Dự báo cơn bão số 1 (bão Talim) gây tranh cãi, chuyên gia Trung tâm dự báo khí tượng nói gì?
Dự báo cơn bão số 1 (bão Talim) gây tranh cãi, chuyên gia Trung tâm dự báo khí tượng nói gì?
Nguyên An
Thứ tư, ngày 19/07/2023 19:50 PM (GMT+7)
Bão số 1 (bão Talim) được dự báo là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến miền Bắc trong vài năm gần đây. Thế nhưng thực tế bão không đi vào trực tiếp nước ta và đã có nhiều ý kiến cho rằng, cơn bão đã bị dự báo sai. PV Dân Việt đã trao đổi với Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia về vấn đề này.
Dường như tình trạng dự báo bão lũ chưa chính xác, nhiều khi quá mức thực tế như siêu bão, bão kỷ lục, bão mạnh chưa từng có,... nhưng thực tế những cơn bão đó lại nhanh chóng suy yếu, chuyển thành áp thấp nhiệt đới. Liệu đây có phải là hạn chế của máy móc hay trình độ của những người làm công tác dự báo?
Từ những dự báo bão, lũ chưa sát này đã mang lại những thiệt hại không hề nhỏ, tổn thất về về kinh tế như huy động lực lượng quân đội, công an, sơ tán hàng chục nghìn, trăm nghìn dân, tàu bè di dời vào bờ, sân bay đóng cửa… và đặc biệt là dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân trước những cơn bão kế tiếp.
Đây là những câu hỏi được đông đảo dư luận và bạn đọc quan tâm sau cơn bão số 1 vừa qua.
Trước những nhận định trái chiều của bạn đọc khi cho rằng cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia chưa làm tốt công tác dự báo của mình, trả lời Dân Việt, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ: "Không có ai mong những cơn bão mạnh đổ bộ vào vùng biển và đất liền của Việt Nam và gây ra những hậu quả nặng nề cả."
Theo ông Khiêm, dự báo cơn bão là một quá trình phức tạp. Dự báo bão dựa trên nhiều yếu tố như dữ liệu quan trắc, mô hình dự báo, và sự đánh giá từ các chuyên gia,..
Khi bão ở trên biển thì rất mạnh như bão số 1 (Talim) vừa rồi ở trên biển đạt cực trị vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15 nhưng khi vào đất liền thì gặp ma sát bão đã giảm cường độ, đây là theo quy luật và cũng là chuyện hết sức bình thường.
Liên quan đến công tác ứng phó với bão của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, ông Khiêm cho rằng việc huy động lực lượng hỗ trợ người dân trong phòng, chống bão lũ, di dời tàu thuyền về nơi tránh trú bão,... thực chất đây là bài toán rủi ro cũng giống như việc khi đi máy bay thì mình vẫn luôn luôn phải thắt dây an toàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của của chính mình.
Còn về mức độ dự phòng của các đơn vị liên quan thì ứng phó với bão, lũ vẫn luôn luôn phải trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó với những biến đổi thất thường bởi thiên tai vốn có tính chất bất thường. Bản thân chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng để khi xảy ra thì sẽ hạn chế tối thiểu được việc ảnh hưởng đến con người, đến tính mạng. Đây là quy định chung về cảnh báo thiên tai của thế giới. Hơn nữa, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra rất phức tạp cũng khiến công tác dự báo trở nên khó khăn hơn.
Sau khi vào Biển Đông, bão số 1 (bão Talim) có đường đi khá ổn định và hướng vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và được cho là sẽ gặp ma sát trên đất liền, rồi suy yếu. Song mô hình dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia lại cho bão "chạy" khá rộng, ảnh hưởng đến toàn vùng Bắc Bộ và có khả năng gây mưa từ 200-400mm. Việc dự báo được cho là khá an toàn này đã khiến thiệt hại không hề nhỏ cho ngư dân trên biển và người dân trên đất liền, khi 3 sân bay tại miền Bắc, trong đó có sân bay quốc tế Nội Bài phải đóng cửa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.