Bi hài chuyện xuất khẩu lao động

Thứ năm, ngày 11/11/2010 16:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giấc mộng xoá nghèo-làm giàu bằng con đường đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Điện Biên vỡ tan như bong bóng. Họ kêu trời không thấu, bỏ lên rừng trốn nợ không xong, đành còng lưng gánh nợ trả dần…
Bình luận 0

 

img
Ông Bùi Đình Sản lục tìm những giấy tờ liên quan đến chuyến xuất ngoại của con trai.

“Rèn quân ra trận”

Dù quần quật đầu tắt mặt tối với đất với nương vườn, nhưng cuộc sống của gia đình ông Bùi Đình Sản ở đội 3, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên vẫn chẳng khấm khá lên được. Chí làm trai luôn thúc giục ông Sản phải tìm ra hướng mở cuộc sống cho con cái thoát khỏi cảnh nghèo.

Năm 2006, khi Công ty HANTEX có trụ sở tại Hà Nội về xã thông báo tuyển người đi XKLĐ tại Malaysia, ông Sản như mở cờ trong bụng: Vậy là không chỉ đời thằng con trai ông sẽ giàu có mà ngay cả cái phận của ông, của gia đình ông cũng “ít nhất thoát nghèo”.

Ông Sản kể: “Thằng Hoà con trai tôi tuy mới học hết phổ thông nhưng nó chăm chỉ, chịu khó lại rất sáng tạo. Cán bộ về tuyển người bảo mức lương trung bình bên đó nếu làm việc 8 giờ/ngày là từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng; nếu làm thêm ngoài giờ thì được 6-8 triệu là chuyện thường, mà nhiều việc để làm lắm. Nghĩ cái đời mình nghèo đến tóc bạc răng long nên dù rất thương nhớ nó, tôi vẫn quyết vay nợ gần 30 triệu đồng cho nó đi”.

Từ khi đăng ký đến khi máy bay cất cánh đưa Hoà rời Việt Nam là tròn 10 tháng trời chờ đợi với bao phấp phỏng, lo lắng. Hoà bảo: Thời gian chờ đợi ấy gia đình em rất căng thẳng. Miệng vẫn phải ăn nhưng không dám đi làm thuê vì sợ lỡ xảy ra tai nạn gì thì mất cơ hội.

Đã thế, bố em lại thường bắt em ăn ngon, ăn no vì sợ đến ngày đi lại không đảm bảo sức khoẻ. Mỗi khi em lo nghĩ không ăn được, bố lại giục: Mua thêm thức ăn về mà ăn cho ngon miệng, nay mai xuất khẩu sang bên đó lại làm bù, 3 năm bên ấy bằng cả 30 năm bên này con ạ. Đời bố con mình rồi sẽ khác thôi…

Tình riêng gác lại

Chồng mất sớm, chẳng có nhiều con cái như những gia đình khác nhưng bà Quàng Thị Ón ở bản Hồng Khoang, xã Thanh An, huyện Điện Biên vẫn quyết định vay nợ để lo cho đứa con trai duy nhất là Lò Văn Tiến (sinh năm 1987) đi XKLĐ.

“Ở tuổi nó trong bản người ta lấy vợ giúp mẹ làm nương được rồi. Nhà neo người nên cả nó và tôi cũng muốn thế. Nhưng nghĩ lại bây giờ mình chịu khổ một tý thì sau này sướng. Nhiều con em cán bộ, nhà khá giả trong xã, trong bản này cũng đi cùng đợt nên tôi động viên nó cứ để chuyện vợ con đấy, 3 năm nữa tính sau. Nghèo lấy vợ mới khó chứ đã giàu có thì lấy đâu chả được vợ đẹp, vợ ngoan ?” - bà Ón tâm sự về đứa con của mình.

Trước ngày lên đường đi XK, Tiến còn bớt lại 1 triệu đồng trong số tiền vay được để cho mẹ ở nhà nhờ người sửa lại cái mái nhà đã mục nát. Tiến hẹn với mẹ: “Cố chịu khổ vài năm nữa, con về sẽ xây nhà to cho mẹ khỏi lo trời mưa gió…”. Tiến đi rồi, bà Ón thở phào nhẹ nhõm: “Vậy là cũng bõ công mình vất vả chạy ngược xuôi vay tiền, học viết chữ “Ón” để ký tên vào giấy tờ vay nợ…

Cũng bởi tin ở ngày mai giàu có nhờ XKLĐ nên Lò Văn Tuấn (1985) ở bản Tọ Nọ, xã Ảng Tở, huyện Tuần Giáo lại “gửi vợ con cho ông bà nội chăm sóc, bán cái nhà đang ở để thêm tiền đi XKLĐ”.

Ông Lò Văn Tưởng - bố của Tuấn, nhớ lại: “Cơ hội bao đời mới có nên khi thấy cán bộ vận động đi XKLĐ là tôi đăng ký cho nó đi ngay. Vợ nó không muốn xa chồng, vừa vất vả, vừa thiếu thốn tình cảm. Thấy nó có vẻ lưỡng lự, tôi quả quyết: “Cứ lo làm giàu đi đã, chuyện vợ con để đấy khắc có người lo. Xa nhau vài năm, cứ coi như đi bộ đội, lúc về có cục tiền mua sắm đủ thứ thì có phải sướng cả vợ con không!?”.

Gạt dòng nước mắt tràn trên khuôn mặt sạm đen bởi nắng gió, chị Lò Thị Xuân (vợ Tuấn) sụt sùi:

“Chúng em lấy nhau mấy năm trời, bố mẹ hai bên giúp đỡ mới làm được cái nhà ấy. Khi chồng em quyết định đi XKLĐ, phải bán cái nhà ấy đi, em tiếc lắm! Sức em yếu ớt, con lại còn nhỏ, có muốn xa chồng đâu nhưng vì ai cũng bảo đi XKLĐ như đi cày nương, cày ruộng bằng trâu sắt, còn ở nhà làm mãi cũng chỉ như cuốc ruộng bằng tay, nghèo như bao nhà ở Tọ Nọ này thôi.

Em cũng muốn có nhà to, có tivi, xe máy như mọi người nên đành chấp nhận cho anh Tuấn bán nhà, vay nợ để đi. Mà có phải trai bản nào cũng được đi đâu, bố chồng em là trưởng bản mới lo được suất đi XKLĐ đấy chứ. Ai ngờ mới chỉ hơn tháng sau anh ấy đã trở về, với tấm thân gầy yếu và số nợ gần 30 triệu đồng. Vừa thương, vừa tức, em chỉ biết ôm anh ấy khóc thôi”.

“Lúc tuyển người đi XKLĐ thì thấy hết lượt cán bộ này đến cán bộ khác qua lại tuyên truyền, vận động, giúp làm thủ tục, cho vay tiền. Nay thất nghiệp trở về thì chỉ mỗi người đến đòi nợ là xuất hiện đều đặn - ông Lường Văn Biên, đội 1, Thanh Chăn, Điện Biên, có thân nhân đi XKLĐ cho biết”.

Kỳ II: Sống chết mặc bay

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem