Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong giai đoạn 1405 – 1433 dưới thời nhà Minh (1368 – 1644), thái giám đô đốc Trịnh Hòa (1371 – 1433) đã từng bảy lần thống lãnh những chuyến hải trình tới tận Đông Phi và Trung Đông.
Sử sách Trung Quốc thường gọi đó là các chuyến thám hiểm tìm kho báu với sự tham gia của hàng trăm con tàu mang kích thước khổng lồ, cùng thủy thủ đoàn lên tới 28.000 người và chở theo đầy của cải. Nhưng mục đích chính là nhằm phô trương sức mạnh lẫn sự giàu có của hoàng đế, cũng như để thiết lập ảnh hưởng thương mại hàng hải của Trung Quốc.
Trịnh Hòa đã dành tới 28 năm cuối của cuộc đời cho những chuyến đi như vậy (ông chết khi đang thực hiện hoặc ngay sau khi hoàn thành chuyến đi thứ bảy – vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc này). Sau khi Minh Thành Tổ (1360 – 1424) qua đời, hai vua mới là Minh Nhân Tông (1378 – 1425) và Minh Tuyên Tông (1398 – 1435) đã quyết định thu hẹp ảnh hưởng của nội thị (thái giám), đồng thời không còn mặn mà bảo trợ cho những cuộc phiêu lưu của hải quân. Thủy xưởng tại Nam Kinh, nơi đóng các con tàu khổng lồ thuộc hạm đội của Trịnh Hòa bị đóng cửa, bỏ hoang rồi dần chìm vào quên lãng.
Nếu những điều được ghi chép trong các tài liệu của Trung Quốc là đúng, tàu kho báu của Trịnh Hòa có kích thước thực sự khổng lồ – gồm 9 cột buồn và 4 boong, chở được 500 người cùng lượng hàng hóa cực lớn. Một số tàu được cho là dài tới 137 m và rộng 55 m – chí ít là gấp đôi những con tàu lớn nhất châu Âu cùng thời. Thậm chí có người còn tin chúng phải dài khoảng 180 m. Tuy nhiên, không ít học giả hiện đại đã phản bác rằng tàu của Trịnh Hòa không thể lớn như vậy vì chúng đã đạt tới giới hạn của việc đóng tàu bằng gỗ, chưa kể còn rất khó sử dụng. Có thể dựa vào bằng chứng lịch sử để ủng hộ lập luận này, bởi một số con tàu dài hơn 100 m được chế tạo về sau như chiến hạm HMS Orlando hay tàu hộ tống Wyoming (của Anh Quốc) đều gặp phải những vấn đề về kết cấu. Khi biển động mạnh, thân tàu rất dễ bị uốn cong khiến cho các tấm ván dài xoắn và vênh, vật liệu bằng gỗ sẽ không thể chịu nổi. Phải sang đến thế kỷ XIX, con người mới đóng được những tàu thân sắt với chiều dài đạt 126m và chạy bằng động cơ hơi nước.
Mặc dù vậy, không ai phủ nhận rằng các con tàu trong hạm đội Trịnh Hòa có kích thước rất lớn. Theo ước tính, những chiếc lớn nhất có thể dài 119–124 m, trong khi các ước tính thận trọng hơn đặt chúng vào khoảng 60–76 m. Khác với nhiều tàu được đóng cho những mục đích khác, tàu kho báu của Trịnh Hòa thường có chiều dài và rộng tương xứng, thân tàu (hull) hình chữ V, sống tàu (keel) dài và bì tàu (ballast) nặng để giúp chúng duy trì sự cân bằng. Ngoài ra, chúng cũng được cố định bằng nhiều neo nổi buộc vào mạn tàu, và gia cố sức mạnh nhờ các khoang kín chứa đầy nước. Chưa hết, tàu còn có một bánh lái cân bằng (có thể nâng lên và hạ xuống được), đóng vai trò như một sống [tàu] phụ giúp tăng cường sự chắc chắn.
Năm 2005, chính quyền thành phố Nam Kinh, Trung Quốc cho khai trương một công viên thủy xưởng tại nơi mà người ta đã khai quật được một vài nguyên mẫu thu nhỏ của tàu kho báu Trịnh Hòa nhằm tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào về quá khứ lẫy lừng và cổ vũ khát vọng hàng hải của người dân Trung Quốc.
Trịnh Hòa thuộc dòng dõi người Hồi sống tại miền Nam Trung Quốc vào thế kỷ XIII. Sau này, con thứ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328 - 1398) là Chu Lệ (tức Minh Thành Tổ) bình định Vân Nam, bắt được một số lớn binh sĩ Mông Cổ và các dân tộc thiểu số Mèo, Dao, … Đàn ông bị giết hết, đàn bà đem về làm tì thiếp, còn trẻ em và thanh thiếu niên thì bị thiến để làm hoạn quan hầu hạ trong cung. Một trong những đứa trẻ đó sau này được ban Hán tính là Trịnh Hòa. Khi Minh Thành Tổ lên ngôi, Trịnh Hòa được phong đô đốc chỉ huy việc đóng thuyền và đi sứ hải ngoại.
Nhà nước Trung Quốc đã cho thực hiện nhiều công trình nghiên cứu quy mô về cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Hòa. Một cơ sở mang tên Viện Nghiên Cứu Trịnh Hòa cũng được thành lập tại Nam Kinh. Những tài liệu mà Trung Quốc công bố thường cố gắng chứng minh rằng Trịnh Hòa đã thám hiểm, chinh phục và chiếm được nhiều vùng đất xa xôi từ thời Trung Cổ để làm thuộc địa, trong đó có cả Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo và Phú Quốc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác do các học giả phương Tây thực hiện lại phản bác luận điểm này. Mặc dù Trịnh Hòa có đặt chân đến nhiều nơi như Mã Lai, Indonesia, Srilanka, Ấn Độ, châu Phi, … nhưng chỉ trao đổi trầm hương, ngà voi, sừng tê, gỗ mun đem về Trung Quốc, và tặng lại cho thổ dân đồ sứ và tơ lụa, hoàn toàn không có khám phá và chinh phục lãnh thổ.
John King Fairbank (1907 - 1991), học giả uy tín về Trung Hoa đã nêu ra ba điểm chung về các cuộc viễn du của Trịnh Hòa:
Đây không phải là những chuyến thám hiểm tới các vùng đất mới mà chỉ là những chuyến viễn du chính thức do hoàng đế cử đi. Trịnh Hòa đã đi theo các tuyến hải trình mà những thương nhân Ả Rập và Trung Hoa trước đó đã đi qua, không hề có phát hiện mới. Tất cả các chuyến hải hành đều mang tính chất ngoại giao, không nhằm mục tiêu thương mại, lại càng không phải để chinh phục thuộc địa. Hạm đội chỉ trao đổi hàng hóa và mang về các đặc sản của những vùng xa xôi. Sau khi các chuyến viễn du chấm dứt vào năm 1433, không còn chuyến đi nào khác nữa. Ngay cả những tài liệu ghi chép về chúng cũng bị Binh Bộ Thị Lang hủy đi vào khoảng những năm 1479 khi nhà Minh cấm ngặt việc buôn bán với bên ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.