng ở vườn nhà mình để tiện bề chăm sóc, giữ gìn. Tuy nhiên, có loại cây thì sống được khi di cư sang nơi ở mới, nhưng có loại cây khi xa chốn cũ thì héo tàn ngay, không cách nào cứu được dù ông đã đêm ngày chăm sóc tận tình.

Theo kết quả phân tích thổ nhưỡng các mẫu đất đá ở các độ sâu khác nhau do Trường ĐH Nông nghiệp I thực hiện, đất đồi núi Dược Sơn là đất pha cát sỏi, cuội đỏ, đá vàng; thành phần cơ giới là đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất hơi chua hoặc trung tính, hơi nghèo, độ mùn trung bình; lượng lân và kali trung bình, có tầng đất dày nên tổng dinh dưỡng cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo ông Lịch thì đến bây giờ ông vẫn không thể lý giải tại sao những cây thuốc đó chỉ có thể sinh trưởng ở núi Nam Tào mà không thể dời đi nơi khác. Hỏi tiền nhân thì tiền nhân bảo, núi Nam Tào có linh khí của đất trời. Xa núi ấy, hồn vía cỏ cây không còn nữa nên dù có chăm bẵm tới đâu thì cây vẫn úa tàn mà theo gió về trời.

Ông Lịch bảo, chuyện này nghe cứ huyễn hoặc, khó tin nhưng chưa tìm ra cách lý giải nào thuyết phục hơn nên cứ tạm cho là vậy.

Ông Vũ Chí Phủng - Trưởng thôn Dược Sơn cũng có băn khoăn giống như ông Lịch. Theo ông Phủng thì tuy nằm chung một dải đất, nhưng bất cứ cây gì trồng ở Dược Sơn đều là đặc sản, còn trồng ở nơi khác dù cách đó vài trăm mét thì chỉ xếp hạng hai, thậm chí chẳng ra gì.

Củ sắn trồng ở Dược Sơn ăn béo, bùi, thơm hơn sắn ở đồi nhà. Quả vải ở Dược Sơn hạt nhỏ, ngọt dịu chứ không khé như vùng thấp. Thậm chí, cây chè ở núi đó cũng cho nước thơm, xanh hơn những cây chè người dân vẫn trồng quanh nhà hay mua về từ nơi khác. Ông Phủng cũng không biết tại sao lại vậy.

Theo ông Phủng thì trước đây đã có vài đoàn nghiên cứu đến thôn để điều tra, tìm hiểu và đề xuất hướng khôi phục vườn thuốc quý này. Thậm chí, có doanh nghiệp làm thuốc còn định đầu tư để biến "Dược lĩnh cổ viên" thành nơi cất giữ, phát triển những cây thuốc Nam quý hiếm. Thế nhưng, đến giờ những dự định, dự án đó vẫn chưa thành hiện thực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem