Bị cáo bỏ trốn trước giờ xét xử sẽ bị xử lý thế nào?
Quỳnh Nguyễn
Thứ sáu, ngày 19/06/2020 19:25 PM (GMT+7)
Theo luật sư Diệp Năng Bình, việc một bị cáo bỏ trốn trước khi phiên tòa diễn ra tại TAND quận Hà Đông (Hà Nội) đã cấu thành tội danh quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngày 18/6, Công an quận Hà Đông đã thông tin lên Công an TP.Hà Nội về việc một bị cáo trốn thoát trong khi dẫn giải lên phòng xét xử của Tòa án nhân dân quận Hà Đông để mở phiên xét xử.
Được biết, bị cáo này là Nguyễn Văn Trung (SN 1983 trú tại tổ 7, phường La Khê, quận Hà Đông) là đối tượng cộm cán tại địa bàn, có nhiều tiền án, tiền sự.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, việc trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử được hiểu là hành vi của người đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang có mặt tại phiên tòa xét xử (vụ án hình sự) đã dùng mọi thủ đoạn để thoát khỏi sự quản lý, giám sát của người có trách nhiệm một cách trái phép.
Người bị giam, giữ phải là người đã có quyết định (lệnh) bắt tạm giữ hoặc tạm giam và còn trong thời hạn giam giữ hoặc tạm giam) hoặc quyết định thi hành án (nếu là người bị kết án).
Tội phạm này được thể hiện qua hành vi của người đang bị giam, giữ, bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử (tại nơi mở phiên tòa) đã dùng mọi thủ đoạn để thoát khỏi sự quản lý của người canh gác, quản lý, dẫn giải.
Các thủ đoạn được thực hiện có thể là: lợi dụng sự sơ hở của người canh gác, quản lý, dẫn giải rồi lén lút trốn khỏi nơi giam, giữ, trên đường bị dẫn giải hoặc bỏ trốn tại phiên tòa xét xử; lừa dối người canh gác, dẫn giải như giả vờ đau bụng xin người dẫn giải cho đi vệ sinh sau đó bỏ trốn… hoặc dùng vũ lực làm tê liệt sự kháng cự của người canh gác, dẫn giải để bỏ trốn.
Người bị giam, giữ, là người đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang bị giam để chấp hành hình phạt ở các trại giam, trại lao động, cải tạo, đang có mặt tại nơi mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Người đang bị dẫn giải là người bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang lao động cải tạo đang trên đường đi từ địa điểm này đến địa điểm khác dưới sự giám sát của người có thẩm quyền như trên đường đưa đi lao động, đến nơi mở phiên tòa xét xử…
Theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực 01/01/2018) thì: Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.
Theo luật sư Bình, căn cứ vào quy định trên thì nếu bắt được Trung, bị cáo sẽ bị điều tra, truy tố xét xử theo quy định của pháp luật. Với tội danh trước đó và hành vi bỏ trốn trước khi diễn ra phiên toà, việc gộp lại hay tách ra để xét xử sẽ do các cơ quan tố tụng quyết định. Trong trường hợp một người phạm nhiều tội, được xét xử trong cùng 01 lần thì Tòa án quyết định hình phạt với từng tội và tổng hợp theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.