Chuyên gia khí tượng: Dự báo bão thiếu chính xác có thể dẫn đến tâm lý chủ quan
Dự báo cơn bão số 1, chuyên gia khí tượng: Dự báo thiếu chính xác có thể dẫn đến tâm lý chủ quan
Khánh Nguyên (ghi)
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 06:10 AM (GMT+7)
Liên quan đến những tranh luận xung quanh công tác dự báo cơn bão số 1 (Talim), theo chuyên gia ngành khí tượng thủy văn, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác dự báo để giảm sai số nhưng không thể kỳ vọng mọi diễn biến sẽ chính xác 100% như dự báo.
Liên quan đến những ý kiến trái chiều xung quanh công tác dự báo cơn bão số 1 (Talim), trao đổi với Dân Việt, GS.TS Phan Văn Tân - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn khí tượng, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần nâng cao chất lượng công tác dự báo để giảm sai số nhưng không thể kỳ vọng mọi diễn biến sẽ chính xác 100% như dự báo.
Dưới góc độ của một người nghiên cứu ngành khí tượng thủy văn, giáo sư đánh giá như thế nào về công tác dự báo bão số 1 (Talim)?
Qua theo dõi công tác dự báo cơn bão số 1 (Talim) tôi nhận thấy, đường đi của bão so với dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cơ bản ổn định, không có gì qua khác biệt, mức độ sai số vẫn trong phạm vi cho phép.
Cơ quan khí tượng cũng đưa ra hai khả năng, nếu đi qua biển thì bão sẽ mạnh lên nhưng trong trường hợp này bão Talim lại đi lẹm lên bờ mà khi bão đã đi vào đất liền thì suy yếu rất nhanh nên chúng ta có cảm giác không ảnh hưởng gì đến Việt Nam.
Ở đây, các chuyên gia khí tượng đưa ra kịch bản dự báo khoảng 80% bão Talim đổ bộ vào miền Bắc và là cơn bão có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây; khả năng thứ hai khoảng 20%, sau khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão sẽ men theo ven biển Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới TP Móng Cái với Trung Quốc. Với khả năng này, lượng mưa sẽ ít hơn.
Phải khẳng định rằng, khả năng ít hơn nhưng không có nghĩa nó không xảy ra. Như cơn bão Haiyan năm 2013 cũng từng được dự báo là "siêu bão" với 70% sẽ đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ, chỉ 30% bão ra đi dọc bờ biển và đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc. Cuối cùng, xác suất 30% đã diễn ra.
Qua theo dõi công tác dự báo bão mấy năm gần đây có thể thấy nhiều cơn bão được dự báo là "siêu bão" nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy và có thể có những tác động đến các vấn đề kinh tế - xã hội (ví dụ đã có 3 sân bay đóng cửa, nhiều tour, tuyến du lịch trên biển phải hủy để ứng phó bão số 1 Talim). Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
-Các thông tin dự báo bão dựa trên các thông tin quan trắc được và dựa trên mô hình dự báo trên thế giới. Khi cơn bão còn ở trên biển không ai ra đó quan trắc được mà chỉ dựa trên ảnh mây vệ tinh chụp xuống, khi vệ tinh chụp xuống mắt bão rất rõ nhưng chính xác ở vị trí nào lại là vấn đề khác. Do vậy, mọi mô hình dự báo đều có sai số, nếu thực tế có diễn ra đúng với dự báo thì theo tôi cũng chỉ là ngẫu nhiên.
Bản chất của công tác dự báo là như vậy, cho nên người sử dụng thông tin khí tượng phải biết bản chất của bản tin dự báo để phân tích, nói 20% không có nghĩa nó sẽ không xảy ra còn 80% là chắc chắn sẽ như vậy, ở đây các kịch bản đưa ra để quản lý rủi ro.
Có một thực tế, Mỹ đầu tư vô cùng lớn cho công tác dự báo nhưng không phải lúc nào dự báo cũng chính xác.
Với Việt Nam, mấy năm nay ngành khí tượng thủy văn được đầu tư xây dựng các trạm quan trắc mưa, vì dự báo mưa là khó nhất và quan trọng nhất vì nó tác động đến cuộc sống hàng ngày, còn bão thì mỗi năm chỉ có 10 - 12 cơn.
Trong những năm qua, ngành khí tượng thủy văn đạt được nhiều thành tựu nhưng bản chất của dự báo là khó nên có đôi lúc chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Nhưng ông có cho rằng từ những dự báo thiếu chính xác hoặc có sai số lớn dễ dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân?
- Nếu như việc dự báo có sai số lớn cứ lặp lại thì có thể khiến người dân mất niềm tin, dẫn đến chủ quan, điều này là có, do vậy phải cố gắng tránh dự báo sai, dự báo khống.
Dự báo sai thiệt hại sẽ rất kinh khủng về tài sản và tính mạng; bão vào hay một hiện tượng thiên tai xảy ra mà không dự báo được sẽ rất nguy hiểm. Dự báo khống là dự báo nó xảy ra mà không xảy ra thì dễ mất niềm tin, để cho người ta mất cảnh giác.
Theo ông, đâu là giải pháp để nâng cao chất lượng của công tác dự báo?
-Câu hỏi này phải là tầm nhìn của các nhà quản lý, bởi hiện tại nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác khí tượng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Muốn chọn cán bộ giỏi thì đầu vào phải giỏi nhưng cả nước hiện có 3 cơ sở đào tạo đại học ngành khí tượng tuy vậy số lượng sinh viên đăng ký tuyển sinh không được như kỳ vọng; đó là chưa kể chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ trong ngành còn thấp trong khi tính chất công việc lại rất vất vả.
Xin cảm ơn giáo sư!
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 17/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo, bão Talim dự kiến vào vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 10-11.
Với kịch bản này (khoảng 80%), Talim là bão đổ bộ miền Bắc có cường độ lớn nhất trong 3-5 năm trở lại đây. Khả năng cao bão sẽ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, hoàn lưu bao trùm gần hết Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An, gây mưa rất lớn từ đêm nay đến ngày 20/7. Bắc Bộ mưa khoảng 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa, Nghệ An 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Khả năng thứ hai khoảng 20%, sau khi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão sẽ men theo ven biển Trung Quốc và đi vào khu vực biên giới TP Móng Cái với Trung Quốc. Với khả năng này, lượng mưa sẽ ít hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.