Bị lừa xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, ngư dân mất tiền tỷ

Thứ tư, ngày 22/03/2017 07:00 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Ngọc Tiếp - Trưởng CA xã Hải Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) cho hay, "Khi con em mang hồ sơ đến nhờ tôi chứng thực để làm thủ tục đi lao động ở Hàn Quốc do một DN ở Hà Nội môi giới là tôi đã nghi ngờ có sự lừa đảo trong đó nên không chứng thực và khuyên mọi người cảnh giác. Tuy nhiên con em vẫn cứ bị lừa".
Bình luận 0

Ngư dân Mai Thiện Thân (36 tuổi, trú tại thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh) cứ ngồi thừ người ra khi chúng tôi hỏi về vụ tham gia đường dây xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc. Không thể không lo âu khi biển mất không thể ra khơi và món nợ vay ngân hàng gần 150 triệu đồng chưa biết víu vào đâu để trả.

img

Mất biển, mất tiền, những ngư dân như anh Thân đang lâm vào cảnh khốn khó. 

Anh Thân kể lại, sau khi sự cố môi trường biển xảy ra thì mọi người ai cũng muốn được đi lao động ở nước ngoài. Vào khoảng tháng 10.2016, ông Đoàn Hữu Thống (trú tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đến gặp một số bà con nói có đường dây đi làm việc tàu biển tại Hàn Quốc với mức lương cao và thủ tục đi nhanh chóng. Tin lời, các ngư dân gồm Mai Thiện Thân, Mai Văn Thoại, Mai Văn Toản cùng thêm 3 người khác ở xã Hải Ninh khăn gói theo ông Thống ra Hà Nội làm thủ tục XKLĐ.

Đến Hà Nội, cả nhóm được ông Thống đưa đến trụ sở Cty Hữu Nghị (có địa chỉ tại Linh Đàm - Hoàng Mai - Hà Nội). Đón tiếp người lao động có một nhóm người gồm Nguyễn Thành Trung (xưng là giám đốc), bà Trần Thị Lan Anh (vợ ông Trung, xưng phó giám đốc) và một số người giới thiệu là cán bộ Cty. Hai bên bàn bạc cách thức tuyển dụng, đưa đi Hàn Quốc học nghề lái tàu và làm việc trên tàu. Theo anh Thân, lúc này còn có cả một người nói tiếng nước ngoài và có vóc dáng như người Hàn Quốc cùng tham gia. Sau đó phía Cty yêu cầu mỗi người nộp lệ phí 40 triệu đồng. Tuy nhiên, do không có tiền nên không ai nộp. Ngày hôm sau, cả nhóm mua vé xe quay về Quảng Bình.

Khoảng một tuần sau, ông Thống thông báo cho 6 anh em ra Hà Nội học tiếng Hàn và làm thủ tục. Khi ra Hà Nội, mấy anh em được đưa đến trụ sở ở Linh Đàm một lúc rồi được đưa lên trụ sở có địa chỉ Văn Quán - Hà Đông - Hà Nội học tiếng. Học được một tuần, phía Cty yêu cầu nộp số tiền 150 triệu đồng và quy định ai nộp sớm sẽ được chuyển hộ chiếu qua Zalo trên máy điện thoại. Vì mong muốn được đi nhanh nên tất cả 6 người quay về nhà vay tiền ở ngân hàng nộp đủ cho Cty.

Hơn chục ngày sau, phía Cty thông báo mọi người có mặt ở Hà Nội để ngày 12.10.2016 sẽ lên máy bay bay sang Hàn Quốc. Xóm nhỏ vùng biển cũng khá vui vì những cuộc liên hoan chia tay gia đình, bố mẹ, anh em, vợ con... của những người "được" gặp may mắn qua Hàn Quốc lao động. "Nhưng tất cả chúng tôi đã bị lừa", anh Thân kể tiếp.

Từ sáng ngày 12.10.2016, trụ sở Cty Hữu Nghị vắng tanh. Gọi điện thoại cho ông Trung, bà Lan Anh nhưng không liên lạc được. Xem lại các phiếu thu tiền thì chỉ là bản in mẫu sẵn và đóng dấu vuông với chữ "đã thu tiền" chứ không hề có dấu đỏ tên Cty. Duy nhất chỉ có tên người nhận tiền ký trong phiếu tạm thu khi thì ông Trung (giám đốc), khi thì ông Nguyễn Hữu Sơn (kế toán).

Các phiếu thu ghi cam kết nếu đọc thì cũng đã thấy sự lừa đảo trong đó: "Ngoài thời gian 5 tháng, Cty vẫn chưa làm thủ tục cho xuất cảnh được mà anh/chị không có nhu cầu đi nữa muốn rút lại tiền thì tôi (Nguyễn Thành Trung - PV) có trách nhiệm rút lại đầy đủ số tiền không thiếu một nghìn, một xu nào cho anh/chị...".

img

Các ngư dân kể việc bị lừa 

"Chúng tôi đợi đến 3 ngày nhưng cũng không có ai ở Cty ra giải quyết. Đến ngày thứ 3, ngoài gần chục anh em ở Quảng Bình còn có gần năm chục người ở các tỉnh khác nhau cũng kéo về để bay đi Hàn Quốc nhưng bị lừa. Sau đó chúng tôi lên trình báo vụ việc với CA quận rồi ai nấy lên xe ra về. Tính ra, mỗi anh em mất gần 200 triệu tiền chi phí đi lại, làm hồ sơ và nộp cho Cty. Tất cả đều vay ở ngân hàng", anh Thân nói thêm trong nỗi buồn.

Tại xã biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), đã có  hơn 30 người hy vọng theo đường dây này để đổi đời. Trong số đó, có 7 người đã chuyển 170 triệu đồng/người cho ông Nguyễn Hữu Sơn. Số còn lại cũng đã đặt cọc hoặc nộp tiền tạm thu 30-40 triệu đồng/người. Anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Nhân Trạch) kể lại việc bị lừa đi Hàn Quốc cũng tương tự như các ngư dân ở xã Hải Ninh. Khi ra Cty chờ để bay và không có ai tiếp đón thì mọi người cầm chắc mình đã bị lừa mất tiền oan. Qua đây, chúng tôi cũng muốn cảnh báo với những người có nguyện vọng đi XKLĐ nên tìm hiểu kỹ phía DN để tránh bị lừa như chúng tôi", anh Tuấn ngậm ngùi.

Ông Phạm Văn Đề - Trưởng công an xã Nhân Trạch cho biết, nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con làm tờ trình và báo cáo gấp lên cơ quan công an huyện để làm rõ. Những người lao động đã trực tiếp gặp ông Thống (người môi giới) để tìm cách đòi lại tiền. Tuy nhiên, ông Thống kêu mình cũng là người bị lừa chứ không phải là người tổ chức vụ lừa đảo này. Đến lúc đó, tất thảy những ngư dân mới ngớ người vì biết tiền mất khó đòi được về.

Ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh khuyến cáo: “Bà con nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước như Trung tâm Giới thiệu việc làm và dạy nghề Hội Nông dân, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên… để được tư vấn tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài phù hợp với túi tiền và công việc của mình. Qua đó mới tránh được việc bị lừa mất tiền lớn và lâm vào cảnh nợ nần".

Tâm Phùng (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem