Bi kịch xã cầm cố ô tô

Thứ năm, ngày 24/03/2011 12:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục người dân làm nông nghiệp ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang rơi vào bi kịch khi nhận cầm cố gần 100 chiếc ô tô loại đắt tiền.
Bình luận 0

Thầy giáo làm môi giới

Trường hợp đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là ông Đinh Công Cảnh (57 tuổi, ở xóm Gò Chòi 2) - người nhận cầm cố nhiều ô tô nhất trong xã với 5 chiếc Honda Civic và Altis, mang biển kiểm soát Hà Nội.

img
Những chiếc ô tô bị cầm cố đang để tại sân trụ sở UBND xã

Gia đình ông Cảnh thuộc diện hộ khá giả trong xã, một phần do bán đất, phần nhiều là tích cóp từ bao năm nay. Tháng 9.2010, ông có hơn 2,4 tỷ đồng cho vay, đổi lại người vay thế chấp 5 chiếc ô tô nói trên. Lãi suất (thỏa thuận bằng miệng) tính mỗi ngày 1 triệu là 2.000 đồng. Với hơn 2,4 tỷ đồng cho vay, mỗi ngày ông Cảnh nhận được khoảng 4,8 triệu đồng tiền lãi.

"Sở dĩ gia đình tôi cho vay số tiền lớn như vậy là qua anh Nguyễn Trọng Hoàn - giáo viên cấp 3 của huyện Thạch Thất, người cùng xóm giới thiệu, môi giới, nên tin tưởng. Người mà chúng tôi được giới thiệu là anh Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc một công ty về vận tải ở Hà Nội. Cho vay với tỷ lệ lãi suất cao, lại có ô tô đi thì ai mà chẳng muốn. Thế nhưng họ chỉ trả lãi được hai tháng đầu, đến tháng thứ ba chẳng thấy tăm hơi đâu!" - ông Cảnh cho biết.

img
Ông Đinh Công Cảnh - người cầm nhiều ô tô nhất xã.

Và để chứng minh, ông Cảnh lôi trong tủ ra cho chúng tôi xem một hợp đồng vay tiền có tài sản thế chấp. Trong đó ghi rõ, bên vay là ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải xây dựng công trình giao thông Hà Nội (ở ngõ 105, đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy). Ông Cảnh cho vay 400 triệu đồng, đổi lại ông Tuyến thế chấp một chiếc ô tô Honda Civic màu vàng nâu, biển kiểm soát 30P- 8743.

Cũng thông qua sự môi giới của thầy giáo Nguyễn Trọng Hoàn, anh Vũ Đình Thực (SN 1964, ở xóm Gò Chòi 1) mang 200 triệu đồng góp với bạn nhận cầm cố 2 xe (1 Madaz 3, 1 Innova) của ông Nguyễn Quang Tuyến.

"Đến giờ tôi vẫn chưa nhận được một đồng lãi nào. Thấy không ổn, tôi đã gặp Hoàn đề nghị trả xe, lấy lại tiền, nhưng anh ta thoái thác. Gần đây tôi đến nhà thì anh ta lẩn tránh, không gặp mặt" - anh Thực lo lắng.

Bí thư xã cũng nhận…cầm cố ô tô

Theo thống kê ban đầu của Công an xã Tiến Xuân, đã có hơn 70 chiếc xe ô tô các loại được mang về xã cầm cố, phần lớn đều là xe đắt tiền, mỗi chiếc từ 500 triệu đồng đến gần một tỷ. Việc cầm cố bắt đầu rộ lên từ cuối năm 2010.

"Mang xe về cầm cố trong dân không chỉ có đường dây của thầy giáo Nguyễn Trọng Hoàn, mà còn có 2-3 tuyến khác, trong đó ông Tạ Khắc Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch thương mại Phương Lâm, người trong xã cũng mang về cầm cố khoảng 30 chiếc. Các đường dây này (không loại trừ là những kẻ lừa đảo ô tô), cũng đi cầm cố xe ở nơi khác đem về đây" - ông Kiều Lương Thiện - Trưởng Công an xã Tiến Xuân cho biết.

Cũng theo ông Thiện, bi kịch xảy ra với người dân Tiến Xuân bắt đầu từ đầu năm 2011. Hàng chục toán người thuê taxi từ Hà Nội về chặn, đòi xe của người dân nơi đây, nói là xe của họ. Trên địa bàn xã đã xảy ra không ít vụ xô xát, tranh giành những chiếc xe cầm cố, gây mất an ninh trật tự.

Chẳng hạn, anh Đinh Công Ninh (con trai ông Cảnh) vừa lái xe ra đầu xóm đã bị gần 10 người chặn đầu xe, khống chế, tước đoạt lại chiếc xe Honda Civic anh đang lái. Rất may anh Ninh đã kịp gọi điện cho bố và người nhà ra hỗ trợ nên không bị tước mất xe. Hiện ông Cảnh đang gửi hai chiếc ô tô cầm cố ở sân UBND xã và làm đơn đề nghị chính quyền can thiệp.

"Đen đủi nhất là trường hợp chiếc xe mà anh Bùi Văn Tình - Bí thư Đảng ủy xã cầm cố. Gia đình anh Tình bỏ ra 600 triệu đồng để cầm cố chiếc Toyota Altis còn rất mới. Sáng mùng 5 Tết vừa qua, anh Tình đem xe đến để ngoài cổng trụ sở UBND xã. Một lúc sau quay ra, chiếc xe biến mất.

Sau đó, chúng tôi mới được biết, chiếc xe này đã bị một chủ cũ ở Hà Nội có chìa khóa dự phòng về lái trộm đem đi. Hiện chiếc xe đang để ở trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng chờ giải quyết"- Trưởng Công an xã Tiến Xuân xác nhận.

Tiếp tay cho tội phạm?

Tiến Xuân có dân số hơn 7.000 người, trong đó dân tộc Mường chiếm 75%. Trước ngày 1.8.2008, Tiến Xuân là một xã nghèo của huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Sau khi nhập về huyện Thạch Thất, Hà Nội, Tiến Xuân có một số hộ khá giả nhờ bán đất đai. Đây chính là nguồn tiền chủ yếu cho vay lãi hoặc nhận cầm cố ô tô.

Hàng tỷ đồng tiền gốc chẳng thấy đâu, xe bị thu giữ, vô tình nhiều người dân Tiến Xuân đã tiếp tay cho những kẻ lừa đảo(?)

Ban đầu chỉ vài hộ có tiền cho vay. Thấy lãi suất cao, sau đó nhiều gia đình nghèo, ít tiền cũng tham gia bằng cách chung nhau "đụng" một chiếc ô tô. Nhưng họ đâu ngờ rằng, họ đang cầm cố những chiếc ô tô là vật chứng trong các vụ án lừa đảo!

"Tháng 9.2010, tôi cùng anh em họ hàng gom tiền được 300 triệu đồng cho vay, nhận cầm cố một chiếc xe của hãng Daewoo, lãi suất là 2.000 đồng/ngày/triệu. Tính đến nay, chúng tôi mới nhận được 5 triệu đồng tiền lãi và bất ngờ các anh công an về thu giữ xe. Họ nói chiếc xe là vật chứng của một vụ án lừa đảo" - anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1970, ở xóm Bình Sơn) tỏ ra lo lắng.

Anh Thắng cũng cho biết, hàng tháng nay kể từ khi giao xe cho công an đến giờ, anh vẫn chưa được hồi âm việc giải quyết như thế nào, trong khi đó anh em họ hàng đang xảy ra lục đục vì khoản tiền 300 triệu đồng. Hoàn cảnh trớ trêu trên không chỉ rơi vào nhà anh Thắng.

Cũng theo Công an xã Tiến Xuân, hiện có hơn 30 chiếc ô tô đang bị xem là tang vật của những vụ án lừa đảo, đã bị công an các quận của thành phố thu hồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem