Bị chê nhỏ và độc, cá nóc đứt gánh xuất ngoại

Thứ ba, ngày 18/01/2011 18:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khánh Hòa, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đang tắt dần niềm hy vọng xuất khẩu cá nóc khi đối tác Hàn Quốc tự dưng ngừng thu mua vì bị chê là kích cỡ nhỏ và quá độc (?!).
Bình luận 0

DN sống dở, chết dở

Một năm trước việc được trở thành địa phương cung cấp cá nóc xuất khẩu đi Hàn Quốc đã mang lại niềm vui và hy vọng cho hai tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa. Đầu mối mua cá nóc xuất khẩu duy nhất tại Việt Nam là Công ty Korea Poseidon Seafood (Poseidon).

 img
Ông Kim Young Sik - Tổng Giám đốc Poseidon: “Cá nóc Việt Nam ít khi đạt kích cỡ và chất lượng yêu cầu cho xuất khẩu”.

Bà Nguyễn Ngọc Phượng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi rất kỳ vọng con cá nóc xuất khẩu sẽ gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp và ngư dân trong tỉnh. Kiên Giang đã nhanh chóng cấp chứng nhận đủ điều kiện khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc cho 77 tàu thuyền, 4 cơ sở và 1 công ty.

Từ tháng 8-2010 đến nay, Kiên Giang đã mua 90,2 tấn cá nóc, nhưng mới xuất 22 tấn thì không hiểu sao phía Hàn Quốc ngừng mua. Mấy tỷ đồng cá nóc tồn kho không biết giải quyết làm sao”.

Ông Nguyễn Vũ Phương - đại diện Công ty TNHH Mai Sao, đơn vị còn tồn đọng 57 tấn cá nóc (trị giá 2 tỷ đồng) không xuất khẩu được, bức xúc: “Chúng tôi vừa bị chôn vốn, vừa mất cơ hội kinh doanh các mặt hàng khác, lại vừa phải trả lãi vay ngân hàng, khó khăn chồng chất”.

Còn ông Đào Công Thiên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa thở phào: May mà chúng tôi triển khai chậm, nếu nhanh nhảu chắc cũng đang sống dở, chết dở như Kiên Giang!

Cá nóc VN nhỏ và quá độc?

Theo Hội Nghề cá VN, nước ta hiện có 50 loài cá nóc, trong đó 15 loài có thể sử dụng làm thực phẩm, trữ lượng ước tính 37.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở vùng biển miền Trung (chiếm 45%), vùng biển Tây Nam bộ (chiếm 21%)... Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án “Thí điểm mở rộng và nâng cao về khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc” vốn đầu tư cho đề án là 45 - 50 tỷ đồng.

Theo đề án nói trên, trong giai đoạn 2010 - 2012, chế biến cá nóc sẽ đạt sản lượng khoảng 800 - 1.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 4 - 10 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho 600 - 1.000 lao động. Đình Thắng

Trả lời về việc ngừng thu mua cá nóc, ông Kim Young Sik - Tổng Giám đốc Poseiddon cho biết:

“Do chất lượng và kích cỡ của cá nóc Việt Nam không đạt chuẩn nên lô hàng 22 tấn đầu tiên đưa qua Hàn Quốc tiêu thụ rất chậm. Hơn nữa, cá nóc Việt Nam lại có độc tố cao, không thể dùng để ăn. Công ty chỉ có thể mua 100 tấn cá/tháng nhưng với điều kiện cá nóc phải đủ chuẩn về kích cỡ và chất lượng”.

Cách trả lời này làm cho cả bà Phượng và ông Phương rất nóng ruột, không biết “tương lai” cá nóc tỉnh nhà ra sao và số cá tồn kho gần 70 tấn ai “gánh”?

Có người cho rằng, sở dĩ việc xuất khẩu gặp trục trặc là do có sự độc quyền khi Bộ NN&PTNT chỉ giao cho mỗi Công ty Poseidon làm đối tác thu mua.

Ông Lương Lê Phương - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT giải thích, sở dĩ không giao cho nhiều đối tác cùng tham gia xuất khẩu cá nóc vì rất khó quản lý. Cá nóc là cá có độc tố, đã gây ra chết người khi ăn phải nên không thể chủ quan trong quản lý thu mua, sơ chế và tiêu thụ.

Theo ông Lương Lê Phương: “Không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào xuất khẩu cá nóc. Loại cá này không thể cho thu nhập cao hơn các loại cá khác. Chúng ta chỉ nên nghĩ rằng đang tận thu từ một loài cá vốn được coi là phế phẩm. Nghĩ như vậy sẽ không quá thất vọng với đề án này”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem