Nhân vật bá đạo nhất Thủy Hử, bản lĩnh vượt xa 108 vị anh hùng
Nhân vật bá đạo nhất Thủy Hử, bản lĩnh vượt xa 108 vị anh hùng
Thanh Xuân
Thứ năm, ngày 25/07/2019 18:34 PM (GMT+7)
Đa số các độc giả Thủy Hử đều tin rằng, Nhập Vân Long Công Tôn Thắng chính là cao thủ đệ nhất của Lương Sơn Bạc. Nhưng trong danh tác của Thi Nại Am, vẫn còn đó một nhân vật mà bản lĩnh, tài phép xuất quỷ nhập thần, vượt rất xa đạo sĩ họ Công.
Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, Nhập Vân Long Công Tôn Thắng, đầu lĩnh ngồi ghế thứ 4, là một nhân vật có bản lĩnh siêu hạng. Về mặt võ nghệ, Công Tôn Thắng không thua Thanh Diện Thú Dương Chí, cao thủ đại nội nhà Tống. Nhưng biệt tài của Nhập Vân Long, vốn xuất thân đạo sĩ, là ở tài phép và năng lực dụng binh, thi triển trận pháp của chàng.
Nhân vật sở hữu bản lĩnh siêu tuyệt, vượt xa 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc.
Công Tôn Thắng từng dùng trận Bát Quái, kết hợp phép thuật hô mưa gọi gió, đánh bại và thu phục nhóm Phàn Thụy, Lý Cổn, Hạng Sung. Rồi ở hồi 53, chính nhờ bản lĩnh của Công Tôn Thắng mà nghĩa quân Lương Sơn chỉ một trận đánh tan quân Cao Liêm, hạ Cao Đường Châu, cứu được Sài Tiến.
Tài phép xuất thần nhập quỷ của Công Tôn Thắng giúp quân Lương Sơn, sau khi nhận chiêu an được triều đình cử đi đánh giặc Liêu, Điển Hổ, Vương Khánh, thu được toàn thắng. Trước khi đánh Phương Lạp, Công Tôn Thắng giã biệt huynh đệ để tập trung vào con đường tu luyện. Không có Nhập Vân Long, nghĩa quân Lương Sơn dù vẫn giành thắng lợi chung cuộc nhưng lại chịu tổn thất vô cùng nặng nề ở trận chiến với Phương Lạp, 59 đầu lĩnh tử trận, 10 người ốm chết trong chiến dịch.
Có thể nói, Công Tôn Thắng dù không gắn bó với Lương Sơn Bạc đến tận cuối cùng, dù là một nhân vật đầy bí ẩn, nhưng chắc chắn là cao thủ đệ nhất trong số 108 đầu lĩnh của Bến nước. Nhưng Thủy Hử vẫn còn một cái tên khác, xét trên tất cả các phương diện, sở hữu bản lĩnh vượt xa Công Tôn Thắng. Đó chính là sư phụ của chàng: La Chân Nhân.
Công Tôn Thắng, võ không kém Dương Chí, tài phép và binh pháp thì thuộc hàng đệ nhất Lương Sơn.
Nhưng chỉ là hạng “tép riu” khi đặt cạnh nhân vật này
La Chân Nhân, chỉ được Thi Nai Am nhắc tới ở hồi 52-53 Thủy Hử, nhân chuyện Đới Tung và Lý Quỳ, theo lệnh Tống Giang tới Kế Châu tìm Công Tôn Thắng, mời chàng ta về giúp nghĩa quân Lương Sơn phá trận Cao Liêm, đánh phủ Đường Châu, cứu Sài Tiến. Sau khi gặp được Công Tôn Thắng, Đới Tung vật nài xin giúp thì Nhập Vân Long, trước thì lấy cớ mẹ già không ai chăm sóc, sau lại nói thế này: “Để tôi bẩm với Sư phụ Chân Nhân, nếu người có bằng lòng, thì sẽ đi một thể”.
Hình ảnh đầu tiên của La Chân Nhân hiện ra ở Thủy Hử hồi 52 như sau: “Công Tôn Thắng dẫn hai người đến một ngõ nhỏ, thấy có cái biển son đề ba chữ "Chân Nhân quán" rất to. Ba người vào đến đình sửa áo, liền cùng nhau chỉnh đốn áo khăn, rồi đi qua một lũy hành lang đến hiên Tùng Hạc… Chân Nhân nghe báo, truyền chỉ cho Công Tôn Thắng vào, Công Tôn Thắng dẫn Đới Tung, Lý Quỳ vào đến trong hiên Tùng Hạc, thấy La Chân Nhân đương ngồi ngay ngắn ở trên sập Vàng”.
La Chân Nhân lúc đầu tỏ ý không cho phép Công Tôn Thắng hạ sơn giúp Lương Sơn Bạc: “Nhất Thanh (đạo hiệu của Công Tôn Thắng) đã thoát nơi Lò Lửa, yên tâm theo luyện phép trường sinh, sao còn mơ hồ đến cảnh đó… Hai người chưa rõ, những việc ấy không phải là đám xuất gia tôi bận đến, vậy xin các ngài hãy về thương nghị xem sao”.
Nhưng so với sư phụ La Chân Nhân, Công Tôn Thắng chỉ là hạng… “tép riu”.
Sau Lý Quỳ biết được chuyện này thì mới nảy ra ý định: “Bất nhược giết phăng lão già kia (tức La Chân Nhân), cho nó hết hỏi là tất nhiên phải đi với mình hẳn...”. Nghĩ tới đó, Lý Quỳ hành động ngay: “Chàng đi đến trước hiên, nghe trong cửa có tiếng người tụng kinh, bèn nhảy lên chỗ khe cửa để xem thì thấy La Chân Nhân ngồi ở chỗ lúc chiều, trên án trước mặt có lò lửa hương khói bốc lên nghi ngút, và hai cây nến thắp sáng choang… rồi lần đến bên cửa sẽ lấy tay đẩy tung cánh cửa ra, đoạn rồi lấy búa sấn vào, nhè giữa óc La Chân Nhân choang cho một búa; ngã gục xuống giường…”.
Tưởng chừng một búa giết được La Chân Nhân, Lý Quỳ hí hửng về ngủ sáng hôm sau ung dung tới Chân Nhân quán, chắc mẩm rằng sư phụ Công Tôn Thắng đã chết, chuyện đưa Nhập Vân Long về giúp Tống Giang coi như xong. Nhưng tới nơi, Lý Quỳ mới biết kẻ như gã… tuổi gì mà so đọ được với bậc thần tiên đã tu hành đắc đạo như La Chân Nhân.
La Chân Nhân: Một cái phẩy tay, Lý Quỳ khiếp đảm
“Lý Quỳ nghe nói cả kinh, lè lưỡi ra đến nửa ngày không co vào được. Bấy giờ ba người cùng mở rèm đi vào, quả nhiên thấy La Chân Nhân đương ngồi trên Vân Sàng ở giữa nhà”. Tới lúc này, bản lĩnh siêu hạng của La Chân Nhân mới được hé lộ. Đầu tiên, La Chân Nhân nói: “Ta làm phép cho ba người đến ngay Đường Châu bây giờ... Đới Tung vâng lời tạ ơn, rồi tự nghĩ rằng: "La Chân Nhân lại có phép đi nhanh hơn phép thần hành của ta hẳn".
Lý Quỳ vì nóng lòng đưa Công Tôn Thắng xuống núi giúp nghĩa quân Lương Sơn, mà đắc tội với La Chân Nhân.
Cần biết, phép thần hành giáp mã của Đới Tung, ngày có thể đi tới 800 dặm nhưng từ Đường Châu tới Kế Chân, chàng cùng Lý Quỳ cũng phải mất tới 3 hôm. Trong khi, quãng đường hơn 2000 dặm này, với La Chân Nhân chỉ là chuyện “bé như hạt gạo”.
“Chân Nhân gọi đạo đồng, lấy ba cái khăn tay đến…Chân Nhân lấy tay áo phẩy một cái mà quát lên rằng: - Lên... Bỗng dưng cái khăn hóa ra một vầng mây đỏ, đem Công Tôn Thắng lên cao ước chừng hai mươi trượng, Chân Nhân lại quát lên "Im" thì thấy dám mây đứng im lại mà không đi nữa. Chân Nhân lại lấy khăn tay xanh, bảo Đới Tung trèo lên, rồi quát một tiếng "Lên" thì khăn tay xanh hóa ra đám mây xanh, mà đưa Đới Tung lên cao bằng chỗ Công Tôn Thắng, mà đang lơ lửng ở đó… Bấy giờ Chân Nhân lại bảo lấy khăn tay trắng, bảo Lý Quỳ đứng lên. Chân Nhân quát lên một tiếng "Lên" rồi khăn tay trắng hóa thành đám mây trắng đem quân bay lên. Chân Nhân vẫy tay một cái, hai đám mây xanh, đỏ đều là là bay xuống…”.
Trong lúc Lý Quỳ kêu la hoảng hốt, thì La Chân Nhân đứng dưới hỏi lên rằng: - Chúng ta là kẻ tu hành có can phạm gì đến ngươi? Sao đêm hôm qua ngươi dám cào tường vào, giơ búa chém ta? Nếu ta không phải là người có đạo đức, thì còn sống làm sao được nữa? - Thôi, cũng chỉ chém hai cái túm cỏ của ta đó thôi. Nhưng bụng ngươi đã bất thiện, thì ta phải cho một mẻ mà sửa đổi đi mới được. Nói đoạn giơ tay vẫy, quát lên một tiếng "Đi" rồi thấy một trận ác phong đưa đến thổi bạt Lý Quỳ đi lên tít trên mây. Bấy giờ Lý Quỳ chỉ nghe thấy hai bên tai vù vù như gió táp mưa sa, trông xuống bên dưới cỏ cây cửa nhà đều ầm ầm bay chuyển. Dưới chân mình cũng chẳng khác nào gió giục mây vần, càng ngày càng đổi giạt mãi đi, không biết trời đất là đâu nữa”.
La Chân Nhân là bậc thiên tiên đệ nhất có thể sai khiến cả Hoàng Cân Lực sĩ.
Sau Lý Quỳ, phải phép của La Chân Nhân mà “rơi ngay xuống nóc công đường phủ Kế Châu”, bị bắt trói, rồi bị “đánh lấy đánh để, chỉ còn thiếu nước chết”, đeo gông nặng, giam vào nhà lao tử tù. Nhưng hóa ra Lý Quỳ cũng là tay khôn ranh, đã mượn tiếng La Chân Nhân mà dọa nạt bọn cai ngục, nên cũng không đến nỗi bị xử tệ tại nhà lao.
“Ta là người thân của La Chân Nhân, nên đem ta đến bỏ chốn này, đầy ải vài hôm, rồi thế nào cũng đón ta về... Nếu các anh không đem rượu thịt cho ta ăn uống tử tế, thì ta cho toàn gia các anh chết cả đó... Bọn kia nghe nói, anh nào cũng sợ hãi, phải mua rượu thịt đến cho ăn uống. Lý Quỳ thấy chúng sợ hãi lại càng làm già... Bọn lính ngục thấy vậy, càng kính sợ, đem nước nóng cho Lý Quỳ tắm gội, rồi lấy quần áo sạch sẽ cho thay. Anh nào anh nấy, phục dịch bằng ông thần sống vậy”.
Bậc thiên tiên đệ nhất, sai khiến được cả Hoàng Cân Lực sĩ
Sau Thi Nại Am tả tiếp đến cái tuệ nhãn của La Chân Nhân qua đoạn Đới Tung xin ông tha cho Lý Quỳ: “La Chân Nhân cười rằng: - Tôi vẫn biết Lý Quỳ là một vị Sát Tinh ở trên trời, vì hạ giới hiện nay tội ác đã nhiều, nên trời đày anh ta xuống để giết bớt những giống loài vô ích, tôi đây có khi nào lại trái lòng trời, mà giết hắn đi cho được, đó chẳng qua là rèn bớt tính khí cho hắn, rồi tôi lại cho về đây ngay, có ngại gì”.
Chưa hết, La Chân Nhân còn có thể sai khiến được cả Hoàng Cân Lực Sĩ: “Nói đoạn gọi lên rằng: - Nào lực sĩ đâu? Nói vừa dứt lời, thì trước hiên Tùng Hạc có một ngọn gió bay qua rồi có một lực sĩ khăn Vàng chạy vào, cúi lạy La Chân Nhân mà vâng pháp chỉ. Chân Nhân truyền rằng: - Hôm nọ ta sai ngươi đem đày tên ấy sang Kế Châu, nay đã hết tội lỗi rồi, vậy ngươi đến đó bắt về đây cho ta. Lực sĩ vâng lời quay ra. Được một lát bỗng thấy Lý Quỳ ở trên trời rơi xuống ở giữa sân”.
“Đới Tung lại hỏi thăm chuyện trong mấy hôm đó. Lý Quỳ liền thuật lại chuyện vào ngục Kế Châu, đến khi có Hoàng Cân Lực Sĩ cứu về, cho Đới Tung nghe... Bấy giờ Công Tôn Thắng nói với hai người rằng: - Ở đây có hơn một ngàn Hoàng Cân Lực Sĩ đó đều là đầy tớ La Chân Nhân cả... Lý Quỳ nghe nói kêu lên rằng: - Ối Phật Tổ ôi! Thế mà không bảo cho tôi biết trước, để tôi khỏi xằng như thế? Nói đoạn lạy lấy lạy để không thôi...”.
Tới đây, chúng ta cần tìm hiểu một chút về Hoàng Cân Lực Sĩ: “Hoàng Cân Lực Sĩ có hình dạng Cự Nhân, cao to hàng chục thước, có cơ bắp rắn chắc, toàn thân tỏa sắc hoàng kim của ánh sáng từ khối khí Thái Cực, Thái Hư đã tạo nên thân ảnh của họ. Vì họ là hóa thân của ánh sáng vi diệu nhiệm màu, cho nên vô nhiễm với vạn pháp. Tất thảy các pháp hữu vi lẫn vô vi đều không tác động được đến họ. Từ điểm này, việc họ thi hành chấp pháp Thiên Điều là tuyệt đối, chẳng ai có thể làm sai trái luật Công Bình Nhân Quả mà thoát khỏi sự thi hành pháp của họ để giữ sự cân bằng của Tam Giới”.
Không ai biết La Chân Nhận thực sự là ai, nhưng rõ ràng tài phép của ông vượt rất xa Công Tôn Thắng. Không chỉ bất tử, hô mây gọi gió, đoán định được chuyện quá khứ tương lai, mà ông còn sai khiến được cả ngàn Hoàng Cân Lực Sĩ, vốn là những vị thần Hộ pháp làm nhiệm vụ giữ cân bằng Tam Giới. Theo thuyết Đạo giáo, chỉ một số ít Thiên tiên, có ấn lệnh từ Nguyên Thủy Thiên Tôn mới có thể yêu cầu Hoàng Cân Lực sĩ thi hành chấp pháp mà thôi. Tức tầm vóc và đẳng cấp của La Chân Nhân ở Đạo Giáo là rất cao.
So với một bậc Thiên tiên như La Chân Nhân, những tay hảo háo người trần mắt thịt ở Lương Sơn, dĩ nhiên, kém cả một trời bản lĩnh vậy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.