Bí mật mối quan hệ gia đình “rối rắm” nhất Lương Sơn Bạc

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 24/08/2019 18:33 PM (GMT+7)
Lương Sơn Bạc, ngoài nhóm đầu lĩnh là anh em ruột còn có một “đại gia đình” lên tới 8 thành viên có mối quan hệ họ hàng, đằng nội đằng ngoại (…) vô cùng rối rắm. Một chi tiết đặc biệt trong tác phẩm Thủy Hử - Thi Nại Am mà không phải ai cũng để ý tới.
Bình luận 0

Tôn Lập – Tôn Tân và Cố Đại Tẩu

108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, ngoài việc là huynh đệ kết nghĩa tụ về Bến Nước, còn có khá nhiều bộ đôi – bộ ba là những người có quan hệ họ hàng ruột thịt, cùng chung huyết thống. Như Nguyễn thị Tam hùng, cặp Trương Hoành – Trương Thuận, Tống Giang – Tống Thanh, Giải Trân – Giải Bảo, Khổng Minh – Khổng Lượng, Sái Phúc – Sái Khánh, Đồng Uy – Đồng Mãnh...

img

8 đầu lĩnh Lương Sơn này có mối quan hệ họ hàng “dây mơ rễ má”.

Nhưng mối quan hệ gia đình bền chặt nhất, có thể nói là “dây mơ rễ má” nhất Lương Sơn Bạc thì có liên quan tới…8 đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc. Và nếu không đọc thật kĩ Thủy Hử, đa số độc giả sẽ không để ý đến chi tiết này. Đó là đại gia đình gồm Tôn Tân – Tôn Lập, Giải Trân – Giải Bảo,cặp chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận, Cố Đại Tẩu và Nhạc Hòa.

Tôn Lập thân cao tám thước, mặt vàng nhiều râu, tròng mắt đen tuyền, tánh tình nóng nảy, giỏi bắn cung, dáng người giống danh tướng khai quốc công thần nhà Đường - Uất Trì Kính Đức nhưng vì làn da nhợt nhạt nên thường được gọi là “Bệnh Uất Trì”.

Là con nhà binh, Tôn Lập võ nghệ siêu quần, thường sử dụng trường thương, lưng đeo đôi roi sắt Hổ Nhãn Trúc Tiết Cang Tiệm.Tôn Lập là anh ruột của “Tiểu Uất Trì” Tôn Tân, cũng là thày dạy võ cho chính em trai. Tôn Tân cùng vợ là “Mẫu Đại trùng” Cố Đại Tẩu mở một tửu điếm lớn ở bên ngoài cửa đông thành Đăng Châu, nơi Tôn Lập giữ chức Đề Hạt cai quản binh mã.

img

Tôn Lập và Tôn Tân là hai anh em ruột.

Giải Trân - Giải Bảo là em họ Cố Đại Tẩu, Nhạc Hòa là em vợ Tôn Lập

Cặp thợ săn núi Đăng Châu, “Lưỡng đầu Xà” Giải Trân – “Song vĩ Hạt” Giải Bảo là anh em ruột thì phàm đọc Thủy Hử ai cũng rõ. Trong một lần anh em Giải săn cọp theo lệnh quan, đã truy tầm dấu vết con cọp bị họ bắn tử thương chạy lọt vào Maogia trang. Khi đến gia trang họ Mao, hai anh em bị Mao Thái Công đánh lừa bằng cách giữ họ lại ăn uống và nghỉ ngơi trong khi con trai của mình là Mao Trọng Nghĩa đem xác cọp lên phủ quan nhận thưởng.

Quá tức giận vì bị lừa, hai anh em họ Giải đã đánh nhau với gia đình họ Mao nhưng không lại và bị bắt trói đưa lên phủ trị tội. Để phòng ngừa hậu họa về sau, Mao Thái Công đã thông đồng với con rể Vương Chánh cùng quan giữ ngục Bao Tiết Cấp giam hai anh em họ Giải vào tử lao chờ chém. Tới đây, ở hồi 48, xuất hiện một nhân vật – lính cai ngục tên Nhạc Hòa. Và cuộc đối thoại giữa anh em họ Giải và Nhạc Hòa đã làm sáng tỏ mối quan hệ “rắc rối” nhất Thủy Hử.

“Tôi họ Nhạc tên Hòa, người ở Mao Châu.Trước tổ tiên chúng tôi đến ở đất này, sau đem chị tôi gả cho Tôn Đề hạt (chính là Tôn Lập), còn tôi thì coi ngục ở đây. Người ta thấy tôi hát hay, thường gọi là Thiết Khiếu Tử Nhạc Hòa. Tôn Đề Hạt thấy tôi khỏe mạnh, nên cũng dạy cho mấy ngón côn, quyền, dao, kiếm, võ nghệ cũng không kém gì ai” – đấy là lời Nhạc Hòa nói với Giải Trân – Giải Bảo.

img

Giải Trân – Giải Bảo có chị họ là Cố Đại Tẩu, người lấy Tôn Tân làm chồng.

Sau đó, Thi Nại Am để Giải Trân cất lời nhờ Nhạc Hòa báo tin cho người thân thế này: “Tôi có một người chị họ. Ngày trước cha tôi gả cho người em của Tôn Đề Hạt, hiện nay mở hàng cơm ở phố, cách ngoài cửa Đông chừng mười dặm. Chị ấy là con bác gái nhà tôi, tên Mẫu Đại Trùng Cố Đại Tẩu, sức khỏe hai ba mươi người cũng không gần được, chồng là Tôn Tân, võ nghệ khá, mà cũng phải thua chị ta. Chị ấy đối với chúng tôi rất là tử tế... Còn Tôn Tân, Tôn Lập thì mẹ tôi tức là cô các ông ấy, nên đối với chúng tôi là con cô con cậu cả”.

Đúng là quan hệ gia đình họ hàng vô cùng lằng nhằng. Cặp Tôn Lập – Tôn Tân là anh họ (con bác) của bộ đôi Giải Trân – Giải Bảo. Rồi một người chị họ khác của cặp Giải Trân – Giải Bảo, tức Cố Đại Tẩu lại là vợ của Tôn Tân. Nhạc Hòa thì là em ruột Nhạc Nương - vợ của Tôn Lập.

Chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận cũng là họ hàng với anh em Tôn

Vậy, cặp chú Trâu Uyên – cháu Trâu Nhuận thì liên quan gì đến 6 nhân vật vừa nêu? Chúng ta đi tiếp mạch chuyện, đến việc Cố Đại Tẩu sau khi nhận tin hai cậu em họ Giải Trân – Giải Bảo bị giam trong ngục từ Nhạc Hòa đã bàn với chồng mình Tôn Tân để tính kế cướp lao cứu người. Tôn Tân có nói mấy câu thế này:

img

Tôn Lập (và Tôn Tân) là em họ Trâu Uyên, còn Nhạc Hòa là em vợ Tôn Lập.

“Chết nỗi! Sao to gan thế? Phải cẩn thận mới được, cướp lao xong rồi thế nào chứ? Việc này nếu không có Ca Ca cùng hai anh kia thì không xong mất... Hai chú cháu anh con bác là Trâu Uyên, Trâu Nhuận, hiện làm cướp ở núi Đăng Vân, đối với tôi rất tử tế và thân thiết. Nếu được hai tay ấy giúp vào, thì tất là xong việc”.

Vậy là Trâu Uyên – Trâu Nhuận (vai vế là chú cháu nhưng cùng chỉ hơn kém nhau vài tuổi) cũng có mối quan hệ họ hàng với anh em họ Tôn. Trâu Uyên là anh họ Tôn Lập – Tôn Tân. Do họ khác nhau nên hiểu đơn giản, mẹ đẻ Trâu Uyên là chị gái của bậc sinh thành (chỉ không rõ là cha hay mẹ) của Tôn Lập – Tôn Tân. Theo đó Trâu Nhuận cũng phải gọi anh em họ Tôn là chú, xưng cháu.

Hậu vận của đại gia đình 8 người như thế nào?

Sau khi cùng nhau phá ngục Đăng Châu cứu thoát Giải Trân Giải Bảo, bộ 8 này cùng nhau lên Lương Sơn nhập hội. Khi phân ngôi thứ ở Bến Nước, Giải Trân - Giải Bảo là hai người có hạng cao nhất của “đại gia đình” này, ngồi ghế 34-35 chức Bộ quân Đầu lĩnh. Kế đến là Tôn Lập, hạng 39, Mã quân Tiểu tướng làm phó cho Lâm Xung. Sau đó lần lượt là Nhạc Hòa (77), Trâu Uyên (90), Trâu Nhuận (91), Tôn Tân (100) và Cố Đại Tẩu (101).

img

Chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận cùng cặp vợ chồng Cố Đại Tẩu – Tôn Tân bàn kế giải cứu anh em họ Giải.

Trong 8 thành viên của “đại gia đình” này, thì có ba người thiệt mạng ở trận chiến với Phương Lạp. Anh em họ Giải tử trận ở đèo Ô Long, thậm chí thủ cấp của hai người còn bị quân của tướng Phương Lạp – Thạch Bảo bêu ở trước ải. Trâu Nhuận chết trong đám loạn quân ở trận đánh động Thanh Khê. Nhạc Hòa làm quản lý công việc ca xướng trong phủ của Vương Đô úy, không tham dự trận chiến với Phương Lạp.

Bộ ba Tôn Lập – Tôn Tân – Cố Đại Tẩu, sau chiến dịch bình Phương Lạp, không về triều nhậm chức mà trở lại quê nhà Quỳnh Châu sống cuộc đời thứ dân bình thưởng. Chỉ duy nhất Trâu Uyên trở về nhận ban thưởng và sắc phong. Trâu Nhuận được phong tước Võ Dịch Lang, bổ nhiệm chức Đô Thống Lĩnh – quan võcai quản binh lính ở phủ Đăng Châu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem