Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà mới xây khang trang, anh Phạm Văn Tiệp nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp đầy gian khó: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất nhì xã. Năm 2007, UBND xã Vũ Đoài có chủ trương vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tôi mạnh dạn dồn đổi 2,7 mẫu lúa sang phát triển kinh tế theo hướng trang trại, đào ao thả cá, chăn nuôi lợn gà”.
Sau 6 tháng trời đánh vật với đất và nước, cơ sở mới của vợ chồng anh Tiệp dần hình thành với 2 ao nuôi cá và chuồng nuôi lợn, gà.
Anh Phạm Văn Tiệp chăm sóc đàn gà của gia đình. T.H
Có được 2 ao cá với tổng diện tích 4.680m2 mặt nước, gia đình anh đầu tư chăm sóc và phòng bệnh cho cá. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn tại địa phương, đọc sách báo về nuôi trồng thủy sản với phương thức nuôi xen ghép nhiều loại cá trắm cỏ, trôi, chép để tận dụng nhiều tầng mặt nước và thực hiện phương thức đánh tỉa thả bù nên cá chóng lớn. Sau khi trừ chi phí, 2 ao cá cho thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng/năm.Tuy nhiên, sau khi tham quan các trại ương cá giống ở trong và ngoài tỉnh như Nam Định, Hải Dương, anh Tiệp thấy làm cá giống có thu nhập cao hơn hẳn so với cá thịt. Anh Tiệp bèn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nuôi cá giống theo hình thức luân canh. Mỗi năm, anh xuất bán hàng chục tấn cá giống, thu về hơn 100 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.
Không chỉ nuôi cá giỏi, anh Tiệp còn rất mát tay trong chăn nuôi lợn và gà ta thả. “Nhờ chăn nuôi lợn gà, gia đình không chỉ có thêm khoản lãi 100 triệu đồng/năm mà còn tận dụng được chất thải của đàn lợn, gà làm thức ăn cho cá” – anh Tiệp chia sẻ thêm.
Bạn đọc muốn chia sẻ kinh nghiệm với anh Tiệp có thể liên hệ số điện thoại: 0987127316.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.